Chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam cần gắn với xây dựng trụ sở thông minh, văn phòng thông minh

10/09/2021 07:42 AM


Chiều 9/9, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn đã chủ trì cuộc họp với đại diện một số đơn vị trực thuộc có liên quan về chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam, xây dựng CSDL quốc gia về bảo hiểm và một số dự án CNTT trọng điểm.

Tiếp tục nâng cao ý thức trong chuyển đổi số

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn nhấn mạnh, thời gian qua, ngành BHXH Việt Nam đã có nhiều cố gắng trong công tác chuyển đổi số và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Để tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra trong công tác chuyển đổi số của Ngành, thời gian tới, các cơ quan, đơn vị cũng như CBVC trong toàn hệ thống cần nâng cao hơn nữa quyết tâm chính trị, quán triệt sâu sắc và nhận thức rõ ràng, đầy đủ hơn nữa về “nội hàm” của công tác chuyển đổi số, trong đó có mục đích, yêu cầu, ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng, nội dung, cách thức thực hiện... của công tác này trong tình hình mới.

Theo Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn, thực hiện kết luận của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam tại cuộc họp về công tác chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam cũng như kế hoạch cung cấp dịch vụ, tiện ích trên ứng dụng VssID và xây dựng CSDL quốc gia về bảo hiểm, cuộc họp nhằm cùng các đơn vị chuyên môn thảo luận cũng như đề xuất các ý kiến để nhiệm vụ chuyển đổi số của Ngành được triển khai hiệu quả.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Nguyên Bồng- Giám đốc Trung tâm CNTT cho biết, về công tác chuyển đổi số, cơ bản ngành BHXH Việt Nam đã đi trước một bước. Hiện, Trung tâm đang phối hợp với các vụ, ban liên quan thực hiện lộ trình của Kế hoạch ứng dụng CNTT và chuyển đổi số của Ngành giai đoạn 2021-2025. Trung tâm CNTT cũng đã nghiên cứu, đề xuất các công nghệ chuyển đổi số, nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh. Trong đó, Trung tâm đã có văn bản gửi các đơn vị lấy ý kiến đề xuất về các nhiệm vụ chuyển đổi số gắn với công việc của đơn vị; đồng thời xây dựng dự thảo Đề án thực hiện chuyển đổi số ngành BHXH Việt Nam.

Đối với việc nâng cấp, hoàn thiện ứng dụng VssID, trong tháng 8/2021, Trung tâm CNTT đã và đang thực hiện rà soát lại quy trình, yêu cầu về thành phần hồ sơ để tích hợp chức năng điều chỉnh thông tin giao dịch điện tử và thông tin người tham gia trên ứng dụng VssID. Đối với triển khai chức năng liên kết tài khoản với các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên ứng dụng VssID, Trung tâm đã hoàn thành về mặt kỹ thuật, sẵn sàng tích hợp trên ứng dụng VssID. Cùng với đó, Trung tâm cũng đã có công văn gửi Vụ TC-KT trình lãnh đạo Ngành cho phép triển khai dịch vụ liên kết tài khoản điện tử (Ví điện tử) trên ứng dụng VssID để gia hạn thẻ BHYT hộ gia đình và đóng BHXH tự nguyện.

Đồng thời, Vụ Pháp chế đã có Tờ trình số 357/TTr-PC nêu các cơ sở pháp lý trong việc triển khai Ví điện tử; đề xuất việc sử dụng tài khoản Ví điện tử, liên kết tài khoản ngân hàng trên ứng dụng VssID để thanh toán trực tuyến các giao dịch thu tiền đóng BHXH tự nguyện hoặc đóng tiền để gia hạn thẻ BHYT. Ngoài ra, Trung tâm CNTT cũng thực hiện rà soát lại quy trình, thành phần hồ sơ kèm theo để tích hợp các DVC như: Cấp lại sổ BHXH do thay đổi thông tin nhân thân; thay đổi nơi KCB ban đầu...

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 455/QĐ-BHXH ngày 21/5/2021, ông Lê Nguyên Bồng cho biết, Trung tâm CNTT đã phối hợp với các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam triển khai các nhiệm vụ được giao; trong đó có rà soát lại các nội dung tại Nghị định số 43 để làm rõ vai trò, phạm vi, trách nhiệm của cơ quan chủ quản như trong Nghị định. Đối với tình hình thực hiện nhiệm vụ chia sẻ, kết nối thông tin giữa các bộ, ngành về CSDL quốc gia về BHXH, Trung tâm CNTT đang phối hợp với Cục Tin học hoá (Bộ TT-TT) xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, cấu trúc dữ liệu phục vụ kết nối, chia sẻ thông tin của CSDL quốc gia về bảo hiểm; tìm hiểu phương án phối hợp đảm bảo an toàn thông tin cho CSDL quốc gia về dân cư và xây dựng phương án cho CSDL quốc gia về bảo hiểm; kết nối và cung cấp dữ liệu danh mục dùng chung trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia NGSP; về nền tảng kết nối chia sẻ danh mục dùng chung và tiếp tục bổ sung theo quy chuẩn được ban hành...

