Miễn viện phí cần nguồn lực tài chính bền vững
28/05/2025 08:47 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Theo chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu- Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thì miễn viện phí là hạn chế tối đa người dân phải bỏ tiền túi trong việc khám chữa bệnh. Tiền chi trả viện phí từ 4 nguồn: BHYT; BH thương mại tư nhân hoặc BHYT bổ sung; Ngân sách Nhà nước và từ các mạnh thường quân, các quỹ phi lợi nhuận…
Tài chính- yếu tố then chốt
Mới đây, chủ trương miễn viện phí toàn dân do Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo nhận được sự đồng thuận của xã hội. Theo các chuyên gia y tế, việc triển khai BHYT toàn dân, thuế từ các mặt hàng có hại cho sức khỏe cùng những phương án tài chính mới sẽ giải được bài toán ngân sách khi miễn viện phí.
Để tiến tới thực hiện miễn viện phí cho người dân, PGS.TS.Đào Xuân Cơ- Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, nguồn lực tài chính là yếu tố then chốt với 3 trụ cột chính là BHYT, ngân sách Nhà nước và xã hội hóa. Trong đó, BHYT là công cụ then chốt giúp hiện thực hóa chính sách chăm sóc sức khỏe công bằng và bền vững. Việt Nam cần tiến tới BHYT toàn dân, không chỉ ở phạm vi bao phủ mà còn ở tính toàn diện trong quyền lợi và đa dạng hình thức tham gia để đảm bảo người dân tiếp cận dịch vụ y tế không gặp rào cản tài chính.
Ngoài ra, nguồn lực từ ngân sách Nhà nước sẽ là cơ sở để đảm bảo y tế cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn cũng như đầu tư cho các lĩnh vực y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao. Đồng thời, ông Đào Xuân Cơ cũng đề nghị cân nhắc đưa các phương án tài chính mới với sự tham gia của xã hội, doanh nghiệp vào khung pháp lý rõ ràng để bổ sung nguồn ngân sách cho chăm sóc sức khỏe toàn dân. Những bài học thành công từ các quốc gia phát triển cho thấy, vai trò quan trọng của doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các quỹ an sinh trong việc duy trì, phát triển bệnh viện phi lợi nhuận. Muốn làm được điều này, cần có cơ chế phù hợp để khuyến khích các thành phần xã hội chung tay chăm sóc sức khỏe người dân.
Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP.Hà Nội) cho rằng, Nhà nước cần phải hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh thông qua BHYT, bù vào phần chi thêm cho ngành y tế làm việc; tổ chức tốt hệ thống KCB, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở. Bên cạnh đó, Nhà nước cần phân nhóm đối tượng, ưu tiên áp dụng chính sách miễn viện phí cho những người đang mắc bệnh hiểm nghèo, điều trị lâu dài, chi phí cao; người nghèo, cán bộ cách mạng lão thành, bà mẹ Việt Nam anh hùng, người có công, cán bộ hưu trí, người cao tuổi, người dân vùng sâu, vùng xa, trẻ em dưới 6 tuổi... Sau đó, chính sách mở rộng dần đối tượng, tránh gây áp lực đột ngột lên ngân sách quốc gia.
Từng bước hiện thực hóa chính sách
Theo tính toán của Bộ Y tế, với 100 triệu dân và chi phí trung bình 250.000 đồng/lần khám, ngân sách cần thiết để bảo đảm mỗi người được khám ít nhất một lần mỗi năm là 25.000 tỷ đồng. Và để từng bước thực hiện hóa chủ trương miễn viện phí, ngành y tế xác định lộ trình 2026 - 2030 và 2031 - 2035 sẽ tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, từ 2026 - 2030, ngành y tế đặt mục tiêu 90% người dân được tiếp cận đầy đủ dịch vụ dự phòng bệnh tật, tăng tỷ lệ bao phủ BHYT lên 100%, bảo đảm 100% người dân được khám sức khỏe định kỳ hàng năm; đồng thời phát triển hồ sơ sức khỏe điện tử quản lý trọn đời.
