Kinh nghiệm bao phủ an sinh xã hội ở một số quốc gia
18/02/2025 08:50 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Theo số liệu trong Báo cáo an sinh xã hội thế giới 2024- 2026 của ILO, chỉ có 46,9% dân số thế giới được hưởng từ một chế độ an sinh xã hội trở lên, trong khi đó, 53,1% dân số còn lại (khoảng 4,1 tỷ người) hoàn toàn không được hưởng bất cứ một chế độ nào. Độ bao phủ an sinh xã hội cũng rất khác nhau giữa các khu vực, trong đó, độ bao phủ an sinh xã hội ở châu Âu và Trung Á (83,9%) và châu Mỹ (64,3%) cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu. Ngược lại, độ bao phủ an sinh xã hội tại khu vực châu Á- Thái Bình Dương (44,1%), các quốc gia Ả Rập (40%) và châu Phi (17,4%), thấp hơn đáng kể so với mức trung bình toàn cầu.
Trong các hệ thống an sinh xã hội, chăm sóc y tế được nhiều quốc gia thực hiện và nhiều nước đã và đang thực hiện được mục tiêu BHYT toàn dân. Mặc dù vậy, cũng theo số liệu của ILO, xét trên bình diện toàn cầu, hiện có gần 2/3 dân số được bao phủ bởi ít nhất một chương trình bảo vệ sức khoẻ xã hội (theo cơ chế BHYT hoặc chăm sóc y tế miễn phí); khoảng 30% dân số toàn cầu chưa tiếp cận được dịch vụ BHYT và các chăm sóc y tế tối thiểu. Bên cạnh đó, hiện vẫn tồn tại một số hạn chế khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế của người dân. Tỷ lệ tự chi trả trực tiếp có các dịch vụ KCB, chăm sóc sức khỏe còn cao. Như vậy, trên bình diện thế giới, độ bao phủ chăm sóc y tế là dịch vụ dễ bao phủ nhất, nhưng thực tế vẫn còn nhiều thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực của các quốc gia, nhất là trong bối cảnh các rủi ro phi truyền thống (như đại dịch COVID-19) hay các rủi ro biến đổi khí hậu toàn cầu…
Cũng theo thống kê của ILO, diện bao phủ và mức hưởng với chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp còn hạn chế hơn. Tỷ lệ NLĐ được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi bị thất nghiệp trên toàn cầu chỉ đạt 18,6%. Còn với chế độ ốm đau, tỷ lệ hưởng cũng chỉ đạt 30% dân số trong độ tuổi lao động.
Trong hệ thống an sinh xã hội, chế độ hưu là hình thức an sinh xã hội phổ biến nhất. Theo thống kê của ILO, trên toàn thế giới, 79,6% người trên độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu. Tuy nhiên, còn hơn 165 triệu người trên độ tuổi nghỉ hưu không được hưởng lương hưu. Đảm bảo an sinh tuổi già thoả đáng vẫn là một thách thức, đặc biệt đối với phụ nữ, NLĐ có thu nhập thấp, những người làm công việc bấp bênh, lao động trên nền tảng số và lao động di cư. Những thách thức này có thể sẽ trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu, dưới hình thức di cư không tự nguyện, công việc không cố định hoặc áp lực kinh tế.
Ở nhiều quốc gia, đặc biệt là những quốc gia có tỷ lệ việc làm phi chính thức cao, việc mở rộng phạm vi bao phủ của lương hưu (theo chế độ đóng- hưởng) chưa đủ nhanh để đảm bảo an ninh thu nhập khi về già. Việc áp dụng trợ cấp hưu trí- được tài trợ từ tiền thuế- cung cấp một nguồn thu nhập quan trọng cho người cao tuổi không đủ điều kiện hưởng lương hưu BHXH. Tuy nhiên, ở một số quốc gia, mức trợ cấp hưu trí đó không đủ đảm bảo an sinh xã hội cho người cao tuổi.
