Tăng cường giải pháp để giảm thiểu tiền chậm đóng của doanh nghiệp
12/09/2023 03:18 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) kéo dài tại các đơn vị, doanh nghiệp không chỉ gây khó khăn cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội mà còn hệ lụy trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Các doanh nghiệp may xuất khẩu vẫn gặp khó khăn hậu dịch covid-19
Theo quy định của pháp luật thì việc giải quyết chế độ BHXH dựa theo nguyên tắc “đóng – hưởng”. Khi đơn vị, doanh nghiệp thực hiện đúng nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động (NLĐ), thì sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ của đơn vị, cơ quan BHXH có trách nhiệm giải quyết chế độ BHXH cho NLĐ khi NLĐ không may bị ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; trợ cấp BH thất nghiệp; giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất…Tất cả các chế độ đó, NLĐ chỉ được giải quyết sau khi đơn vị hoàn thành nghĩa vụ đóng BHXH cho NLĐ.
Tại Bình Thuận, thời gian qua mặc dù đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm tăng cường công tác thu, giảm nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN) nhưng tình trạng chậm đóng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn ở mức cao. Đến đầu tháng 9/2023, số tiền chậm đóng phải thu trong toàn tỉnh là 200.047 triệu đồng. Tỷ lệ chậm đóng phải thu là 6,68% (cao hơn 1,88% so chỉ tiêu được giao). Số tiền chậm đóng tăng 21.015 triệu đồng, tương ứng tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng lưu ý là tất cả các đơn vị, địa phương đều có tỷ lệ chậm đóng cao.
Nguyên nhân là do một bộ phận chủ doanh nghiệp chưa ý thức hết trách nhiệm của mình trong việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT; chưa kịp thời đóng tiền phát sinh hàng tháng; số tiền chậm đóng phải thu dưới 3 tháng lên tới 30.667 triệu đồng, chiếm 15,3% số tiền chậm đóng phải thu. Nhiều doanh nghiệp ngành chế biến hải sản, xây dựng, chế biến gỗ, may xuất khẩu…chưa khắc phục được số tiền chậm đóng phát sinh trước và trong giai đoạn xảy ra dịch bệnh Covid-19, nay tiếp tục gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nên để tiền chậm đóng kéo dài (tiền chậm đóng kéo dài từ 3 tháng trở lên là 90.739 triệu đồng, chiếm 45,4% trên tổng số tiền chậm đóng). Trong đó, có 15 đơn vị chậm đóng số tiền từ 1 tỷ đến trên 9 tỷ đồng/đơn vị với tổng số tiền 58 tỷ đồng, như: Công ty TNHH Thanh Nguyên (chậm đóng 54 tháng); công ty cổ phần Giao thông Bình Thuận (chậm đóng 40 tháng); công ty TNHH Phân bón Hữu cơ Greenfield (chậm đóng 66 tháng); công ty CP Chế biến Thủy Hải Sản Kỳ Lân (chậm đóng 34 tháng); Chi nhánh Bình Thuận - Công ty TNHH INNOLUX Footwear Việt Nam (chậm đóng 18 tháng); công ty CP KTKS và SX VLXD Trung Nguyên (chậm đóng 21 tháng); công ty CP Zirconium Titanium Hưng Thịnh (chậm đóng 9 tháng); công ty TNHH Đầu tư Tân Hà (chậm đóng 7 tháng)… Các doanh nghiệp này đã được tiến hành thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính, nhưng vẫn chưa có giải pháp xử lý hiệu quả. Mặt khác, hiện toàn tỉnh có 169 đơn vị phá sản, giải thể, mất tích, ngừng hoạt động với tổng số tiền chậm đóng 13.178 triệu đồng, chiếm 6,6% trên tổng số tiền chậm đóng, nhưng chưa có văn bản hướng dẫn xử lý của cơ quan có thẩm quyền. Qua rà soát, hiện còn 125 đơn vị ngừng giao dịch với cơ quan BHXH, với số tiền chậm đóng 4.790 triệu đồng, BHXH tỉnh, cùng các địa phương tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát và lập hồ sơ đơn vị ngừng hoạt động theo quy định…
Trước thực trạng nói trên, ngành BHXH đã phối hợp với địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để kéo giảm nợ từ các doanh nghiệp. Ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người sử dụng lao động và người lao động thực hiện nghiêm luật BHXH, BHYT thì cơ quan BHXH đã thông báo kết quả đóng BHXH, đôn đốc, thu tiền chậm đóng cho 4.137 đơn vị; tổ chức thu trực tiếp tại 720 đơn vị, số tiền các đơn vị thu sau đôn đốc 69.550 triệu đồng. Mặt khác, thực hiện hậu kiểm tại 305 đơn vị sử dụng lao động. Phối hợp thanh tra đột xuất 30 đơn vị chậm đóng kéo dài. Qua thanh tra các đơn vị đã khắc phục số tiền 6.783 triệu đồng chậm đóng (tỷ lệ khắc phục đạt 43,3%). Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế tỉnh xác minh tình trạng của 171 đơn vị SDLĐ tham BHXH bắt buộc ngừng giao dịch với cơ quan BHXH (đã giải thể; phá sản; không còn tại địa chỉ đăng ký sản xuất kinh doanh; ngừng hoạt động) để lập hồ sơ quản lý đơn vị ngừng hoạt động theo quy định.
Thời gian còn lại của năm 2023 không nhiều, việc tăng cường các giải pháp nhằm giảm thiểu tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, chính sách an sinh xã hội được giao năm 2023.
H.Nhật
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Phát huy vai trò cán bộ không chuyên trách trong việc tuyên ...
BHXH Việt Nam: Công bố quyết định về công tác cán bộ
BHXH tỉnh Bình Thuận: Đổi mới truyền thông để phủ rộng lưới ...
Nâng cao nhận thức, kỹ năng tuyên truyền chính sách BHXH, ...
Tuyến y tế cơ sở đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh bảo hiểm y ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?