Tham mưu cho BHXH Việt Nam có công văn gửi Bộ Y tế, Bộ LĐ-TB&XH về việc xây dựng CSDL quốc gia về bảo hiểm, về thông tin y tế, an sinh... Phối hợp cùng Bộ Công an kết nối và khai thác dịch vụ xác thực thông tin từ CSDL quốc gia về dân cư qua nền tảng NGSP đối với thông tin của 8,1 triệu nhân khẩu thuộc CSDL hộ gia đình tham gia BHYT và xác thực thông tin công dân khi đăng ký tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan BHXH... Phối hợp với Bộ KH-ĐT hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu đăng ký DN mới thành lập; xây dựng quy định về kết nối và chia sẻ nhóm thông tin về người SDLĐ. Phối hợp với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an xây dựng quy định về kết nối và chia sẻ thông tin liên quan đến BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Phối hợp cùng Văn phòng Chính phủ kết nối và chia sẻ dữ liệu chứng thực từ bản sao điện tử và các dữ liệu DVC liên quan đến CSDL quốc gia về bảo hiểm. Hiện, Trung tâm dự kiến sẽ triển khai thí điểm chứng thực thông tin trên sổ BHXH phù hợp với CSDL quốc gia về bảo hiểm; cùng với đó triển khai song song việc tích hợp DVC giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp trên Cổng DVC quốc gia.

Ngoài ra, ông Lê Nguyên Bồng cũng cho biết, BHXH Việt Nam đã có công văn yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp với các sở, ban ngành và UBND tỉnh, thành phố đề xuất nhu cầu chia sẻ, khai thác CSDL quốc gia về bảo hiểm, trong đó trước hết thực hiện cung cấp dữ liệu phục vụ cho nhu cầu phòng chống dịch Covid-19...

Chuyển đổi số và xây dựng CSDL quốc gia về bảo hiểm là nhiệm vụ trọng tâm

Phát biểu tại cuộc họp, đại diện Vụ Pháp chế, Văn phòng, Ban Quản lý Thu-Sổ thẻ, Ban Thực hiện chính sách BHXH, Ban Thực hiện chính sách BHYT, Trường Đào tạo nghiệp vụ BHXH... đã báo cáo về các nội dung thuộc nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị liên quan đến việc phối hợp với Trung tâm CNTT trong xây dựng CSDL quốc gia về bảo hiểm. Đồng thời, nêu những khó khăn và đề xuất các giải pháp trong công tác triển khai phối hợp với các bộ, ngành liên quan.

Sau khi nghe các ý kiến đề xuất, kiến nghị, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn đã đưa ra một số yêu cầu. Trong đó, đối với công tác chuyển đổi số, cần tiếp tục thực hiện rà soát lại để hoàn thành các quy chế, quy định nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý trong triển khai thực hiện; cập nhật và bổ sung các văn bản chuyên ngành; thực hiện đánh giá, kiểm tra, rà soát lại các CSDL hiện có của Ngành; đề xuất chuyển đổi số gắn với xây dựng trụ sở thông minh, văn phòng thông minh; các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam nhanh chóng triển khai xây dựng các tiểu đề án về chuyển đổi số, trong đó mục tiêu bám sát vào các nhóm giải pháp triển khai thực hiện nhiệm vụ qua đó làm cơ sở thực hiện Đề án Chuyển đối số của Ngành theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Giám đốc.

Đối với CSDL quốc gia về BHXH, cần phổ biến, quán triệt các nội dung của Nghị định số 43/2021/NĐ-CP và Quyết định số 455/QĐ-BHXH của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam về xây dựng CSDL quốc gia về bảo hiểm đến từng đơn vị trực thuộc và BHXH các tỉnh, thành phố; từ đó biến thành nội dung cụ thể, nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch công tác hàng năm; đánh giá, sơ kết, tổng kết việc triển khai theo quý, theo năm; thực hiện chế độ báo cáo thực hiện nhiệm vụ theo quý; tiếp tục tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan về CSDL quốc gia về bảo hiểm.

“Với vai trò là cơ quan chủ quản trong xây dựng CSDL quốc gia về bảo hiểm, các đơn vị chuyên môn chủ động và nghiêm túc triển khai đúng theo kế hoạch và đạt được hiệu quả”- Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn yêu cầu. Riêng đối với ứng dụng VssID, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn cho rằng, cần tiếp tục nghiên cứu kỹ việc triển khai đóng BHXH, BHYT trên ứng dụng này, nhằm tăng thêm tiện ích cho người sử dụng. Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung, nâng cấp các tiện ích theo kế hoạch đã xây dựng; nghiên cứu đánh giá hiệu quả khi người dùng trải nghiệm các tiện ích trên ứng dụng VssID.

Thủy Hà