Thay đổi nhận thức về chăm sóc sức khỏe của người dân
09/04/2021 09:50 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã được Nhà nước đầu tư xây dựng các Bệnh viện, các Trung tâm y tế khá khang trang. Bên cạnh đó các phòng khám đa khoa khu vực và các Trạm y tế xã, phường, thị trấn cũng được đầu tư cơ bản. Song, điều đáng quan tâm là việc thay đổi nhận thức để làm sao người dân chủ động tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình để phòng thân khi không may gặp các vấn đề về sức khỏe.
Lâu nay người dân không có thói quen dự phòng bệnh tật, nghĩa là chỉ khi nào có bệnh thật sự họ mới đi khám bệnh, mới vội vàng tham gia BHYT. Còn trước đó, họ ít quan tâm đến sức khỏe của mình, không có tính phòng ngừa bệnh tật. Người dân có thể chi hàng trăm triệu đồng thậm chí có trường hợp chi hàng tỷ đồng để điều trị bệnh khi không may bị mắc bệnh nặng như ung thư, tim mạch, bệnh mãn tính, bệnh chữa trị dài ngày… nhưng chỉ với hơn tám trăm nghìn đồng/người/năm đối với người đầu tiên trong hộ gia đình và giảm trừ từ người thứ hai trở đi khi cả gia đình cùng tham gia BHYT, chỉ với số tiền như thế nhưng mọi chi phí khi đi khám, chữa bệnh (KCB) hoặc nằm điều trị nội trú đều được quỹ BHYT chi trả. Chị Trần Thị Hường ở xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc nói: “Nhà tôi kinh tế còn khó khăn nhưng tôi thường xuyên bị bệnh, sợ không có tiền để chữa trị bệnh lâu dài nên tôi đã tham gia BHYT cả gia đình bốn người, khi nào thấy đau ốm trong người thì đến trạm y tế xã khám và xin thuốc, nếu đau nặng thì mới xin chuyển đến bệnh viện tuyến trên”.
Để dần thay đổi nhận thức của phần lớn người dân về việc chủ động phòng, chống bệnh tật, ngành y tế huyện đã triển khai nhiều hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức về sức khỏe để người dân hiểu và biết cách bảo vệ bản thân trước bệnh tật, nhất là những bệnh có nguy cơ lây truyền trong cộng đồng. Bác sĩ Thông Minh Lý, Trưởng Phòng khám Đa khoa khu vực Đông Giang cho biết: “Riêng đối với người dân ở xã Đông Giang, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức của họ về việc phòng, chống bệnh tật cũng như vận động họ nên tham gia BHYT hộ gia đình để phòng thân. Vì vậy, người dân ở đây biết cách phòng, tránh bệnh và nhiều năm qua không để xảy ra dịch bệnh”. Nhờ thường xuyên tuyên truyền đến từng hộ dân cùng với tác động của truyền thông đại chúng, người dân nông thôn dần thay đổi nhận thức chủ động tham gia BHYT để được KCB khi mắc bệnh. Hiện nay số lượng thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại Phòng khám Đa khoa khu vực Đông Giang đã là 3.868 thẻ.
Công tác tuyên truyền trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc được tổ chức thường xuyên đến tận khu dân cư về tính ưu việc của chính sách BHYT để người dân nắm và hiểu quyền lợi khi tham gia. Bác sĩ Lý cho biết thêm: “Cơ quan Bảo hiểm xã hội đã triển khai bằng nhiều hình thức tuyên truyền như qua hệ thống loa phát thanh, phát tờ rơi, tọa đàm, nói chuyện trực tiếp... về chính sách BHYT, những kiến thức cần thiết về chăm sóc sức khỏe được phổ biến đến nhiều người dân vùng nông thôn, miền núi ở xã Đông Giang nói riêng và huyện Hàm Thuận Bắc nói chung. Theo thời gian, dần dần nhận thức của người dân cũng thay đổi, họ cũng chủ động hơn trong việc tham gia BHYT để được KCB kịp thời khi gặp các vấn đề về sức khỏe”.
Đặng Minh Thông
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Thông báo: Dừng khám chữa bệnh BHYT tại Phòng khám Thiên ...
Tổng kết công tác thi đua khen thưởng năm 2024 và triển ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Thuận 30 năm xây dựng và phát ...
Kết quả công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra thực thi ...
Bình Thuận triển khai chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?