Bảo hiểm xã hội tự nguyện, đảm bảo cuộc sống khi về già
29/05/2020 07:44 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tối thiểu 5.000 đồng một ngày, khoảng 140.000 đồng mỗi tháng đã có thể có một tuổi già an nhàn, không phải lo lắng chuyện cơm áo gạo tiền hay phụ thuộc bất cứ ai. Đó chính là một trong những tính ưu việt của chính sách Bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Hội nghị Tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện
Khi người lao động (NLĐ) nhận bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, NLĐ sẽ thiệt thòi khi chưa đến tuổi nghỉ hưu đã tiêu hết tiền dưỡng già. Để đến khi về già, không được hưởng hưu trí, họ phải phụ thuộc vào con, cháu và xã hội; nếu không may bị bệnh, không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), họ còn phải đối mặt với nguy cơ không chi trả nổi chi phí khám, chữa bệnh (KCB) chỉ sau một lần mắc bệnh và nằm viện thời gian dài, từ đó phải đối mặt với tình trạng nghèo đói, trở thành gánh nặng đối với gia đình và xã hội.
Với thủ tục đơn giản, mức đóng, phương thức đóng linh hoạt; không có bất cứ ràng buộc hay điều khoản gì bất lợi cho người tham gia; không phân biệt độ tuổi hay tình trạng sức khỏe; tiền đóng BHXH tự nguyện được Nhà nước bảo hộ quỹ, được điều chỉnh trên cơ sở Chỉ số giá tiêu dùng hàng năm…Đặc biệt, mức lương hưu không cố định mà sẽ được điều chỉnh tăng hằng năm khi nhà nước điều chỉnh mức lương cơ sở.
Điều kiện hưởng lương hưu khi tham gia BHXH tự nguyện
Theo quy định tại Điều 73 Luật BHXH năm 2014, người tham gia BHXH tự nguyện được nhận lương hưu khi đáp ứng đủ 2 điều kiện, nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo BHXH trở lên. Trường hợp người tham gia đã đủ điều kiện về tuổi nhưng thời gian đóng chưa đủ 20 năm thì phải đóng cho đến khi đủ 20 năm.
Đóng BHXH tự nguyện thế nào?
Theo khoản 1, Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định, người tham gia BHXH tự nguyện được chọn phương thức đóng phù hợp như đóng hằng tháng, đóng 3 tháng một lần, đóng 6 tháng một lần, đóng 12 tháng một lần, đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần và đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Mức đóng BHXH tự nguyện
Mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (hiện nay là 700.000 đồng/tháng) và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở. Mức đóng một lần cho những năm còn thiếu được tính bằng tổng mức đóng của các tháng còn thiếu, áp dụng lãi gộp bằng lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân tháng do BHXH Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.
Trường hợp người tham gia BHXH tự nguyện đã đóng tiền theo các phương thức nêu trên, sẽ được hoàn trả lại khi dừng tham gia BHXH tự nguyện và chuyển sang tham gia BHXH bắt buộc, có đề nghị hưởng BHXH một lần, bị chết hoặc Tòa án tuyên bố là đã chết. Số tiền hoàn trả cho người tham gia BHXH tự nguyện được tính bằng số tiền đã đóng tương ứng với thời gian còn lại so với thời gian đóng theo phương thức đóng và không bao gồm tiền hỗ trợ đóng của Nhà nước (nếu có).
Mức lương hưu khi đóng BHXH tự nguyện
Khi đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên, theo Điều 3 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được nhận lương hưu hàng tháng với số tiền:
Lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ hưởng lương hưu x Mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH
Trong đó:
- Tỷ lệ hưởng lương hưu:
Từ năm 2018, mức lương hưu hàng tháng được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH và tương ứng với số năm như sau: Lao động nam nghỉ hưu năm 2020 sẽ 18 năm, nghỉ hưu năm 2021 là 19 năm và 20 năm đối với người nghỉ hưu từ năm 2022; Đối với lao động nữ là 15 năm, sau đó, cứ mỗi năm, được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
- Mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH: Bằng bình quân các mức thu nhập tháng đã đóng BHXH của toàn bộ thời gian đóng.
Ngoài lương hưu hàng tháng, nếu người tham gia có thời gian đóng cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì được nhận trợ cấp 1 lần. Cứ mỗi năm đóng cao hơn thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.
Đồng thời, trong một số trường hợp như đủ điều kiện về tuổi nhưng chưa đủ 20 năm đóng mà không tiếp tục đóng; ra nước ngoài định cư hoặc mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng (ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, HIV/AIDS…) thì người tham gia còn được nhận BHXH một lần theo số năm đã đóng.
Vì vậy, việc cân nhắc, lựa chọn nhận BHXH một lần với tham gia tiếp BHXH tự nguyện là điều hết sức quan trọng với mỗi NLĐ, đừng vì cái lợi trước mắt mà bỏ lỡ cơ hội được hưởng lương hưu để trang trải cuộc sống, cũng như được hưởng chế độ BHYT để chăm sóc sức khỏe khi về già.
Mọi thắc mắc về chính sách BHXH tự nguyện, liên hệ đường dây nóng BHXH tỉnh Bình Thuận, số điện thoại 0252 3833703 để được tư vấn, hỗ trợ.
Hoàng Hà
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Bình Thuận triển khai chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH ...
Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng ...
Tánh Linh: Ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham ...
Hướng dẫn gia hạn thẻ bảo hiểm y tế cho một số nhóm đối ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Thuận triển khai các giải pháp ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?