Điều kiện tạm dừng đóng BHXH, BHYT, BHTN

04/03/2020 01:38 PM


Hiện nay, kinh tế ở Bình Thuận cũng như các tỉnh, thành trong cả nước đã bắt đầu chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19. Trên các lĩnh vực như: sản xuất nông nghiệp, xuất nhập khẩu, du lịch, vận tải, dịch vụ, bán lẻ… các doanh nghiệp (DN) đều đang phải đối mặt với suy giảm về sản xuất, kinh doanh.

       Thực tế cho thấy, dù tại địa phương chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm Covid-19, song tâm lý e ngại dịch bệnh cũng khiến du khách hạn chế đến các điểm du lịch. Khách du lịch sụt giảm cũng khiến cho vận tải hành khách, hàng hóa bị ảnh hưởng dây chuyền, lượng hàng hóa, hành khách đi lại giảm từ 20-40%. Do đó, số lượng xe phải “nằm bãi” của DN khá lớn, mất thêm chi phí thuê bãi để xe, công nhân phải cho tạm nghỉ việc nhưng vẫn phải trả lương để “giữ chân” họ… Trước tình hình trên, các doanh nghiệp kinh doanh vịch vụ vận tải hành khách có văn bản gửi cơ quan BHXH tại địa phương yêu cầu tạm hoãn thời gian đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Đại diện lãnh đạo LĐLĐ tỉnh, Sở Lao động - TB&XH và BHXH tỉnh giải đáp những thắc mắc cho người lao động

       Theo quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN, các trường hợp được phép tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất bao gồm: Tạm dừng sản xuất, kinh doanh từ 01 tháng trở lên do gặp khó khăn khi thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc do khủng hoảng, suy thoái kinh tế hoặc thực hiện chính sách của Nhà nước khi tái cơ cấu nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế; Gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa. Người sử dụng lao động chỉ được tạm dừng khi không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia BHXH, phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên; Bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa gây ra. Thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất theo tháng và không quá 12 tháng. Trong thời gian này, người sử dụng lao động vẫn đóng vào quỹ ốm đau và thai sản, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

       Về chủ trương, cơ quan BHXH luôn đồng hành, chia sẻ và thông cảm với những khó khăn của DN, của chủ sử dụng lao động. Tuy nhiên, thẩm quyền để xem xét, giải quyết việc tạm dừng đóng thuộc về thẩm quyền của cơ quan quản lý Nhà nước, mà cụ thể là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Vì vậy, để đảm bảo quy trình, thủ tục đáp ứng các điều kiện tạm dừng đóng như trên, các DN, chủ sử dụng lao động cần liên hệ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để được hướng dẫn cụ thể hơn.

       Sau thời gian dừng đóng nêu trên, nếu có nhu cầu, người sử dụng lao động và người lao động tiếp tục đóng BHXH và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng, số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng./.

 

Hoàng Hà