Chuyện tranh thủ: "Cà phê việc làm" ở Vĩnh Long
02/10/2024 03:54 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Theo ông Nguyễn Quốc Thanh- Phó Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh Vĩnh Long, mỗi năm Trung tâm tổ chức 8-10 lần “Cà phê việc làm” tại KCN Hòa Phú. Mỗi lần tổ chức thu hút khoảng 200 NLĐ đã nghỉ việc và đang làm thủ tục nhận BH thất nghiệp. “Mỗi NLĐ sẽ được mời một ly cà phê. Trong lúc cà phê với không khí thân tình ấy, chúng tôi sẽ cùng trao đổi về công ăn việc làm trong tương lai và nhu cầu hướng nghiệp học nghề… Ly cà phê ấy xóa mờ ranh giới hành chính, giúp chúng tôi gần gũi nhau hơn, trò chuyện dễ hơn, nên hiệu quả tư vấn cũng cao hơn nhiều”- ông Thanh thông tin.
Cũng theo ông Thanh, những buổi “Cà phê việc làm” có sự tham gia của đại diện nhiều DN, cơ sở đào tạo nghề, đặc biệt là đại diện cơ quan BHXH, vì NLĐ rất quan tâm tới quyền lợi BHXH, BHYT. “Để phục vụ NLĐ trọn vẹn nhất, từ năm 2021 trở lại đây, lúc nào tổ chức “Cà phê việc làm”, chúng tôi cũng mời đại diện BHXH tỉnh tham gia”- lãnh đạo Trung tâm DVVL tỉnh cho biết thêm.
Trong khi đó, theo đại diện BHXH tỉnh Vĩnh Long, thời điểm nhận BH thất nghiệp cũng chính là thời khắc “cửa sổ” trong quyết định rời khỏi hay ở lại lưới an sinh của NLĐ. Bởi vậy, các cán bộ Phòng Truyền thông (BHXH tỉnh Vĩnh Long) xác định phải luôn tranh thủ hiện diện tại “Cà phê việc làm” để giúp NLĐ có quyết định đúng, để bảo toàn quá trình tham gia BHXH hoặc tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện, với quyết tâm đi tới cùng hành trình có lương hưu cho mình.
Một buổi sáng tại “Cà phê việc làm”, đối diện với chị Huỳnh Thị Thúy Triều- cán bộ Phòng Truyền thông (BHXH tỉnh Vĩnh Long) là nữ công nhân Nguyễn Thị Trang Thanh (sinh năm 1982, TP.Vĩnh Long)- người đã tham gia BHXH bắt buộc được 6 năm 11 tháng. Chị Thanh dự định sau khi nhận BH thất nghiệp xong, chờ đến khi đủ thời gian theo quy định sẽ rút BHXH một lần. Bên ly cà phê, sau khi được chị Thúy Triều phân tích thiệt hơn và đưa ra lời khuyên, Trang Thanh đã từ bỏ ý định rút BHXH một lần và quyết định tham gia tiếp BHXH tự nguyện ngay tại chỗ.
Hồi cuối tháng 8/2024, tại Trung tâm DVVL tỉnh Vĩnh Long, chị Thúy Triều gặp Nguyễn Thị Thúy An- cô công nhân cũng vừa nghỉ việc hôm 11/8. Trong lúc chờ thực hiện thủ tục hưởng BH thất nghiệp, Thúy An cảm thấy khá thân thiết khi trò chuyện với chị Thúy Triều. Thúy An tham gia BHXH đã được hơn 8 năm, còn ông xã là Lê Minh Tuấn tham gia được hơn 11 năm. “Gia cảnh cũng đương lúc túng bấn, nên dự định rút BHXH một lần cho cả hai vợ chồng”- Thúy An trải lòng.
Nghe vậy, chị Thúy Triều vừa chia sẻ, vừa phân tích thiệt hơn và gợi ý phương án “1 nuôi 1”- tức nếu thực sự kẹt quá phải rút BHXH một lần thì chỉ một người mà thôi, để người còn lại tiếp tục hướng tới tương lai là có lương hưu. Thấy có lý, Thúy An bèn trao đổi với chồng và quyết định để chồng tiếp hành trình lo lương hưu cho tuổi già bằng cách tham gia BHXH tự nguyện. “Nghe vợ chồng An tính vậy, mình thấy mừng lắm. Không thể giữ cả hai trong lưới an sinh, thì mình cũng giúp gia đình này giữ được một người. An còn trẻ nên cơ hội trở lại lưới an sinh với BHXH bắt buộc vẫn còn rộng mở...”- chị Thúy Triều chia sẻ thêm.
