Bình Thuận tăng cường thanh tra chuyên ngành thu hồi nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế

06/12/2019 03:03 PM


Chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) được coi là công cụ pháp lý hiệu quả giúp cho cơ quan BHXH thực hiện tốt công tác thu và hạn chế tối đa việc nợ tiền đóng BHXH, BHTN, BHYT thông qua việc phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính, chuyển các hồ sơ, vụ việc có dấu hiệu tội phạm, kiến nghị cơ quan điều tra xem xét, khởi tố.

Toàn tỉnh Bình Thuận có 2.878 đơn vị tham gia đóng BHXH, BHTN, BHYT, trong đó có 1.676 doanh nghiệp, đa số là doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ. Phần lớn các đơn vị sử dụng lao động chấp hành nghiêm túc chính sách về BHXH, BHTN, BHYT cho người lao động. Tuy nhiên vẫn còn không ít các doanh nghiệp có hành vi chậm đóng, đóng không đủ số lao động thuộc diện phải tham gia, cố tình trục lợi quỹ BHXH… gây khó khăn không chỉ đối với các cơ quan chức năng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động.

Từ khi được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, lãnh đạo BHXH tỉnh rất quan tâm và xem đây là một trong những công cụ hữu hiệu để thực hiện tốt công tác thu, giảm nợ BHXH, BHYT, BHTN. Từ tháng 11/2016 đến tháng 6/2019, đã tổ chức thanh tra chuyên ngành tại 367 đơn vị; tổng số tiền nợ của các đơn vị trước khi có quyết định thanh tra là 69.826 triệu đồng; số tiền nợ các đơn vị đã khắc phục là 64.292 triệu đồng, trong đó số nợ đơn vị nộp trong thời gian thanh tra là 45.181 triệu; tỉ lệ thu hồi nợ qua công tác thanh tra đạt 92,1%. Ngoài ra, kết quả thanh tra đã phát hiện và yêu cầu các đơn vị truy đóng BHXH cho 578 lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa đăng ký đóng, điều chỉnh mức đóng cho 1.366 lao động… truy thu được 2.497/3.440 triệu đồng; lập biên bản vi phạm hành chính, ban hành hoặc tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định xử phạt đối với 33 đơn vị cố tình dây dưa, chậm đóng, để nợ BHXH, BHTN kéo dài với tổng số tiền là 1.329 triệu đồng (trong đó có 18 đơn vị đã nộp phạt 865 triệu đồng);

Liên ngành phối hợp kiểm tra công tác thực thi pháp luật BHXH, BHYT, BHTN tại đơn vị sử dụng lao động

Nhờ thực hiện tốt công tác thanh tra chuyên ngành và áp dụng các biện pháp quyết liệt đã góp phần tích cực vào việc tăng số tiền thu BHXH, BHYT, BHTN hàng năm, hạn chế tình trạng nợ đóng, tỉ lệ nợ hàng quý, cuối năm giảm rõ rệt: Năm 2017, tổng số thu là 1.913 tỷ đồng, tăng 10,5% so với năm 2016; năm 2018, thu được 2.171 tỷ đồng, tăng 13,54% so với năm 2017; tính đến hết đến tháng 10/2019, toàn tỉnh thu được hơn 1.906 tỷ đồng, đạt 82% kế hoạch; tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2018. Tỉ lệ nợ giảm nhanh hàng năm: Năm 2015 là 3,48%; năm 2016 là 2,99%; năm 2017 là 2,57%; năm 2018 là năm có số tiền nợ giảm rất mạnh, thấp nhất từ trước đến nay, số tiền nợ BHXH, BHTN, BHYT là 29,4 tỷ đồng, chiếm 1,38% trên kế hoạch thu, thấp hơn tỉ lệ nợ BHXH Việt Nam giao (1,63%);

Căn cứ Điều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự và Quy chế phối hợp với cơ quan Công an trong phòng chống tội phạm lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN ; BHXH tỉnh đã chuyển hồ sơ của 24 đơn vị (năm 2018: 09 đơn vị, năm 2019: 15 đơn vị) sau thanh tra, đã xử phạt hành chính nhưng chưa khắc phục tiền nợ hoặc có dấu hiệu tội phạm quy định của Bộ luật Hình sự sang cơ quan Công an xử lý theo thẩm quyền. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh phối hợp cơ quan Công an tỉnh mời đơn vị làm việc và yêu cầu thực hiện đầy đủ, nghiêm túc kết luận. Việc thụ lý, giải quyết các hồ sơ có dấu hiệu vi phạm của cơ quan Công an đã tác động tích cực đến ý thức, trách nhiệm của chủ sử dụng lao động, từ đó các đơn vị đã có ý thức hơn trong việc thực hiện đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.

"Việc triển khai chức năng thanh tra chuyên ngành của BHXH tỉnh Bình Thuận đã đạt những kết quả tích cực là một trong những biện pháp răn đe và thu hồi nợ đọng đối với các đơn vị sử dụng lao động còn để nợ kéo dài, vi phạm pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT. Tuy nhiên vẫn còn những vướng mắc, khó khăn trong tổ chức thực hiện. Trong đó, khó khăn nhất chính là chưa được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đầy đủ" - đại diện BHXH tỉnh nhận định.

Mục tiêu chính trong công tác thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT là thông qua các bước xử lý nghiệp vụ để hướng dẫn, tư vấn, tuyên truyền pháp luật để các đơn vị sử dụng lao động và người lao động thực hiện đúng quy định của pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT đảm bảo quyền lợi cho người lao động, cho doanh nghiệp, đảm bảo công bằng trong sản xuất kinh doanh giữa các doanh nghiệp;

Tuy nhiên, việc xử phạt vi phạm hành chính là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ hữu hiệu hơn các quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Đồng thời thông qua công tác thanh tra cũng là bước quan trọng để tiến tới đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý hình sự các đơn vị, cá nhân vi phạm;

Về phía người lao động cần nâng cao nhận thức, trình độ, kiến thức cần thiết về BHXH để tự bảo vệ mình nếu chủ sử dụng lao động không đảm bảo thực hiện nghĩa vụ cũng như cần chủ động theo dõi quá trình đóng, hưởng BHXH của mình để nắm bắt thông tin và quyền lợi BHXH kịp thời./.

--------------------------------------

Trước khi được giao chính thức chức năng thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT cho ngành BHXH (11/2016), tình trạng chậm đóng, để nợ đọng kéo dài, sử dụng Quỹ BHXH sai mục đích, thu tiền đóng BHXH, BHTN, BHYT của người lao động nhưng không nộp mà sử dụng vào mục đích khác, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về thời hạn lập hồ sơ tham gia BHXH, BHTN, BHYT cho người lao động, đóng không đủ số lượng và mức đóng,… còn phổ biến. Đặc biệt, là các doanh nghiệp ngành xây dựng, dịch vụ du lịch, chế biến thủy hải sản do tính chất ngành nghề theo mùa vụ, phụ thuộc nguồn vốn ngân sách; tình hình hoạt động kinh doanh không hiệu quả nên việc chậm đóng, để nợ BHXH, BHTN, BHYT kéo dài thường xuyên xảy ra. Tỉ lệ nợ trước khi thanh tra chuyên ngành đóng: Năm 2013 là 7,38%; năm 2014 là 3,97% ; năm 2015 là 3,48%;

 

Kim Phượng