BHXH tỉnh Bình Thuận: Nỗ lực đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội
15/01/2021 11:07 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Phóng viên Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam mới đây đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Đức Hòa, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận về việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh Bình Thuận theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Bộ Chính trị về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
PV: Thưa ông! Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của BCHTW Đảng đã xác định chính sách BHXH, BHYT là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, xin ông cho biết việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh Bình Thuận trong thời gian qua?
Ông Nguyễn Đức Hòa:
Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách BHXH, Tỉnh ủy Bình Thuận đã xây dựng Chương trình hành động số 52-CTr/TU ngày 28/8/2018 về thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về cải cách chính sách BHXH; đồng thời, UBND tỉnh cũng đã xây dựng Kế hoạch số 4381/KH-UBND ngày 15/10/2018 về thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Xác định việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Trong đó, ngành BHXH là cơ quan chuyên môn tham mưu.
UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách BHXH, BHYT, qua đó làm chuyển biến cơ bản nhận thức của người dân, của chủ sử dụng lao động về chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Đồng thời, đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, tầng lớp nhân dân, nhất là người lao động và người sử dụng lao động, người đồng bào dân tộc, người làm nông, lao động biển… hiểu hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT trong hệ thống an sinh xã hội, cũng như các quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của người tham gia bảo hiểm. Bên cạnh đó, vai trò của các tổ chức hội, đoàn thể chính trị xã hội, các cơ quan truyền thông của tỉnh đã phát huy tích cực để phối hợp với cơ quan BHXH làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách, vận động, thuyết phục người dân tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình nhằm đảm bảo quyền lợi và phòng ngừa khi không may bị rủi ro, ốm đau, bệnh tật.
Hàng năm, UBND tỉnh giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho các huyện, thị xã, thành phố. Từ đó, UBND huyện, thị xã, thành phố giao chỉ tiêu cho các xã, phường, thị trấn. Lấy kết quả phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu các địa phương và đơn vị có liên quan. Mặt khác, UBND tỉnh chỉ đạo ngành Bưu điện và các tổ chức chính trị xã hội vừa phối hợp tuyên truyền vừa là đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
Giao ngành BHXH phối hợp chặt chẽ với Thanh tra tỉnh và ngành Thuế tổ chức thanh kiểm tra, thanh tra, giám sát các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT; kịp thời biểu dương, khen thưởng những nơi thực hiện tốt, đồng thời chấn chỉnh, phê bình những nhận thức lệch lạc và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là các hành vi trốn đống, nợ đóng, gian lận, trục lợi quỹ về BHXH, BHYT, BHTN.
Mặc dù ngân sách tỉnh còn nhiều khó khăn, nhưng để động viên thúc đẩy đối tượng tham gia BHYT ngân sách tỉnh đã trích kinh phí hỗ trợ đóng BHYT cho các đối tượng: Người thuộc hộ gia đình nghèo, người thuộc hộ gia đình nghèo theo tiêu chí về thu nhập, người thuộc hộ nghèo đa chiều có thiếu hụt về BHYT quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/ 2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020; người thuộc gia đình hộ cận nghèo; học sinh sinh viên; người thuộc gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình trên địa bàn tỉnh… Đặc biệt trong kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ XI ( Khóa X) đã thông qua nghị quyết hỗ trợ thêm 10% mức đóng BHYT của đối tượng cận nghèo. Như vậy, người trong hộ gia đình cận nghèo sẽ được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng BHYT (ngân sách Trung ương 70%, ngân sách tỉnh 30%).
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Đức Hòa.
PV: Xin ông cho biết kết quả thực hiện chính sách BHXH, BHYT từ khi có Nghị quyết số 28-NQ/TW đến nay và sự tác động tích cực của chính sách đối với đời sống nhân dân và kinh tế - xã hội của địa phương?
