Cần có giải pháp xử lý dứt điểm nợ khó thu các doanh nghiệp phá sản

26/05/2025 08:03 AM


Theo cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Bình Thuận cho biết: Hiện số tiền chậm đóng khó thu của 245 đơn vị, doanh nghiệp phá sản, giải thể, mất tích, ngừng hoạt động là 26.940 triệu đồng. Số tiền này không có khả năng thu hồi

Các công trình xây dựng còn gặp nhiều khó khăn

Qua rà soát, xác định các đơn vị nói trên đã ngừng giao dịch với cơ quan BHXH. Những đơn vị này hoạt động thua lỗ, giảm toàn bộ lao động tham gia BHXH, nhưng chưa làm thủ tục giải thể, phá sản… Đến nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định, văn bản hướng dẫn xử lý tiền chậm đóng BHXH khó thu của các đơn vị giải thể, phá sản, ngừng hoạt động, không còn kinh doanh tại địa chỉ đăng ký đã tồn tại qua nhiều năm. Điều đó không những hệ lụy đến đời sống của nhiều người lao động mà còn ảnh hưởng đến việc thực hiện an sinh xã hội, số tiền chậm đóng lũy kế hàng năm tăng cao.

Đến đầu tháng 5/2025, số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN phải thu là 248.283 triệu đồng, tăng 47.605 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2024. Tỷ lệ chậm đóng phải thu chiếm 6,44% so với dự toán thu, cao hơn 0,93% so chỉ tiêu giảm tiền chậm đóng BHXH Việt Nam giao quý 2/2025.

Nguyên nhân là do các doanh nghiệp phục hồi chậm; tình hình kinh doanh khó khăn do thiếu đơn hàng, cắt giảm lao động, hoạt động cầm chừng, để tiền chậm đóng kéo dài. Có nhiều doanh nghiệp chậm đóng với số tiền lớn và kéo dài nhiều tháng, nhiều năm; các đơn vị này tuy đã được thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính hoặc chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an xem xét… nhưng vẫn chưa khắc phục được, đã ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng trăm người lao động, nhưng chưa có biện pháp căn cơ để xử lý dứt điểm tiền chậm đóng kéo dài và nợ khó thu.

Để khắc phục tình trạng chậm đóng bảo hiểm của các doanh nghiệp, cơ quan BHXH đã phối hợp với các địa phương, ngành liên quan thực hiện nhiều giải pháp như: Tăng cường tuyên truyền luật BHXH, BHYT; gửi thông báo thực hiện trích nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN đối với 302 đơn vị chậm đóng; đồng thời, mời 22 đơn vị chậm đóng kéo dài làm việc và tổ chức đôn đốc thu tiền chậm đóng trực tiếp tại 255 đơn vị. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành tại 24 đơn vị (đột xuất 04 vị); kiểm tra 02 đơn vị sử dụng lao động.

Qua thanh tra, kiểm tra đã kiến nghị, đôn đốc thu được số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN là 275,6 triệu đồng; thực hiện truy đóng cho 02 lao động, với số tiền truy đóng đã thu là 32,59 triệu đồng… Mặt khác, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng CNTT để tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị đóng BHXH, góp phần kéo giảm số tiền chậm đóng BHXH, BHYT của các doanh nghiệp./.

Hồ Nhật