Các địa phương phải chủ động, nỗ lực hoàn thành kế hoạch thu
16/09/2020 07:18 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 15/9, dưới sự chủ trì của Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu, BHXH Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến công tác thu BHXH, BHYT tháng 9/2020. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu BHXH Việt Nam có bà Chu Thị Lan Hương- Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, cùng đại diện các đơn vị thuộc BHXH Việt Nam và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam; tại 63 điểm cầu địa phương có đại diện BHXH tỉnh, Bưu điện tỉnh và BHXH các huyện, thành phố, thị xã.
Nhiều khó khăn trong công tác thu
Báo cáo tại Hội nghị, ông Dương Văn Hào- Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam) cho biết, trong 8 tháng qua, toàn quốc có 14,56 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, do đó để hoàn thành kế hoạch, từ nay đến cuối năm cả nước còn phải phát triển thêm 1,48 triệu người. Bên cạnh các địa phương có số người tham gia BHXH bắt buộc tăng, thì có tới 32 tỉnh, thành phố lại giảm so tháng 7/2020 như: Đà Nẵng, Bình Thuận, Khánh Hòa, Quảng Nam, TP.HCM... “Đáng chú ý, có 2 tỉnh hoàn thành vượt kế hoạch BHXH Việt Nam giao về phát triển BHXH tự nguyện là Kon Tum (120,3%) và Hà Tĩnh (109,7%). Đặc biệt, dù phải giãn cách xã hội gần một tháng, nhưng Hải Dương vẫn phát triển tốt đối tượng tham gia BHXH tự nguyện và đã đạt 96,6%”- ông Hào nhấn mạnh.
Thống kê của BHXH Việt Nam cũng cho thấy, tính đến nay, các đơn vị, DN trên cả nước còn nợ BHXH, BHYT với tổng số tiền 21.408 tỷ đồng (bằng 5,3% so với số phải thu). Trong đó, nợ BHXH 16.595 tỷ đồng; nợ BH thất nghiệp 772 tỷ đồng; nợ BHYT 3.891 tỷ đồng. Riêng số tiền NSNN chưa đóng BHYT cho một số đối tượng là 2.317 tỷ đồng. Đáng chú ý, một số địa phương chưa trích ngân sách đóng BHYT cho một số đối tượng với số tiền lớn như: TP.HCM 235 tỷ đồng, Bắc Giang 121 tỷ đồng, Hải Phòng 112 tỷ đồng, Thái Nguyên 97 tỷ đồng, Bến Tre 85 tỷ đồng, Thái Bình 75 tỷ đồng...
Cũng theo ông Hào, chia theo thời gian nợ, thì toàn quốc có 165.260 đơn vị SDLĐ nợ BHXH từ 1-3 tháng với số tiền 6.772 tỷ đồng; 42.853 đơn vị nợ từ 3-6 tháng với số tiền 3.050 tỷ đồng; 28.928 đơn vị nợ từ 6-12 tháng với số tiền 3.064 tỷ đồng; 12.176 đơn vị nợ từ 12-24 tháng với số tiền 1.505 tỷ đồng; 4.395 đơn vị nợ từ 24-36 tháng với số tiền 632 tỷ đồng và 8.255 đơn vị nợ trên 36 tháng với số tiền trên 1.880 tỷ đồng.