Thời điểm trước Nghị quyết số 28-NQ/TW được ban hành (giai đoạn 2015-2016), tỷ lệ dân số của toàn tỉnh tham gia BHYT mới đạt 61,1%, số người tham gia BHXH bắt buộc: 86.604 người; BHTN: 76.764 người. Qua hơn 02 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, đến 31/12/2020 đã có 90,26% dân số tham gia BHYT, tăng trưởng bình quân hàng năm là 5,83%, nếu tính cả người dân Bình Thuận làm việc ở tỉnh ngoài thì đối tượng tham gia BHXH bắt buộc cuối 2017 chỉ có 85.510 người, đến nay đã có 157.610 người tham gia tăng trưởng bình quân hàng năm tương đương 59,4%, đối tượng tham gia BHTN cuối 2017 chỉ có 78.883 người, đến nay đã có 146.375 người tham gia, tăng trưởng bình quân hàng năm tương đương 61,9%, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cuối 2017 chỉ có 794 người, đến nay đã có 12.225 người tham gia, tăng trưởng bình quân hàng năm tương đương 513% . Đây là kết quả khả quan nhất mà Nghị quyết số 28-NQ/TW đã mang lại.
Từ kết quả phát triển đối tượng tham gia BHYT hằng năm, tỉnh được Trung ương cấp kinh phí KCB BHYT: Năm 2018 là 901.622 triệu đồng; năm 2019 là 702.477 triệu đồng và năm 2020 là 720.097 triệu đồng, giúp ngân sách tỉnh từng bước giảm được kinh phí cấp cho sự nghiệp Y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, UBND tỉnh đã dành khoản chi đó cho hoạt động sự nghiệp khác của tỉnh.
Hằng năm, có hàng triệu lượt người tham gia BHYT được quỹ BHYT chi trả cho việc khám và điều trị bệnh, giúp gia đình họ bớt đi khó khăn khi ốm đau, bệnh tật, đặc biệt có những trường hợp được quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB rất lớn, ví dụ trong năm 2019: Chị MTTT, phường Tân Phước, thị xã La Gi được BHYT chi trả 454,7 triệu đồng; chị NNC, phường Đức Nghĩa, TP. Phan Thiết được BHYT chi trả 344,9 triệu đồng; chị DTH, xã Tân Minh, huyện Hàm Tân được BHYT chi trả 399,4 triệu đồng... BHYT là chính sách xã hội quan trọng hàng đầu, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc, được Đảng và Nhà nước ta hết sức coi trọng, luôn đề cao trong hệ thống chính sách an sinh xã hội. Thực tế việc tham gia BHYT đã mang lại rất nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, nhất là các gia đình có mức thu nhập thấp khi chẳng may đau ốm. BHYT mang lại công bằng về chăm sóc sức khỏe cho mọi người, đặc biệt là người nghèo, người cận nghèo và đồng bào dân tộc sống ở vùng sâu, vùng xa.
Đối với chính sách BHXH, hằng năm đã đảm bảo kinh phí chi lương hưu, trợ cấp BHXH thường xuyên, chi ốm đau thai sản và chi trợ cấp cho người lao động bị thất nghiệp: Năm 2018: 1.129.267 triệu đồng, năm 2019: 1.448.243 triệu đồng và năm 2020: 1.466.417 triệu đồng.
Từ những con số trên có thể thấy, BHXH là sự đảm bảo thay thế, bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi họ bị mất hoặc giảm thu nhập do bị ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, tàn tật, thất nghiệp, tuổi già, tử tuất…, dựa trên cơ sở quỹ tài chính do sự đóng góp của các bên tham gia BHXH, sự bảo hộ của Nhà nước theo pháp luật, nhằm bảo đảm an toàn đời sống cho người lao động và gia đình họ, đồng thời góp phần bảo đảm an toàn xã hội. Ngoài ra, còn được hưởng quyền lợi BHYT khi đang hưởng lương hưu; trong thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi; nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng; đang hưởng trợ cấp ốm đau đối với những người lao động mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế quy định.
