Hướng ứng tháng 5 - vận động triển khai BHXH toàn dân. Phát triển Bảo hiểm xã hội vì mục tiêu an sinh xã hội
10/05/2023 09:09 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Hiện nay, chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) được thực hiện với hai loại hình BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Trong đó, chính sách BHXH bắt buộc có vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ với người lao động (NLĐ) mà còn cả với doanh nghiệp (DN).
Tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện
Chính sách BHXH ngoài việc giúp NLĐ ổn định cuộc sống ngay khi đang làm việc, còn trợ giúp NLĐ khi không còn khả năng lao động thông qua thụ hưởng các chế độ: Ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất. Còn đối với doanh nghiệp, việc NLĐ được tham gia chính sách BHXH đầy đủ sẽ có thêm động lực để phát triển sản xuất, kinh doanh. BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) là hai chính sách nhân văn, ưu việt giữ vai trò trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội (ASXH) quốc gia. Chính sách BHXH, BHYT do Nhà nước tổ chức, thực hiện, hoạt động vì mục đích ASXH, không vì lợi nhuận nhằm ổn định lâu dài đời sống người dân, người lao động bảo đảm mọi công dân đều được thụ hưởng các quyền lợi an sinh và được khám chữa bệnh (KCB), hưởng quyền lợi các dịch vụ kỹ thuật y tế, thuốc… do quỹ BHYT chi trả.
Cùng với BHXH bắt buộc thì chính sách BHXH tự nguyện được thực hiện từ năm 2008 nhằm tạo cơ hội cho mọi NLĐ ở khu vực phi chính thức được tham gia BHXH. Chính sách BHXH tự nguyện được thực hiện đã đem lại lợi ích rất rõ, giúp tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được chính sách hưu trí và được cấp thẻ BHYT miễn phí khi hết tuổi lao động. Chế độ hưu trí trong chính sách BHXH luôn có lợi cho NLĐ với mức hưởng cao hơn nhiều so với mức đóng góp. Mức hưởng lương hưu không phải cố định mà định kỳ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế để đảm bảo cuộc sống người hưởng lương hưu. Từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã thực hiện 22 lần điều chỉnh lương hưu và trong thời điểm khó khăn nhất do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng lương hưu vẫn được điều chỉnh hợp lý. Do đó, người hưởng lương hưu luôn có cuộc sống ổn định.
Tại Bình Thuận trong hơn 5 năm qua thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, số người tham gia BHXH tăng trưởng hàng năm: Năm 2018 là 95.581 người, đến năm 2022 là 107.921 người, tăng 12,9% so với năm 2018, tỷ lệ tăng bình quân 3,22%/năm (trong đó tham gia BHXH tự nguyện năm 2018 là 1.254 người, đến năm 2022 là 10.623 người, tăng 8,47 lần). Tỷ lệ bao phủ BHXH bằng 14,46% lực lượng lao động (LLLĐ) trong độ tuổi, trong đó BHXH tự nguyện đạt 1,58% (vượt chỉ tiêu mà Nghị quyết 28-NQ/TW đề ra). Đến đầu tháng 4/2023 tỷ lệ bao phủ BHXH đạt 15,64 % LLLĐ, trong đó BHXH tự nguyện chiếm 1,45% LLLĐ.
Tuy nhiên, các địa phương vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách BHXH, như: Tỷ lệ bao phủ BHXH vẫn còn thấp so với mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự chủ động, quyết liệt, kịp thời, nên hiệu quả chưa cao. Công tác tuyên truyền, vận động để người dân tiếp cận, nắm bắt kịp thời thông tin về chính sách BHXH có lúc, có nơi chưa sâu rộng, nội dung chưa thật sự phù hợp. Những đơn vị mới thành lập chưa quan tâm đến chế độ, chính sách BHXH, nên không đăng ký tham gia đóng bảo hiểm cho NLĐ. Mức hỗ trợ của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp; nguồn ngân sách địa phương còn hạn chế, chưa hỗ trợ thêm mức đóng ngoài mức quy định của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện; chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn. Mặt khác, tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; tác động lớn đến đời sống kinh tế-xã hội của người dân địa phương…
Để khắc phục những hạn chế nói trên, ngành BHXH đang tích cực phối hợp với các ngành liên quan và các địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để tăng số người tham gia BHXH. Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh công tác truyên truyền, vận động thực hiện chính sách BHXH, BHYT; động viên và nâng cao ý thức trách nhiệm người dân, người lao động và người sử dụng lao động trong việc chủ động tham gia các chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước. Tuyên truyền để người dân hiểu rõ ý nghĩa to lớn của việc tham gia BHXH, BHYT. Thực tế đã minh chứng, trong thời gian qua, nhiều người có thẻ BHYT bị mắc các bệnh hiểm nghèo, bệnh nặng đã được quỹ BHYT chi trả hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng chi phí KCB BHYT, nhờ đó giúp nhiều người bệnh có thêm động lực, niềm tin tiếp tục điều trị bệnh, giúp nhiều gia đình không bị tái nghèo do không phải chi trả các khoản chi phí “khổng lồ” của việc KCB cho người thân. Tuyên truyền cho người dân hiểu rõ BHXH tự nguyện là chính sách ưu việt, nhân văn của Đảng và Nhà nước. Tham gia BHXH tự nguyện, người dân không chỉ được hỗ trợ mức đóng mà còn được hưởng nhiều quyền lợi thiết thực. Để chính sách hấp dẫn hơn, mới đây tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), các cơ quan chức năng đề xuất mở rộng, bổ sung chế độ, tăng quyền lợi cho người tham gia BHXH tự nguyện. Theo dự thảo Luật, số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí sẽ giảm từ 20 năm xuống 15 năm, nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục nên có thời gian đóng BHXH ngắn được hưởng lương hưu. Bên cạnh đó, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cũng đề xuất bổ sung chế độ thai sản vào nhóm quyền lợi mà người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng khi lao động nữ sinh con hoặc khi lao động nam đang đóng BHXH mà có vợ sinh con…
N.H
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Tổng kết Cụm thi đua BHXH cấp huyện năm 2024
Thông báo thời điểm được thay đổi nơi đăng ký khám bệnh, ...
Tổng kết công tác thi đua khen thưởng năm 2024 và triển ...
Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Thuận 30 năm xây dựng và phát ...
Kết quả công tác thanh tra chuyên ngành, kiểm tra thực thi ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?