Đến 31/8/2020, BHXH các địa phương đã làm việc trực tiếp với 5.091 đơn vị SDLĐ để nắm bắt ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Trong đó gồm: 1.793 đơn vị với 113.265 NLĐ tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; 3.064 đơn vị với 161.625 NLĐ nghỉ không lương, tạm hoãn HĐLĐ; 234 đơn vị với 13.914 NLĐ ngừng việc nhưng vẫn hưởng tiền lương theo thỏa thuận). Đồng thời, đã rà soát, đôn đốc 26.668 đơn vị đã tham gia BHXH, BHYT qua dữ liệu thuế cho 148.585 NLĐ; làm việc với 71.726 DN nợ BHXH, BHYT và đã thu hồi 4.350 tỷ đồng; thanh tra đột xuất 379 đơn vị nợ BHXH, BHYT và thu hồi 39,8 tỷ đồng. Đặc biệt, cơ quan BHXH đã chuyển hồ sơ 127 DN cố tình nợ 207 tỷ đồng BHXH, BHYT sang cơ quan Công an để đề nghị khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Thông tin tại Hội nghị, bà Chu Thị Lan Hương- Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, đến hết tháng 8/2020, công tác phát triển BHXH tự nguyện qua hệ thống Bưu điện đạt 71,4% kế hoạch; phát triển mới được 214.2000 người; 8 Bưu điện tỉnh hoàn thành kế hoạch; 10 Bưu điện tỉnh đạt 90% kế hoạch. Trong tuần tới, Tổng Công ty Bưu điện sẽ làm việc trực tiếp với 10 Bưu điện tỉnh đạt kế hoạch thấp trong phát triển BHXH tự nguyện. “Dù công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đạt kết quả tốt, nhưng việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tái tục lại chưa cao; Bưu điện đã bỏ rớt nhiều đối tượng. Điều này do Tổng Công ty chưa tạo công cụ cho người quản lý đối tượng tham gia có đủ thông tin tái tục. Vì vậy, BHXH Việt Nam thông tin dữ liệu người tham gia cho Tổng Công ty, nhằm có những giải pháp đôn đốc, quản lý đối tượng”- bà Hương đề xuất.
Các địa phương phải chủ động thực hiện
Chia sẻ tại Hội nghị, đại diện BHXH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, công tác thu và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn đạt tỷ lệ thấp là do lãnh đạo BHXH tỉnh chưa quyết liệt, chưa bám sát kế hoạch triển khai. Do đó, trong 4 tháng cuối năm, tỉnh sẽ quyết tâm triển khai nhiều giải pháp nhằm đạt chỉ tiêu được giao. Đáng chú ý, do UBND tỉnh đã tăng mức hỗ trợ BHYT HSSV lên 50%, nên năm học 2020-2021 sẽ quyết tâm đạt 100% HSSV tham gia BHYT. Đặc biệt, cơ quan BHXH đã chuyển hồ sơ 24 đơn vị nợ BHXH, BHYT sang cơ quan Công an để tiến hành điều tra, xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự. “UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan Công an hàng tháng, hàng quý phải báo cáo số lượng hồ sơ đơn vị nợ BHXH mà cơ quan BHXH chuyển sang và cơ quan BHXH cũng phải báo cáo UBND tỉnh số lượng DN nợ đã chuyển sang Công an tiến hành truy tố thế nào, nhằm tăng trách nhiệm của 2 đơn vị trong đảm bảo quyền lợi NLĐ…”- đại diện BHXH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thông tin.
Đại diện BHXH tỉnh Bình Phước cũng cho biết, số người tham gia BHXH bắt buộc trên địa bàn tỉnh giảm sâu do các DN cao su thay đổi phương thức cào mủ và giảm số NLĐ. Đáng chú ý, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết hỗ trợ một số nhóm đối tượng tham gia BHYT giai đoạn 2020-2025 như: Hỗ trợ 100% mệnh giá BHYT cho đối tượng cận nghèo; hỗ trợ 30-50% mệnh giá BHYT cho hộ gia đình làm nông-lâm-ngư-diêm nghiệp. Ngay khi Nghị quyết HĐND ban hành, cán bộ BHXH đã đến từng địa bàn tuyên truyền, vận động người dân tham gia; tổ chức các hội nghị tuyên truyền phát triển BHXH tự nguyện tại các xã và tại các trung tâm thương mại…
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quốc Thanh- Phó Giám đốc BHXH TP.HCM, công tác BHXH, BHYT trên địa bàn TP.HCM những tháng đầu năm bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19. Tháng 6-7/2020, đối tượng tham gia BHXH, BHYT tăng, nhưng đến tháng 8/2020 lại giảm do dịch quay trở lại. Tuy nhiên, cơ quan BHXH có nhiều giải pháp trong công tác thu và mở rộng đối tượng như rà soát qua dữ liệu do cơ quan Thuế cung cấp (đã rà soát 14.000/49.000 đơn vị và tăng mới trên 3.700 đơn vị với trên 9.000 NLĐ); tăng cường đôn đốc, đối chiếu số đơn vị (đã đối chiếu trên 4.000 đơn vị và yêu cầu truy đóng BHXH cho trên 2.000 NLĐ); thanh kiểm tra đột xuất; chuyển hồ sơ đơn vị nợ sang cơ quan Công an để tiến hành khởi tố; tăng cường tuyên truyền phát triển BHXH tự nguyện tại các xã, phường, tổ dân phố và tại các hộ gia đình; phát triển BHYT HSSV; tham mưu để UBND TP.HCM ban hành văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện công tác BHXH, BHYT…
Sẽ xây dựng và giao chỉ tiêu kế hoạch theo tháng
Để hoàn thành kế hoạch năm 2020, ông Dương Văn Hào cho rằng, BHXH các địa phương cần tham mưu với Thành ủy, Tỉnh ủy ban hành chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với công tác BHXH, BHYT trên địa bàn; giao tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT đối với từng quận, huyện (trong đó xây dựng cụ thể các nội dung, giải pháp thực hiện và giao cho các cấp, các ngành, các địa phương; đề xuất ngân sách địa phương hỗ trợ thêm cho người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình).