Thúc đẩy kinh tế- xã hội địa phương:
Trước tiên, phải khẳng định chính sách BHXH, BHYT là trụ cột trong chính sách an sinh xã hội, nếu thực hiện tốt sẽ góp phần ổn định an ninh trật tự xã hội, từ đó sẽ là “bệ phóng” thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương phát triển bền vững.
Hướng tới mục tiêu 95% người dân Bình Thuận có thẻ BHYT, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cấp chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHYT; xem xét hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho các đối tượng yếu thế, hoàn cảnh khó khăn. Cùng với đó là, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giúp người dân được hưởng thụ tốt nhất các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Củng cố và hoàn thiện hệ thống cơ sở khám chữa bệnh (KCB) từ tuyến xã đến huyện; bảo đảm người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu và dịch vụ kỹ thuật cao tại cơ sở y tế. Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ y tế đáp ứng nhu cầu KCB; đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh. Tạo điều kiện thuận lợi trong việc KCB, giảm thời gian chờ đợi, cũng như trong thanh toán và giám định BHYT. Từ đó, không chỉ bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHYT, mà còn tạo dựng niềm tin đối với người dân khi KCB bằng thẻ BHYT, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh nhà.
PV: Theo thống kê của BHXH tỉnh, hiện nay nhiều huyện đã có độ bao phủ BHYT trên 90 % dân số. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương tỷ lệ dân số tham gia BHYT thấp hơn mức bình quân chung toàn tỉnh. Xin ông cho biết nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo việc phát triển đối tượng tham gia BHYT
Bình Thuận hiện có 10 đơn vị hành chính cấp huyện. Tính đến ngày 31/12/2020 có 3 huyện đạt tỷ lệ dân số tham gia BHYT trên 95%, đó là Tánh Linh (97,6%), Đức Linh (97,7%), Hàm Tân (96,2%).
Nguyên nhân là do được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tích cực, thường xuyên, quyết liệt của Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp có trách nhiệm của các sở, ban, ngành, đoàn thể và đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt của Huyện ủy, Thành ủy, Thị ủy, UNND các huyện, thị xã, thành phố; sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, có sự phối hợp đầy trách nhiệm của các phòng, ban, các hội, đoàn thể từ cấp tỉnh đến cơ sở, như: UBMT, Ban Tuyên giáo, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, Phòng Giáo dục và đào tạo, Phòng Lao động-TB&XH, Trung tâm Y tế, Trung tâm Văn hóa thể thao và Truyền thanh... Đặc biệt là sự tham mưu kịp thời và tổ chức thực hiện có hiệu quả của cơ quan BHXH các cấp.
Từ những kết quả đó, địa phương cần đúc rút một số kinh nghiệm như sau:
Thứ nhất, BHXH tỉnh luôn đề cao tính chủ động, kịp thời trong công tác tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp, lồng ghép việc thực hiện chính sách BHXH, BHTN, BHYT với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chính sách an sinh xã hội tại địa phương, nhằm huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc trong việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT.
Thứ hai, trong tổ chức, thực hiện nhiệm vụ, phải xác định công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT đóng vai trò rất quan trọng. Công tác tuyên truyền cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, chủ động, kịp thời, đi trước một bước, tác động vào nhận thức, làm thay đổi thái độ, hành vi, tư duy của người dân; định hướng dư luận, giúp cho việc triển khai thực hiện chủ trương, chính sách BHXH, BHYT có hiệu quả.
Thứ ba, phát triển hệ thống BHXH, BHYT đồng bộ với phát triển các dịch vụ xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT. Đổi mới phương thức hoạt động của hệ thống BHXH, BHYT theo hướng phục vụ nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền lợi người tham gia, tạo sự hài lòng đối với đơn vị, người dân khi tham gia BHXH, BHYT, thu hút được đông đảo sự quan tâm của mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội tích cực tham gia BHXH, BHYT.
