Mức đóng BHYT sẽ thay đổi khi lương cơ sở tăng

28/10/2022 03:13 PM


Khi Nhà nước điều chỉnh tăng mức lương cơ sở thì mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) cũng chịu nhiều tác động của việc tăng lương cơ sở, đặc biệt là mức đóng của người tham gia BHYT hộ gia đình và học sinh, sinh viên.

Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Trong đó, Quốc hội thảo luận phương án tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức và người lao động năm 2023.

Sáng 27/10/2022, Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, đại biểu Quốc hội đề nghị tăng lương cơ sở sớm hơn 6 tháng, áp dụng từ 01/01/2023 thay vì 01/7/2023, đồng thời có giải pháp kiểm soát giá cả các mặt hàng thiết yếu. Như vậy, khi mức lương cơ sở tăng đồng nghĩa với việc tăng mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), BHYT.

Tại Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định mức đóng BHYT của từng đối tượng tham gia. Mức đóng bằng 4,5% tiền lương tháng của người làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn, HĐLĐ có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người quản lý doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và người quản lý điều hành hợp tác xã hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức. Bằng 4,5% tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng. Bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động (NLĐ) trước khi nghỉ thai sản đối với NLĐ trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. Bằng 4,5% tiền trợ cấp thất nghiệp đối với người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp…

Riêng đối với những người tham gia BHYT thuộc hộ gia đình; hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình và học sinh, sinh viên thì mức đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở. Hiện nay, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng, đối với người đầu tiên trong gia đình tham gia BHYT theo hộ gia đình thì mức đóng bằng 4,5% x 1.490.000 đồng x 12 tháng (tương đương là 804.600 đồng/người/năm), những người còn lại đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất trong hộ gia đình (tương đương 321.840 đồng/người/năm). Người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình và học sinh, sinh viên thì được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 33% mức đóng, tự đóng là 67% (tương đương 539.082 đồng/người/năm).

Theo dự kiến của Quốc hội, mức lương cơ sở sẽ điều chỉnh tăng vào năm 2023 từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng (tăng 20,8%). Như vậy, mệnh giá thẻ BHYT sẽ tăng lên của nhóm hộ gia đình; hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình và học sinh, sinh viên. Theo mức lương mới là 1.800.000 đồng thì người đầu tiên trong gia đình tham gia BHYT theo hộ gia đình mức đóng bằng 4,5% x 1.800.000 đồng x 12 tháng (tương đương là 972.000 đồng/người/năm), tăng 167.000 đồng/người/năm so với mức đóng hiện tại. Người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình và học sinh, sinh viên mức đóng là 4,5% x 1.800.000 đồng x 67% x 12 tháng) tương đương 651.240 đồng/người/năm, tăng 112.158 đồng so với mức đóng hiện tại.

Sức khỏe là vấn đề rất nhiều rủi ro, không ai có thể biết trước được. Có những người không tham gia, khi bị bệnh trở thành gánh nặng với gia đình bởi chi phí y tế quá lớn mà không có BHYT chi trả. Những gia đình lao động nhỏ, thủ công, ở mức trung bình (không phải hộ cận nghèo, hộ nghèo) nên việc tham gia BHYT theo hộ gia đình là tự trang bị “phao cứu sinh” cho bản thân và gia đình vì quỹ BHYT đã chi trả phần lớn kinh phí trong quá trình điều trị cho những người bệnh có thẻ BHYT. Việc tham gia BHYT theo hộ gia đình nhằm từng bước thực hiện mục tiêu cộng đồng cùng chia sẻ rủi ro với người bệnh mà mức độ thấp nhất là các thành viên trong cùng gia đình chia sẻ cho nhau và mức độ cao nhất là thực hiện BHYT toàn dân.

Việc tham gia BHYT theo hộ gia đình ngay hôm nay là nhằm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho tất cả thành viên trong hộ gia đình, phù hợp với mục tiêu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe toàn dân mà Đảng và Nhà nước đang hướng tới. Trong điều kiện nhiều người dân chưa ý thức tự giác trong việc chăm sóc sức khỏe thông qua chính sách BHYT, việc tham gia BHYT theo hộ gia đình là giải pháp khả thi để đảm bảo phần lớn người dân được hưởng lợi từ chính sách BHYT, nhất là trong điều kiện hiện nay, tình hình dịch bệnh, ô nhiễm diễn biến hết sức phức tạp, mức độ bệnh tật, rủi ro dễ gặp phải trong cuộc sống hàng ngày. Đồng thời, tham gia BHYT theo hộ gia đình là giảm gánh nặng tài chính cho người tham gia khi ốm đau, bệnh tật.

Minh Thông