'Bệ đỡ' cho bệnh nhân lao
02/11/2022 07:31 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Con số thống kê cho biết, ước tính có khoảng 70% bệnh nhân lao là người nghèo, nên nếu nhóm người này không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), việc theo điều trị bệnh tạo gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội. Chính vì vậy, BHYT sẽ đảm bảo cho người bệnh giảm thiểu chi phí điều trị.
Nhờ có thẻ BHYT ông Kpả Chức (bên trái) không phải chi trả khoản phí nào trong quá trình chữa bệnh lao.
Giảm gánh nặng kép
Phát hiện mắc bệnh lao khi khám sàng lọc chủ động, ông Kpả Chức (xã Ia Mla, huyện Krong Pa, Gia Lai) rất hoang mang vì nỗi lo bệnh tật và chi phí chữa trị. Được sự vận động của cán bộ huyện, xã, ông Kpả Chức đã mua thẻ BHYT để thuận tiện điều trị bệnh.
“Nhà có 2ha rẫy trồng mì trừ chi phí mỗi năm cũng chỉ được chừng gần 20 triệu đồng, làm thuê không đều lúc có, lúc không nên cuộc sống rất khó khăn. Bởi vậy, khi nhận kết quả mắc lao tôi suy sụp vì lo sợ chi phí chữa bệnh. Rất may nhờ mua thẻ BHYT hộ gia đình tôi đã an tâm chữa bệnh mà không phải trả bất kỳ chi phí nào” - ông Kpả Chức nói.
Tương tự, ông Ale Biap cũng phát hiện bệnh lao nhờ khám sàng lọc lao chủ động từ dự án Tăng cường mạng lưới cộng đồng vì chấm dứt bệnh lao (C (SCDI) triển khai. Ông Ale Biap cho biết, lâu nay tôi và nhiều người dân ở đây cũng không hình dung rõ về bệnh lao, được cán bộ xã vận động đi sàng lọc chủ động nên tôi đã đi và rất bất ngờ khi bị mắc bệnh lao. Cũng may nhờ phát hiện sớm tôi đã kịp điều trị và có phương án cách ly tránh lây nhiễm chéo cho người thân.
“Theo phác đồ điều trị, tôi phải trải qua 2 giai đoạn chữa trị, giai đoạn tấn công 1 tháng và 3 tháng duy trì nên nếu không có thẻ BHYT chi trả gánh nặng kinh tế sẽ rất lớn. Chưa kể suốt thời gian điều trị lao, hầu như tôi không thể đi làm thêm vì sức khỏe sa sút” - ông Ale Biap nói.
Chia sẻ về gánh nặng chi phí trong điều trị lao, ông Kpả Híp - Trưởng trạm y tế xã Ia Mla cho biết, phần lớn người dân xã Ia Mla sống dựa vào nông nghiệp, trong đó diện tích chủ yếu trồng sắn lấy tinh bột. Đất đai không phì nhiêu nên thu nhập từ sắn rất thấp, để có thêm thu nhập người dân trong xã phải về các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương làm thuê. Trong khi đó, việc điều trị lao rất tốn kém về cả thời gian và kinh tế, rất nhiều người đã mắc lại vì không có điều kiện chữa theo phác đồ điều trị. Tuy nhiên với việc Quỹ BHYT thanh toán thuốc điều trị lao cho bệnh nhân đã giúp người bệnh duy trì phác đồ điều trị mà không phải chi trả bất kỳ phí dịch vụ nào.
Mở rộng độ bao phủ bảo hiểm y tế
Đề cập đến vai trò của BHYT đối với bệnh nhân lao, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia cho biết, lao là căn bệnh cần điều trị lâu dài. Ước tính có 70% người mắc bệnh lao là người nghèo, nên nếu nhóm người này không có thẻ BHYT, việc theo điều trị bệnh tạo gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội. Chính vì vậy, BHYT đảm bảo cho người bệnh giảm thiểu chi phí điều trị, nó không chỉ là nguồn kinh phí bền vững nhằm đảm bảo cho mọi người dân bị bệnh lao đều được tiếp cận thuốc điều trị.
"Trong giai đoạn tiếp theo, Chương trình Chống lao quốc gia sẽ tiếp tục đôn đốc, hỗ trợ địa phương hoàn thiện các điều kiện kiện toàn cơ sở y tế để bảo đảm đủ các điều kiện thực hiện khám chữa bệnh lao thanh toán BHYT, tập trung hỗ trợ các địa phương trong việc quản lý điều tiết sử dụng thuốc chống lao hàng 1 nguồn BHYT để bảo đảm có đủ thuốc sử dụng cho người bệnh” - PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho biết.
Còn theo BHXH Việt Nam, việc Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả cho bệnh nhân lao sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho cả 2 phía. Lợi ích đầu tiên có thể kể đến là cơ chế kiểm soát khi mua sắm, thanh toán thuốc chống lao sử dụng nguồn Quỹ BHYT sẽ chặt chẽ hơn. Nếu như các thuốc từ nguồn viện trợ trước đây do các cơ sở khám, chữa bệnh tự sử dụng, quyết toán và báo cáo, không có cơ quan quản lý, giờ đây sẽ có một cơ quan để giám sát. Nguồn kinh phí để thanh toán cũng kịp thời và ổn định hơn. Bên cạnh đó, cơ sở khám bệnh sẽ phải có trách nhiệm hơn trong việc sử dụng các thuốc từ nguồn Quỹ BHYT.
“Việc cấp thuốc lao bằng nguồn Quỹ BHYT thể hiện sự nhân văn của chính sách an sinh xã hội, điều này sẽ nâng cao giá trị của tấm thẻ BHYT. Từ nay trở đi, người bệnh có thể sử dụng thẻ BHYT để vừa đi khám bệnh khác, vừa sử dụng thuốc điều trị lao, các quyền lợi vẫn được bảo đảm như trước đây” - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh nhấn mạnh.
Người dân nếu có triệu chứng như ho, sốt, bị các bệnh hô hấp nghi lao, có thể đến cơ sở y tế ngay tại địa phương để được phát hiện sớm, điều trị đúng và đủ. Hiện nay, tất cả cơ sở từ tuyến quận huyện trở lên đều có phòng khám lao. Tại đây bệnh nhân lao có thể nhận được tư vấn, phát hiện và điều trị giống như ở các bệnh viện ở trung ương. Hoặc có thể đến các tổ chống lao, phòng khám lao, phòng khám bệnh phổi, kể cả cơ sở y tế tư nhân… để nhận được tư vấn, phát hiện sớm lao. - PGS.TS Nguyễn Viết Nhung- Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống lao quốc gia.
LÊ BẢO
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT cho người lao ...
Phú Quý: Tổ chức khảo sát ý kiến người dân, doanh nghiệp ...
Hội đồng Nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách ...
Vai trò Nhà trường trong công tác bảo hiểm y tế Học sinh - ...
Phú Quý: Tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện với người ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?