PV: Thời gian tới, UBND tỉnh Bình Thuận có định hướng lãnh đạo, chỉ đạo như thế nào để tiếp tục thúc đẩy phát triển BHXH, BHYT trên địa bàn, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Hòa: Để hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch được giao năm 2020 và những năm tiếp theo, trong thời gian tới, UBND tỉnh đã chỉ đạo BHXH tỉnh Bình Thuận phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương trong tỉnh tập trung triển khai thực hiện các giải pháp mang tính đột phá như:
Thứ nhất, đối với phát triển nhóm người lao động và người sử dụng lao động tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, cơ quan BHXH tiếp tục thực hiện rà soát khai thác triệt để các đơn vị có sử dụng lao động nhưng chưa tham gia, hoặc tham gia BHXH, BHYT, BHTN chưa đầy đủ cho người lao động, thông qua dữ liệu cơ quan Thuế và cơ quan Đăng ký kinh doanh cung cấp. Đồng thời, tăng cường thực hiện các nhiệm vụ: Gửi thông báo đôn đốc, tổ chức làm việc với doanh nghiệp, hoặc tiến hành thanh tra chuyên ngành đóng, kiểm tra… đối với các doanh nghiệp cố tình trốn đóng, chậm đăng ký đóng cho người lao động.
Thứ hai, đối với việc phát triển, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch BHXH tự nguyện: Tăng cường công tác vận động, tuyên truyền trực tiếp đến các địa phương, cơ sở; tổ chức thêm nhiều đợt ra quân, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhóm người có nhiều tiềm năng như: Chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp không hưởng tiền lương, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, hội viên các hội, đoàn thể, quần chúng, nhóm người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, tạm thời nghỉ việc… đảm bảo đến cuối năm hoàn thành chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH tự nguyện.
Thứ ba, về khai thác và phát triển người chỉ tham gia BHYT: Nắm bắt số lượng người đang tham gia BHYT, chú trọng đối tượng thuộc diện hộ cận nghèo thoát nghèo, người dân tại các xã nông thôn mới; hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình; học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp để kịp thời tuyên truyền, vận động tiếp tục tham gia BHYT; báo cáo cấp ủy, chính quyền địa phương huy động sự hỗ trợ hợp pháp của người dân, doanh nghiệp để mua BHYT cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.
Thứ tư, về công tác quản lý thu và giảm nợ: BHXH tỉnh tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về đóng BHXH đối với các đơn vị sử dụng lao động, trong đó tập trung thanh tra các đơn vị, doanh nghiệp cố tình không đóng, nợ BHXH, chưa tham gia đầy đủ cho số lao động thuộc diện phải tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật, nhất là hành vi trốn đóng, nợ đọng, gian lận, trục lợi quỹ BHXH, BHYT.
UBND tỉnh quán triệt, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu hàng tháng về thu, giảm nợ và hoàn thành vượt mức kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN hằng năm; tăng cường thực hiện thanh tra chuyên ngành đột xuất đối với doanh nghiệp nợ từ 03 tháng trở lên hoặc đóng chưa đầy đủ cho người lao động; thực hiện nghiêm túc việc chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để xử lý kịp thời đối với đơn vị cố tình vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BHTN… để chính sách BHXH, BHYT ngày càng phát triển bền vững góp phần tích cực vào việc chăm lo đời sống cho nhân dân, thúc đẩy kinh tế- xã hội tỉnh nhà phát triển.
Trân trọng cảm ơn ông!
PV (thực hiện)
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT cho người lao ...
Phú Quý: Tổ chức khảo sát ý kiến người dân, doanh nghiệp ...
Hội đồng Nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách ...
Vai trò Nhà trường trong công tác bảo hiểm y tế Học sinh - ...
Phú Quý: Tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện với người ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?