Thêm nhiều quyền lợi mới cho người lao động từ 01/01/2021
23/10/2020 04:34 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Với người lao động, thu nhập hàng tháng và các quyền lợi trong lao động là mối quan tâm hàng đầu khi đi làm, do đó để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, người lao động, Bộ Luật Lao động sửa đổi bổ sung ban hành năm 2019 đã điều chỉnh theo hướng ngày càng có lợi cho người lao động.
Có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, Bộ Luật Lao động sửa đổi bổ sung (BLLĐ 2019) có quy định nhiều điểm mới về quyền lợi, tiền lương, thưởng mà người lao động (NLĐ) cần phải biết để bảo đảm lợi ích chính đáng của mình trong mối quan hệ lao động với người sử dụng lao động (NSDLĐ), cụ thể:
Thêm ngày nghỉ hưởng nguyên lương
Theo quy định tại BLLĐ 2019, từ ngày 01/01/2021, NLĐ làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau: 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường; 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
NLĐ cũng được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, Tết sau đây: Tết Dương lịch 01 ngày (ngày 1/1 Dương lịch); Tết Âm lịch 5 ngày; Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: 01 ngày (ngày 30/4 Dương lịch); Ngày Quốc tế Lao động 01 ngày (ngày 1/5 Dương lịch); Quốc khánh 02 ngày (ngày 02/9 Dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau); Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 01 ngày (ngày 10/3 Âm lịch). Tổng số ngày nghỉ lễ, Tết là 11 ngày, tăng 01 ngày so Luật cũ.
Thêm nhiều trường hợp NLĐ được nghỉ việc riêng và hưởng nguyên lương
Cụ thể, theo điều 114 BLLĐ 2019, NLĐ được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động (NSDLĐ) trong những trường hợp sau đây:
- Kết hôn, nghỉ 3 ngày.
- Con đẻ, con nuôi kết hôn, nghỉ 1 ngày.
- Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết, nghỉ 3 ngày.
Như vậy, so với quy định hiện hành, BĐLĐ 2019 bổ sung thêm trường hợp cha nuôi, mẹ nuôi; cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng chết thì NLĐ được nghỉ 3 ngày và hưởng nguyên lương.
Đồng thời, quy định rõ hơn trường hợp "con đẻ", "con nuôi" kết hôn thì được nghỉ 1 ngày (hiện hành, quy định "con" kết hôn thì nghỉ 1 ngày); "con đẻ", "con nuôi" chết thì được nghỉ 3 ngày (hiện hành quy định "con" chết thì nghỉ 3 ngày).
Không được trả lương đúng hạn, NLĐ có thể nghỉ việc ngay không cần báo
Cụ thể, theo Điểm b, Khoản 2, Điều 35, BLLĐ 2019, thì NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước cho NSDLĐ nếu không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 97 BLLĐ 2019 (hiện hành phải báo trước 3 ngày).
Doanh nghiệp không được ép NLĐ dùng lương mua hàng hóa, dịch vụ của mình, đơn vị khác
Cụ thể, theo quy định tại Khoản 2, Điều 94, BLLĐ 2019 thì:
- NSDLĐ không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của NLĐ.
- NSDLĐ không được ép buộc NLĐ chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của NSDLĐ hoặc của đơn vị khác mà NSDLĐ chỉ định.
Lãi suất khi tính tiền đền bù do chậm trả lương cho NLĐ
Căn cứ Khoản 4, Điều 97, BLLĐ 2019, trường hợp vì lý do bất khả kháng mà NSDLĐ đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì NSDLĐ phải đền bù cho NLĐ một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng do ngân hàng nơi NSDLĐ mở tài khoản trả lương cho NLĐ công bố tại thời điểm trả lương.
NLĐ được thưởng tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác
Căn cứ quy định tại Điều 104, BLLĐ 2019 thì thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà NSDLĐ thưởng cho NLĐ căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của NLĐ (BLLĐ hiện hành chỉ quy định về tiền thưởng).
Quy chế thưởng do NSDLĐ quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Giảm bớt 1 giờ làm việc cho lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai
Khoản 2, Điều 137, BLLĐ 2019 quy định lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho NSDLĐ biết thì được NSDLĐ chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 1 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi./.
Hoàng Hà
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT cho người lao ...
Phú Quý: Tổ chức khảo sát ý kiến người dân, doanh nghiệp ...
Hội đồng Nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách ...
Vai trò Nhà trường trong công tác bảo hiểm y tế Học sinh - ...
Phú Quý: Tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện với người ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?