ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG KHÁM, CHỮA BỆNH BHYT
29/10/2019 11:29 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sau hơn 3 năm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý khám, chữa bệnh (KCB) và thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT), 100% cơ sở y tế của tỉnh đã tổ chức khám, chữa bệnh bằng phần mềm. Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp quản lý tốt và thúc đẩy khám, chữa bệnh hiệu quả, công bằng hơn.
Năm 2016, tất cả các cơ sở KCB của tỉnh hoạt động khám, chữa bệnh hầu như kê đơn thuốc cho người bệnh được viết tay trên giấy và quản lý bằng sổ sách. Hiện tại, mọi hoạt động đã được thực hiện trên máy tính và phần mềm quản lý khám, chữa bệnh. Y sĩ Nguyễn Thị Phi Khánh, Trạm Y tế xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, chia sẻ: “Trước đây, khi chưa triển khai phần mềm khám, chữa bệnh, một người ngồi khám bệnh, một người ngồi ghi sổ sách, bây giờ chỉ cần mở máy tính lên và nhập thông tin bệnh nhân, ra đơn thuốc cũng ở trên phần mềm, tiện lợi rất nhiều bởi có thể biết được thuốc nào còn, thuốc nào hết trong kho để cho bệnh nhân. Đơn thuốc được in ra rõ ràng và tránh sai sót”. Ông Lê Văn Thanh, cư trú thôn Phú Hưng xã Hàm Mỹ nói: “Tôi cũng thường đến trạm y tế xã để khám bệnh, đến đây không phải chờ đợi lâu. Cán bộ y tế khám rồi in đơn thuốc, tôi qua nơi cấp thuốc nhận thuốc rồi về. Bệnh thông thường tôi đến đây khám cho gần”. Không còn sử dụng giấy và viết tay, giảm được thời gian chờ đợi và việc kê đơn rõ ràng là hiệu quả mang lại sau 3 năm triển khai phần mềm khám, chữa bệnh ở y tế xã, phường, thị trấn.
Không chỉ có Trạm Y tế xã Hàm Mỹ, Hàm Thuận Nam mà tại tất cả các trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực khác ở trên địa bàn tỉnh Bình Thuận cũng đã triển khai phần mềm quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) mấy năm nay. Hiện tại, phần mềm đã liên thông dữ liệu giữa các cơ sở khám, chữa bệnh, liên thông dữ liệu với hệ thống phần mềm giám định BHYT của cơ quan Bảo hiểm xã hội trên toàn quốc để tránh người dân khám nơi này rồi sang cơ sở khác khám mà không quản lý được. Ông Cao Văn Đề, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hàm Thuận Nam, cho biết: “Các trạm y tế xã thực hiện hơn 3 năm qua đã cơ bản thạo phần mềm. Hoạt động khám, chữa bệnh được thực hiện thuận lợi hơn. Tại trung tâm y tế cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT với khá nhiều phần mềm được đưa vào sử dụng, trong đó có phần mềm quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT. Qua việc ứng dụng này giúp quản lý tốt được công tác khám, chữa bệnh ở tuyến y tế cơ sở, nâng cao chất lượng hiệu quả phục vụ, tăng sự hài lòng của người bệnh”.
Theo TS. BS. Đặng Thức Anh Vũ, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh, đến thời điểm hiện tại 100% cơ sở khám, chữa bệnh của tỉnh đã triển khai phần mềm quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT theo đúng quy định và đều chiết xuất được dữ liệu đầu ra để báo cáo theo yêu cầu. TS. Vũ khẳng định: “Kết quả giám định trực tuyến bảo hiểm y tế, hồ sơ gửi đúng hạn của tỉnh đạt trên 95%.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin thời gian qua đã đem lại hiệu quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn không ít khó khăn do đầu tư chưa tương xứng với nhu cầu, đặc biệt là cơ sở hạ tầng nên đôi khi chưa đáp ứng được. Phần mềm đem lại nhiều thuận lợi trong hoạt động khám, chữa bệnh ở cơ sở, tuy nhiên đôi khi vẫn còn chạy chậm phải chờ đợi do máy tính chưa đảm bảo cấu hình, máy đã cũ, đường truyền chậm... đôi khi do sự cố cúp điện. Trước khi triển khai phần mềm, cán bộ đều được tập huấn, hướng dẫn, tuy nhiên với một số cán bộ y tế đã lớn tuổi thì việc sử dụng còn chưa thành thạo. Đây là những khó khăn khắc phục trong thời gian tới.
Theo định hướng của các cơ sở khám, chữa bệnh, hoạt động khám, chữa bệnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin hướng đến xây dựng bệnh án điện tử và bệnh viện thông minh. Tuy nhiên, trước hết cần tháo gỡ những khó khăn hiện tại, cần tiếp tục đầu tư về cơ sở hạ tầng, về kinh phí, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin của cán bộ y tế, đẩy mạnh tuyên truyền trong ngành y tế và các cơ sở bán thuốc tư nhân, cần có cơ chế về trả phí và thống nhất liên thông giữa các phần mềm, cần quan tâm đầu tư nhiều hơn để triển khai bệnh viện thông minh, bệnh án điện tử ở các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện, tỉnh. Ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực khám, chữa bệnh là hết sức cần thiết trong ngành y tế, là đòn bẫy để nâng chất lượng chăm sóc, quản lý sức khỏe người dân, là tiền đề để quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế hiệu quả, minh bạch.
Đặng Minh Thông
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?