BHXH toàn dân: Góp phần hiện thực hóa mục tiêu bảo đảm quyền An sinh xã hội của công dân

02/05/2020 08:35 AM


Ngày 21/11/2019, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1676/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH, trong đó lấy tháng 5 là Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân.

Vấn đề BHXH đã được Đảng ta quan tâm từ rất sớm. Ngay khi thành lập năm 1929, trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản Đông Dương - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam - đã nêu: “Tổ chức tất cả vô sản giai cấp vào công hội, thực hành bảo hiểm cho thợ thuyền, giúp đỡ thợ thuyền thất nghiệp…”. Sau đó, tại Hội nghị Trung ương tháng 11/1940, Đảng đã ra Nghị quyết “sẽ đặt ra Luật BHXH” khi thiết lập được chính quyền cách mạng và tạo lập quỹ hưu bổng cho người già.

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa XHCN Việt Nam) ra đời, mặc dù với một nền tài chính hết sức eo hẹp, kinh tế nghèo nàn, lạc hậu nhưng ngay ngày 03/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ ký ban hành Sắc lệnh ấn định các điều kiện cho công chức về hưu trí. Trong từng giai đoạn phát triển của đất nước, luôn có sự song hành của chính sách BHXH. Và ở từng thời kỳ, trong những bối cảnh lịch sử cụ thể, chính sách BHXH luôn được điều chỉnh để phù hợp với đặc điểm kinh tế -xã hội của đất nước, thực sự trở thành một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Cùng với tiến trình đổi mới toàn diện nền kinh tế đất nước, các chính sách xã hội, trong đó có chính sách BHXH được đổi mới mạnh mẽ. Đối tượng tham gia BHXH bắt buộc không ngừng được mở rộng, từ chỗ chỉ dừng lại ở nhóm đối tượng công nhân viên chức nhà nước, lực lượng vũ trang (thời điểm trước năm 1995), đã mở rộng dần đến người lao động có ký hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng trở lên trong tất cả các thành phần kinh tế: doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể... BHXH tự nguyện được thực hiện với tất cả lao động là công dân Việt Nam, từ đủ 15 tuổi trở lên, không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Có thể thấy, chưa bao giờ cơ hội để mọi công dân được tham gia vào “lưới” an sinh xã hội do Nhà nước tổ chức rộng mở như bây giờ.

Chính sách BHXH từng bước khẳng định và phát huy vai trò là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, là sự bảo đảm thay thế, hoặc bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi họ gặp phải những rủi ro trong cuộc sống. Quỹ BHXH là quỹ an sinh lớn nhất, hoạt động theo nguyên tắc đóng - hưởng và chia sẻ giữa những người lao động cùng thế hệ và giữa các thế hệ tham gia BHXH. Diện bao phủ BHXH theo quy định của pháp luật, số người tham gia BHXH ngày càng được mở rộng, số người được hưởng BHXH không ngừng tăng lên. Hệ thống tổ chức BHXH từng bước được đổi mới, về cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, phát huy được vai trò, tính hiệu quả trong xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách và quản lý Quỹ BHXH. Năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BHXH được nâng lên; việc giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động ngày càng được bảo đảm.

Trải qua nhiều kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, đặc biệt là sau những kiểm nghiệm từ thực tiễn chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện chính sách BHXH, tư duy lý luận về BHXH ngày càng được hoàn thiện. Ngày 23 tháng 5 năm 2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về Cải cách chính sách BHXH. Tại đây, mục tiêu “BẢO HIỂM XÃ HỘI TOÀN DÂN” lần đầu tiên được nhắc đến và thay thế cho mục tiêu “BHXH cho mọi người lao động” mà chúng ta vẫn đặt ra trước đó. Với ý nghĩa của BHXH trong đời sống, thực hiện BHXH toàn dân chính là bước đi quan trọng và cần thiết để bảo đảm quyền được an sinh xã hội của mỗi công dân đã được hiến định tại Hiến pháp 2013.

Từng bước hiện thực hóa chủ trương của Đảng, ngày 08 tháng 10 năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 125/NQ-CP về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW;  ngày 21 tháng 11 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 1676/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH. Đây là bước cụ thể hóa nhiệm vụ, giải pháp đầu tiên đã được nêu lên tại Nghị quyết số 28: “Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền; đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu rõ sự cần thiết, lợi ích, vai trò, ý nghĩa và những nội dung cơ bản của cải cách chính sách BHXH đối với bảo đảm an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong thực hiện chính sách BHXH.”.

Trong các giải pháp thực hiện Đề án, Chính phủ chọn tháng 5 là Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân, với mục đích tạo điểm nhấn trong công tác truyền thông chính sách, pháp luật BHXH, “nhằm thu hút sự chú ý của mọi tầng lớp Nhân dân đối với chính sách BHXH; tuyên truyền, khuyến khích, vận động Nhân dân tham gia BHXH hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân; động viên và nâng cao ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc chủ động tham gia BHXH cho người lao động”; thể hiện ý chí và quyết tâm của cả hệ thống chính trị thực hiện BHXH toàn dân, hướng tới mọi người dân khi hết tuổi lao động đều được chăm lo thông qua hưu trí và BHYT xã hội do Quỹ BHXH chi trả; đánh dấu một bước phát triển mới trong công tác bảo đảm an sinh xã hội dưới ánh sáng đường lối đổi mới của Đảng.

Ý nghĩa hơn khi Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân được chọn cùng với tháng có ngày Quốc tế Lao động 01/5 bởi thực hiện BHXH toàn dân trước hết phải bắt đầu từ BHXH cho mọi người lao động. Tháng vận động BHXH toàn dân hằng năm sẽ là dịp để đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể Nhân dân thực hiện tốt pháp luật BHXH, vì cuộc sống của chính mỗi cá nhân; hạnh phúc mỗi gia đình và an sinh đất nước.

Sâu sắc hơn khi Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân là tháng có ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu - Người đã cả đời đau đáu nỗi lo “Độc lập cho Tổ quốc, Tự do - Hạnh phúc - An sinh cho đồng bào”, Người đã đưa các vấn đề về BHXH, lương hưu vào những dự thảo văn kiện chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam ở những ngày đầu trứng nước.

Hưởng ứng Tháng vận động BHXH toàn dân, là dịp để chúng ta quán triệt sâu sắc hơn, nhận thức đầy đủ hơn, để từ đó có hành động đúng đắn hơn, thực hiện tự giác hơn quyền lợi và trách nhiệm của mình trong thực thi pháp luật BHXH, đẩy nhanh tiến trình BHXH toàn dân, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, vì sự phát triển bền vững./.

BBT