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT bằng nhiều hình thức khác nhau; gửi danh sách người tham gia đến hạn phải đóng BHXH tự nguyện, BHYT đến đại lý thu để đôn đốc, vận động đối tượng tiếp tục tham gia; triển khai rà soát dữ liệu do cơ quan Thuế cung cấp; thanh tra đột xuất đối với các đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên; thường xuyên bám sát đơn vị SDLĐ, cơ quan tài chính, cơ quan LĐ-TB&XH để thực hiện chuyển tiền đóng BHXH, BHYT kịp thời; phối hợp chặt chẽ với Sở GD-ĐT, Sở LĐ-TB&XH triển khai BHYT HSSV năm học 2020-2021, phấn đấu 100% HSSV tham gia BHYT. Đặc biệt, phát động phong trào thi đua hằng tháng với chủ đề "Đẩy mạnh công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; công tác thu, giảm nợ năm 2020 nhằm hoàn thành các chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao".
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, góp ý, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu yêu cầu Ban Thu cần khẩn trương xây dựng kịch bản giao chỉ tiêu phát triển BHXH, BHYT; giảm nợ theo từng tháng cho BHXH các tỉnh. Trên cơ sở đó, xây dựng cụ thể từng vấn đề (số đối tượng tham gia, số tiền thu, số tiền nợ); đồng thời có những giải pháp chỉ đạo, giám sát, kiểm tra đôn đốc thực hiện, thậm chí phối kết hợp với các đơn vị tổ chức họp đánh giá kết quả; lên lịch làm việc với BHXH các địa phương để đôn đốc thực hiện. Bên cạnh đó, cần bố trí kinh phí, nguồn lực đẩy mạnh tuyên truyền phát triển đối tượng tham gia, nhất là cần tuyên truyền theo nhóm đối tượng...
Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu cũng yêu cầu Vụ Thi đua-Khen thưởng đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thi đua hoàn thành nhiệm vụ; động viên khen thưởng kịp thời các địa phương, cá nhân hoàn thành tốt chỉ tiêu, kế hoạch được giao; chấm điểm “đúng, trúng” các địa phương hoàn thành và không hoàn thành kế hoạch. “Chính phủ yêu cầu các địa phương, bộ, ngành vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội nên lãnh đạo BHXH các địa phương phải nắm bắt tình hình địa phương mình, lúc nào cần tăng cường, chủ động và không đổ lỗi do đại dịch. Đặc biệt, BHXH các tỉnh tích cực phối hợp với các ngành liên quan khai thác số liệu đối tượng nghèo, cận nghèo, số DN… để dự kiến tăng giảm trong năm 2021... Từ đó, lên “kịch bản” ứng phó, tiếp cận các đối tượng để tuyên truyền, vận động tham gia BHXH, BHYT, nhất là về BHXH tự nguyện”- Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu nhấn mạnh.
V.Thu
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT cho người lao ...
Phú Quý: Tổ chức khảo sát ý kiến người dân, doanh nghiệp ...
Hội đồng Nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách ...
Vai trò Nhà trường trong công tác bảo hiểm y tế Học sinh - ...
Phú Quý: Tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện với người ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?