Tìm đến “Cà phê việc làm”, mỗi người mang trong mình một suy nghĩ khác nhau. Chị Đặng Thị Mỹ Loan (sinh 1973, huyện Bình Minh) luôn nghĩ mình đã hết cơ hội tìm được việc làm mới. Còn chị Phạm Thị Út Nhỏ (sinh 1976, huyện Long Hồ) thì nghĩ “rút BHXH một lần là cách hốt hụi gầy vốn để tạo kế sinh nhai”... Khi đã cận kề tuổi nghỉ hưu, những nữ công nhân này thường có quá trình tham gia BHXH dài, như chị Nhỏ đã tham gia hơn 12 năm… Do chưa hiểu rõ chính sách, nên trong lúc khó khăn trước mắt, nhiều người thường nghĩ đến việc rút BHXH một lần.
“Nhiều chị đã gần chạm ngưỡng hưu trí, cả tuổi đời lẫn số năm tham gia. Có anh công nhân đã tham gia BHXH 18 năm mấy tháng. Mình phải lựa lời khuyên giải, vừa nhấn nhá liên tục tác động tích cực của việc có tiền hưu trí hằng tháng tới cuộc sống lúc hết tuổi lao động, vừa hướng dẫn chi tiết cách thức tham gia BHXH tự nguyện cho đủ thời gian theo quy định. Rồi lại phải động viên ráng thêm ít năm vượt khó thì sẽ đến lúc hái thành quả. Thật đáng mừng là đa số anh chị đều hồi tâm chuyển ý, hướng tới trái ngọt sau này…”- chị Thúy Triều chia sẻ thêm.
Ngoài chị Thúy Triều, nhân sự còn lại của Phòng Truyền thông (BHXH tỉnh Vĩnh Long) là anh Mạc Phong An và Nguyễn Thế Nguyên, cùng với Trưởng phòng Nguyễn Chí Dũng, cũng đều tranh thủ tham gia tư vấn chính sách BHXH, BHYT tại “Cà phê việc làm”. “Tính ra, nơi anh chị em công nhân đang thực hiện thủ tục hưởng BH thất nghiệp, mầm an sinh lớn nhất nhờ quá trình tham gia BHXH bắt buộc sẵn có. Nhỏ to tâm sự, thuyết phục thành công trường hợp nào là mầm an sinh sẽ nảy nở và rất sớm tới lúc gặt hái, qua đó an sinh xã hội của tỉnh nhà thêm vững bền...”- anh Nguyễn Chí Dũng giải thích.
Nhờ nỗ lực trên của Phòng Truyền thông, rất nhiều NLĐ ở Vĩnh Long đã quyết định không rút BHXH một lần, mà tham gia tiếp BHXH tự nguyện hoặc tìm kiếm việc làm để tham gia tiếp BHXH bắt buộc.
Cũng theo lãnh đạo Phòng Truyền thông (BHXH tỉnh Vĩnh Long), ngoài phối hợp tư vấn chính sách BHXH, BHYT tại “Cà phê việc làm” hoặc tại trụ sở Trung tâm DVVL tỉnh, hai bên còn phối hợp chặt chẽ và thường xuyên tư vấn chính sách tới NLĐ trong các DN. “Trung tâm DVVL tỉnh Vĩnh Long và Phòng Truyền thông BHXH tỉnh luôn gắn bó, đồng hành để làm tốt nhất nhiệm vụ riêng của từng bên, cũng như nhiệm vụ chung là hướng người tham gia BHXH bắt buộc tới quyền lợi hữu ích và lâu dài nhất...”- ông Dũng nhấn mạnh.
Bài: Song Giang Đồ họa: Thanh An
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT cho cán bộ phụ nữ cơ sở
Phát huy vai trò cán bộ không chuyên trách trong việc tuyên ...
BHXH Việt Nam: Công bố quyết định về công tác cán bộ
BHXH tỉnh Bình Thuận: Đổi mới truyền thông để phủ rộng lưới ...
Nâng cao nhận thức, kỹ năng tuyên truyền chính sách BHXH, ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?