Bình Thuận: Đẩy mạnh Cải cách thủ tục hành chính

15/06/2021 09:03 PM


Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Bình Thuận đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý và hoạt động nghiệp vụ; qua đó, tạo điều kiện thuận lợi, hướng đến sự hài lòng của người dân. Đặc biệt, triển khai ứng dụng VssID – BHXH số trên thiết bị di động để tra cứu dữ liệu tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của người lao động không chỉ góp phần công khai, minh bạch thông tin mà qua đó còn góp phần thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT tại địa phương.

Cũng như nhiều người dân khác, sau các bước đo nhiệt độ, rửa tay sát khuẩn để phòng chống dịch Covid-19 tại cổng ra vào, chị Hồ Thị Ngọc Anh ở phường Phú Tài cũng đã đến bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính của BHXH tỉnh để nộp tờ khai đăng kí ứng dụng “VssID – BHXH số” trên thiết bị di động sau khi đã tải ứng dụng.  Theo chị Ngọc Anh, quá trình hoàn thiện các thủ tục liên quan đến ứng dụng VssID cũng khá đơn giản và được cán bộ tại đây hướng dẫn nhiệt tình. 

Theo ông Đặng Minh Thông – Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bình Thuận: Tiện ích VssID - BHXH số trên điện thoại thông minh, máy tính bảng sử dụng hệ điều hành Android 4.1 hoặc iOS 9.0 trở lên. Người dùng có thể truy cập vào 2 kho ứng dụng tìm kiếm với từ khóa "VssID" để cài đặt và tra cứu dữ liệu tham gia BHXH, BHYT, BHTN của bản thân. Qua đó sẽ được cung cấp nhiều thông tin, dịch vụ hữu ích về các chế độ BHXH, BHYT, BHTN để người sử dụng biết được quyền lợi và thụ hưởng của bản thân; thực hiện giám sát nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động với người sử dụng lao động; hướng tới tích hợp tiện ích thẻ BHYT, sổ BHXH điện tử thay thế sổ và thẻ giấy như hiện nay. Đặc biệt, từ ngày 01/6/2021, người dân trên toàn quốc sẽ được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID khi đi khám, chữa bệnh thay thế cho việc sử dụng thẻ BHYT giấy. Đến nay, cùng với việc thực hiện cho 34 đơn vị cấp tỉnh trên địa bàn thành phố Phan Thiết, hiện BHXH tỉnh cũng đang phối hợp với 30 cơ quan đơn vị và UBND các xã, phường của TP Phan Thiết để triển khai ứng dụng này; qua đó đã cài đặt ứng dụng VssID cho trên 46.000 người trong toàn tỉnh.

Cũng theo Phó Giám đốc BHXH tỉnh Bình Thuận, ứng dụng VssID - BHXH số là một trong những nội dung cụ thể hóa mục tiêu đẩy nhanh việc thực hiện công tác cải cách TTHC và ứng dụng CNTT trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN. Trong đó, đối với BHXH tỉnh, đi đôi với công tác phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình hiện nay, đơn vị cũng đang đơn giản hóa và cắt giảm đối với các thủ tục hồ sơ đề nghị giải quyết các chế độ BHXH hoặc rút ngắn xuống mức tối đa thời gian giải quyết. Song song đó, hướng đến việc hạn chế hồ sơ giấy, tăng cường ứng dụng CNTT, đẩy mạnh giao dịch điện tử trong lĩnh vực giải quyết các chế độ BHXH ngắn hạn, như: ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; qua đó các đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh có thể nộp hồ sơ qua giao dịch điện tử ở bất cứ nơi đâu, bất cứ giờ nào trong ngày, bất cứ ngày nào trong tuần nên rất thuận tiện, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho đơn vị. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đang tăng cường và khuyến khích người lao động, đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp nhận trợ cấp qua hình thức ATM để đảm bảo an toàn, nhanh chóng, tiện lợi cho người hưởng. 

Ngoài các giải pháp đồng bộ trong triển khai cải cách TTHC thì tinh thần thái độ phục vụ người dân cũng được đơn vị đặc biệt quan tâm. Theo đó, ngoài việc cử viên chức tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh thì ngay tại đơn vị cũng đồng thời bố trí một Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC. 

Với nhiều giải pháp đồng bộ nêu trên đã cho nhiều kết quả tích cực và đáp ứng được nhu cầu và mong đợi của người dân trong giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến BHXH, BHYT, BHTN. Nếu như năm 2016 tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ qua dịch vụ bưu chính chiếm 58,9%, qua giao dịch BHXH điện tử chiếm 19,7%, giao nhận trực tiếp là 21,4%; thì đến năm 2020, tỷ lệ nhận qua giao dịch điện tử chiếm 95%; nhận hồ sơ qua dịch vụ bưu chính là chiếm 4,9%; nhận trực tiếp 0,1% và tỷ lệ trả hồ sơ đơn vị qua dịch vụ bưu chính công ích là 99,9%; trả trực tiếp là 0,1%. Cùng với đó, từ 115 thủ tục hành chính liên quan đến BHXH vào năm 2016 thì đến năm 2020 cắt giảm xuống còn 27 TTHC và năm 2021 còn 25 TTHC./.

NT