Trên toàn cầu, chi tiêu công cho lương hưu và các phúc lợi phi y tế khác cho người cao tuổi trung bình 7,6% GDP. Tuy nhiên, có sự khác biệt lớn trong khu vực, với mức chi tiêu dao động từ 10,5% GDP ở châu Âu và 1,7% ở châu Phi. Cuộc khủng hoảng khí hậu cũng đang đe dọa sự bền vững các chương trình lương hưu BHXH. Do đó, các chương trình lương hưu phải thích ứng để đối phó với những rủi ro liên quan đến khí hậu, đảm bảo tính bền vững lâu dài và bảo vệ chất lượng cuộc sống người thụ hưởng.
Theo đánh gia của các chuyên gia kinh tế-xã hội, nguyên nhân của những “nút thắt” trong việc tăng độ bao phủ an sinh xã hội của các quốc gia gồm:
- Các quốc gia thiếu đầu tư cho an sinh xã hội, đặc biệt là tại các quốc gia khu vực châu Phi, Ả Rập và châu Á. Tại những khu vực này, các quốc gia chỉ đầu tư trung bình khoảng 12,9% GDP cho an sinh xã hội (không bao gồm chăm sóc y tế). Chi tiêu chính phủ cho an sinh xã hội cũng khác biệt đáng kể giữa các khu vực, giữa các quốc gia trên thế giới. Trong khi các nước có thu nhập cao chi 16,4% thì các nước có thu nhập thấp chỉ chi 1,1% GDP cho an sinh xã hội. Từ khi bùng phát đạt dịch COVID-19, mức độ thiếu hụt nguồn lực tài chính cho an sinh xã hội đã tăng thêm khoảng 30%, trong đó, chủ yếu là nhu cầu gia tăng đối với các dịch vụ chăm sóc y tế và đảm bảo an ninh thu nhập…
- Sự thiếu linh hoạt trong thiết kế chính sách, chế độ và cơ chế thực hiện an sinh xã hội đã làm giảm “sức hút” của người dân đối với các chương trình an sinh xã hội, nhất là đối với những chương trình phải đóng góp như BHXH hoặc/và các nhóm đối tượng ở các khu vực kinh tế tư nhân, khu vực kinh tế GIG (kinh tế GIG là nền kinh tế ở đó NLĐ làm các công việc cung cấp dịch vụ dựa vào công nghệ với hình thức lao động ngắn hạn, không thường xuyên, thường sử dụng lao động dựa trên ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, nền tảng kỹ thuật số và có tính linh hoạt cao hơn, khó quản lý lao động hơn và vì vậy họ dễ bị tổn thương hơn).
- Vấn đề già hóa dân số đang là thách thức đối với các quốc gia phát triển và cả các quốc gia đang phát triển (như Việt Nam) khi tốc độ già hóa tăng nhanh. Điều này khiến hệ thống an sinh xã hội dễ bị mất cân bằng, ảnh hưởng đến độ bao phủ trong dài hạn.
Trước thực tế này, các quốc gia đã phải nhanh chóng đưa ra các chính sách cải cách hệ thống an sinh xã hội. Nhưng theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, diện bao phủ an sinh xã hội trên thế giới rất khó được mở rộng. Theo ILO, với cơ chế đóng- hưởng, các tác động tiêu cực của kinh tế toàn cầu hóa khiến chu kỳ ổn định việc làm ở mỗi quốc gia ngắn hơn. Tình trạng phi chính thức hóa lực lượng lao động, cộng với số lao động phi chính thức sẵn có, số NLĐ tham gia vào hệ thống an sinh xã hội có xu hướng giảm hoặc khó tăng thêm và khó bao phủ đến 100% đối tượng thuộc diện tham gia.