Cùng với đó, tỷ lệ chi trả trực tiếp từ người dân cho dịch vụ y tế sẽ giảm xuống dưới 20%; đồng chi trả trong KCB BHYT sẽ giảm dưới 10%. Giai đoạn từ 2031- 2035, Bộ Y tế sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, từng bước triển khai chính sách miễn phí chăm sóc sức khỏe toàn dân. Mục tiêu đến năm 2045 là người dân không còn phải thanh toán thêm khi sử dụng dịch vụ KCB BHYT, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về bảo đảm an sinh y tế.
Khẳng định miễn phí hoàn toàn viện phí là mong muốn của tất cả mọi người, song PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ, không một nước giàu có nào không có hệ thống kiểm tra chi phí y tế, giám sát sự chi tiêu trong lĩnh vực tốn kém nhất này. Và chắc chắn không phải mô hình người dân cứ đến bệnh viện không cần làm bất cứ thủ tục gì mà vào thẳng phòng khám, chụp chiếu, điều trị, phẫu thuật, can thiệp rồi cứ thế ra viện. “Nguyên nhân là trong y học ngoài khó khăn trong đầu tư nguồn lực, con người thì cái đáng sợ nhất hiện nay là lạm dụng chỉ định y khoa. Còn nhớ những năm đầu thập niên 2000, có thời điểm BHYT Việt Nam đã có quyết định thanh toán không giới hạn cho bệnh nhân đặt stent động mạch vành. Và chỉ trong vài tháng quyết định này phải hủy bỏ vì số lượng stent được sử dụng tăng vọt, nhiều bệnh nhân được đặt 7 -8 cái stent trên tất cả các mạch máu bị hẹp trong cùng một lúc”, PGS.TS Hiếu dẫn chứng.
Chính vì vậy, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, miễn viện phí là hạn chế tối đa người dân phải bỏ tiền túi trong việc khám chữa bệnh. Và tiền sẽ chi trả cho viện phí của người dân từ 4 nguồn. Cụ thể, từ BHYT với lộ trình nâng “trần”, đa dạng hóa các loại hình BHYT bắt buộc và tăng mức, các kỹ thuật được chi trả, miễn phí cung cấp BHYT cơ bản toàn dân; BH thương mại tư nhân hoặc BHYT bổ sung cho người có điều kiện (tăng quyền lựa chọn BH của người dân tương ứng với mức độ chi trả về các tiện ích về dịch vụ). BH này sẽ bao phủ cả chuyên môn và dịch vụ cũng như những kỹ thuật rất đắt tiền chưa có trong danh mục phê duyệt của BHYT thông thường; Ngân sách Nhà nước (chi trả nốt % viện phí người dân đang đồng chi trả, ngân sách cấp hoàn toàn cho các đối tượng cấp cứu chưa có BHYT, trẻ em dưới 6 tuổi, người già trên 80 tuổi…); từ các mạnh thường quân, các quỹ phi lợi nhuận - đây là nguồn lực rất lớn cần khuyến khích.
Ngoài việc hỗ trợ cho những ca bệnh khó, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không mua BHYT… Những quỹ này nếu được tổ chức tốt, tường minh sẽ là nguồn lực quan trọng để hỗ trợ bệnh viện có những phương tiện mới, hiện đại trong việc tiếp cận với y học hiện đại. Nếu chúng ta làm một cách bài bản, tôi hy vọng người dân không phải bỏ tiền túi để khám chữa bệnh không chỉ dừng lại là một giấc mơ”, PGS.TS Lân Hiếu khẳng định./.
Vũ Thu (Tạp chí BHXH)
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Phóng sự kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 01/7/2024: ...
[Phóng sự] BHXH Việt Nam - 30 năm hành trình an ...
BHXH khu vực XXV chính thức hoạt động từ ngày 01/6/2025
Hàm Tân: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp ...
Nâng cao nhận thức về chính sách BHXH, BHYT, BHTN cho người ...
Tháng vận động triển khai BHXH dân, Bình Thuận quyết tâm ...
Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân: Đẩy mạnh tuyên ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?