Quy định về chậm đóng, trốn đóng và xử lý vi phạm pháp luật BHYT
25/02/2025 09:46 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Luật BHYT năm 2024 có nhiều quy định chú trọng đến việc tăng cường kỷ luật, trách nhiệm trong việc thực hiện nghĩa vụ BHYT, thể hiện qua những quy định mới về chậm đóng, trốn đóng và xử lý vi phạm pháp luật.
Bảo đảm quyền lợi về bảo hiểm y tế cho người lao động
Luật số 51/2024/QH15 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Sự ra đời của Luật này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc củng cố và hoàn thiện hệ thống BHYT Việt Nam.
Cơ quan BHXH Hà Nội cho biết, bên cạnh những sửa đổi về phạm vi quyền lợi, đối tượng tham gia, phương thức thanh toán, Luật BHYT năm 2024 cũng đặc biệt chú trọng đến việc tăng cường kỷ luật, trách nhiệm trong việc thực hiện nghĩa vụ BHYT, thể hiện qua những quy định mới về chậm đóng, trốn đóng và xử lý vi phạm pháp luật.
Chậm đóng bảo hiểm y tế và trốn đóng bảo hiểm y tế được hiểu là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ đóng BHYT đúng thời hạn và đúng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc theo quy định của pháp luật.
Các hành vi này gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi được khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế của người tham gia và sự cân bằng tài chính của quỹ bảo hiểm y tế. Điều 48a, 48b của Luật Bảo hiểm y tế năm 2024 đã quy định rõ các trường hợp được coi là chậm đóng BHYT và trốn đóng BHYT.
Theo đó, các trường hợp được coi là chậm đóng BHYT gồm: Chưa đóng hoặc đóng chưa đầy đủ số tiền phải đóng BHYT kể từ sau ngày đóng BHYT chậm nhất; Không lập danh sách hoặc lập danh sách không đầy đủ số người phải tham gia bảo hiểm y tế trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn quy định.
Các trường hợp được coi là trốn đóng BHYT gồm: người sử dụng lao động không lập danh sách hoặc lập danh sách không đầy đủ số người phải tham gia BHYT sau 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn quy định; Không đóng hoặc đóng không đầy đủ số tiền đã đăng ký BHYT sau 60 ngày kể từ ngày đóng BHYT chậm nhất theo quy định và và đã được cơ quan có thẩm quyền đôn đốc theo quy định của Chính phủ; Đăng ký tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm y tế thấp hơn tiền lương quy định.
Luật BHYT năm 2024 cũng quy định các chế tài xử lý mạnh hơn đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHYT, đặc biệt là hành vi chậm đóng, trốn đóng BHYT áp dụng các biện pháp xử lý như sau:
- Bắt buộc đóng đủ số tiền chậm đóng BHYT, trốn đóng BHYT.
- Tính lãi chậm đóng, trốn đóng: Nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền BHYT chậm đóng, trốn đóng và số ngày chậm đóng, trốn đóng vào quỹ BHYT;
- Xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự: Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm, hành vi trốn đóng BHYT ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính như hành vi chậm đóng BHYT còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
- Không xem xét danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng
Trách nhiệm hoàn trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các trường hợp chậm đóng, trốn đóng BHYT
Một điểm mới đáng chú ý của Luật BHYT năm 2024 là quy định về trách nhiệm hoàn trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các trường hợp chậm đóng, trốn đóng BHYT.
Cụ thể, cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng BHYT cho người lao động phải hoàn trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT mà người lao động đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ BHYT do chậm đóng, trốn đóng BHYT.
Quy định này có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động, đồng thời nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc thực hiện nghĩa vụ BHYT.
Việc bổ sung các quy định mới về chậm đóng, trốn đóng và xử lý vi phạm pháp luật tại Luật BHYT năm 2024 thể hiện quyết tâm của Nhà nước trong việc chấn chỉnh những hành vi vi phạm, tăng cường hiệu quả quản lý và sử dụng Quỹ BHYT, bảo đảm quyền lợi chính đáng của người tham gia.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến hết năm 2024, toàn quốc có hơn 95,5 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt, đạt tỷ lệ bao phủ 94,2% dân số. Đây cũng là một con số vô cùng ấn tượng, góp phần to lớn trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân và mục tiêu BHYT toàn dân.
Hiện nay, cả nước có gần 13 nghìn cơ sở khám, chữa bệnh BHYT, bao gồm 2.897 cơ sở khám, chữa bệnh và gần 10.000 trạm y tế xã tham gia BHYT,
Số lượt người có thẻ bảo hiểm y tế đi khám, chữa bệnh tăng liên tục trong những năm gần đây. Kể từ khi Luật BHYT năm 2008 có hiệu lực từ ngày 1/7/2009, trong 15 năm qua, đã có hơn 2,12 tỷ lượt người khám, chữa bệnh BHYT. Quỹ BHYT đã chi trả gần 1 triệu tỷ đồng cho khám, chữa bệnh BHYT. Số lượt khám, chữa bệnh BHYT của năm 2024 là 183,6 triệu lượt, chi gần 143 nghìn tỷ đồng.
Cùng với đó, quy định về thông tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đã tạo thuận lợi rất lớn cho người tham gia BHYT. Từ năm 2016, người tham gia BHYT có thể đến bất kỳ bệnh viện tuyến huyện nào để khám, chữa bệnh và từ năm 2021, điều trị nội trú tại bất kỳ bệnh viện tuyến tỉnh nào trong cả nước đều được hưởng quyền lợi như đúng tuyến.
Đặc biệt, Luật BHYT năm 2024 cũng quy định mức hưởng BHYT khi thực hiện thông cấp khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo hướng không phân biệt địa giới hành chính theo tỉnh, giữ ổn định tỷ lệ mức hưởng bảo hiểm y tế theo quy định của Luật hiện hành và mở rộng với một số trường hợp.
Đồng thời, trong các trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo,... người bệnh được lên thẳng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên sâu./.
Thắng Trần
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Phóng sự kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 01/7/2024: ...
[Phóng sự] BHXH Việt Nam - 30 năm hành trình an ...
Nâng cao chất lượng hoạt động các tổ chức dịch vụ thu
Quyết tâm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ theo Nghị quyết số ...
BHXH tỉnh Bình Thuận: Lấy phát triển bền vững làm mục tiêu ...
Giao chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT cho Tổ ...
Bưu điện thành phố Phan Thiết tổng kết công tác phát triển ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?