Để thực hiện điều này, một mặt các quốc gia cần hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách theo hướng linh hoạt. Mặt khác, cần tăng chi tiêu ngân sách cho an sinh xã hội. Theo tính toán của ILO, để đảm bảo tối thiểu là một mức an sinh xã hội cơ bản cho người dân thông qua sàn an sinh xã hội theo tiêu chuẩn quốc gia, các nước thu nhập trung bình cao sẽ cần đầu tư thêm khoảng 750,8 tỷ USD mỗi năm- tương đương 3,1% GDP. Các nước thu nhập trung bình thấp sẽ cần đầu tư thêm khoảng 362,9 tỷ USD mỗi năm- tương đương 5,15% GDP. Trong khi các nước thu nhập thấp sẽ cần đầu tư thêm khoảng 77,9 tỷ USD- tương đương 15,9% GDP.
ILO cảnh báo, nếu các quốc gia không đầu tư thoả đáng cho an sinh xã hội, có thể sẽ bị mắc kẹt trong bẫy “chi phí thấp- mức độ phát triển con người thấp” và không thể đạt được mục tiêu tăng độ bao phủ an sinh xã hội toàn dân.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Chính phủ Nhật Bản nỗ lực duy trì và nâng cao đời sống cho người dân trên cơ sở bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Hiến pháp Nhật Bản năm 1946 quy định: Tất cả các công dân đều có quyền được hưởng cuộc sống với mức tối thiểu về văn hóa và sức khỏe. Đây chính là nền tảng pháp lý quan trọng đầu tiên cho quá trình tăng độ bao phủ trong hệ thống chính sách an sinh xã hội hiện đại của Nhật Bản.
Về cơ bản, chính sách an sinh xã hội của Nhật Bản trải qua 4 giai đoạn: (i) Từ năm 1945 đến 1955: Giai đoạn cứu trợ khẩn cấp, hỗ trợ phát triển hạ tầng; (ii) Từ năm 1955 đến 1975: Phát triển BHYT toàn dân và xây dựng hệ thống lương hưu; (iii) Từ năm 1975 đến nửa cuối những năm 1980: Phát triển ổn định và chú trọng an sinh xã hội; (iv) Từ năm 1989 đến nay: Cải cách hệ thống an sinh xã hội nhằm ứng phó với suy thoái kinh tế, thách thức về già hóa dân số và mức sinh thấp.
Trong mô hình này, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc cung cấp an sinh xã hội thông qua hệ thống bảo hiểm và trợ cấp xã hội. An sinh xã hội ở Nhật Bản bao gồm 3 bộ phận chính: chăm sóc y tế, hưu trí và phúc lợi xã hội khác. Trong đó, hưu trí là bộ phận chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng chi tiêu của hệ thống.
Hệ thống an sinh xã hội đóng vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế Nhật Bản. Những thành tố cơ bản của hệ thống này là dùng quỹ xã hội để đảm bảo thu nhập cho những người lâm vào tình cảnh đặc biệt; BHYT; bảo đảm phúc lợi cho những người cao tuổi, người tàn tật và trẻ em nhỏ tuổi cần sự chăm sóc thường xuyên; trợ cấp xã hội đối với những người có mức sống thấp hơn mức quy định. Mặc dù vậy, những thay đổi về cơ cấu dân số, cùng với sự gia tăng tuổi thọ của người già, chi phí hàng năm dành cho y tế tiếp tục gia tăng và có thể dẫn đến mất cân bằng tài chính của các quỹ bảo hiểm.
Nhằm ứng phó với những thách thức trên, chính phủ Nhật Bản đã tiến hành cải cách an sinh xã hội, bao gồm: Cải cách hệ thống tài chính nhà nước. Có chính sách hợp lý trên thị trường lao động nhằm khuyến khích tạo việc làm và thu hút NLĐ. Đối với hệ thống hưu trí, chuyển hoàn toàn sang hệ thống tài khoản cá nhân nhằm hạn chế gánh nặng cho lực lượng lao động; đồng thời, đảm bảo được thu nhập lâu dài cho người nghỉ hưu.
Báo cáo chính trị của Đại hội XVII Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2007 chỉ rõ “phải lấy BHXH, cứu trợ xã hội, phúc lợi xã hội làm nền tảng, lấy chế độ dưỡng lão cơ bản, chế độ y tế cơ bản, chế độ đảm bảo mức sống tối thiểu làm trọng điểm, lấy sự nghiệp từ thiện, bảo hiểm thương nghiệp làm bổ sung, nhanh chóng hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội”. Đây chính là định hướng để thực hiện mục tiêu bao phủ an sinh xã hội toàn dân ở Trung Quốc.
Thực hiện mục tiêu đạt độ bao phủ toàn dân, Trung Quốc đã thực hiện “xã hội hóa” an sinh xã hội, hay nói cách khác, mô hình an sinh xã hội của Trung Quốc đã chuyển đổi từ “đơn vị bảo đảm” trước kia sang “xã hội bảo đảm”. “ Đơn vị bảo đảm” trên thực tế là một sự tự bảo đảm của DN, phạm vi hẹp, quy mô tính bảo đảm nhỏ, tính hỗ trợ yếu, khó đạt được mục đích quy hoạch hỗ trợ cho toàn thể người tham gia. Sau khi thực hiện chính sách cải cách mở cửa, chế độ “đơn vị bảo đảm” ngày càng không phù hợp với yêu cầu cạnh tranh DN và di chuyển lao động, đòi hỏi Trung Quốc phải nhanh chóng xây dựng một chế độ bảo đảm mang tính xã hội độc lập với DN. Bằng sự sáng tạo chế độ an sinh xã hội, đưa vào cơ chế BHXH, thực hiện dự trù xã hội đối với quỹ bảo hiểm, phù hợp với môi trường rủi ro phân tán như hiện nay, Trung Quốc đã thực hiện được sự chuyển đổi chế độ từ DN tự bảo đảm sang xã hội hỗ trợ bảo đảm, thực hiện sự chuyển đổi vị thế của NLĐ từ “người của đơn vị” sang “người của xã hội”. Mặt khác, an sinh xã hội ở Trung quốc được thực hiện theo phương châm “ưu tiên hiệu quả, tính tới công bằng”. Bằng sáng tạo chế độ, bảo hiểm dưỡng lão cơ bản, BHYT cơ bản đã xác lập được mô hình quỹ bảo hiểm “kết hợp dự trù xã hội và tài khoản cá nhân”. Mục đích chủ yếu của việc xây dựng tài khoản cá nhân là đưa vào cơ chế khuyến khích cá nhân, nhấn mạnh yếu tố hiệu quả. Trong mô hình “kết hợp dự trù xã hội và tài khoản cá nhân”, sự kết nối giữa đãi ngộ của bảo đảm và đóng góp của NLĐ đã chú trọng tới thống nhất giữa quyền lợi và nghĩa vụ, thống nhất giữa công bằng và hiệu quả. Điều đó đã phá vỡ khuynh hướng chủ nghĩa bình quân của an sinh xã hội trước đây, khuyến khích NLĐ tham gia BHXH và thúc đẩy họ yên tâm phấn đấu trong công việc, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của DN và di chuyển hợp lý sức lao động…
Bài: PGS.TS. Mạc Văn Tiến Đồ hoạ: Thanh An
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Phóng sự kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 01/7/2024: ...
[Phóng sự] BHXH Việt Nam - 30 năm hành trình an ...
Quyết tâm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ theo Nghị quyết số ...
BHXH tỉnh Bình Thuận: Lấy phát triển bền vững làm mục tiêu ...
Giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT cho Tổ ...
Bưu điện thành phố Phan Thiết tổng kết công tác phát triển ...
Ban Chỉ đạo huyện Hàm Tân triển khai công tác năm 2025
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?