Ngành Bảo hiểm xã hội chung tay xây dựng nông thôn mới
14/05/2020 10:25 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bảo hiểm y tế là tiêu chí số 15 trong 19 bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Thời gian qua ngành Bảo hiểm xã hội Bình Thuận đã có nhiều đóng góp về chính sách BHYT cho người dân. Để hiểu thêm về chính sách này, BBT Website đã có cuộc trao đổi cùng bà Lê Thị Hồng Vân – Phó Giám đốc BHXH Bình Thuận xoay quanh các chính sách về BHYT.
Thưa bà, bà có thể đánh giá một số kết quả đạt được trong phong trào thi đua "Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2016-2020 của BHXH Bình Thuận?
Phó Giám đốc Lê Thị Hồng Vân: Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của Ngành và địa phương tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2016- 2020. BHXH tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức quán triệt nội dung, triển khai kế hoạch thực hiện Quyết định số 1980/QĐ-TTg, ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí Quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016-2020, Quyết định số 1167/QĐ-TTg, ngày 28/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu thực hiện BHYT giai đoạn 2016-2020, Đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân và chiến lược phát triển Ngành BHXH Việt Nam đến năm 2020; Gắn phong trào thi đua Cả nước chung sức xây dựng NTM cùng Phong trào thi đua thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020” để tạo ra bước chuyển quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên cả nước.
Ngành Bảo hiểm xã hội cùng ngành Y tế đảm nhận Tiêu chí 15.1 trong bộ tiêu chí xây dựng NTM, các xã về đích NTM đảm bảo tỷ lệ tham gia BHYT phải đạt từ 85% dân số trở lên.
Qua 4 năm triển khai thực hiện chính sách BHYT theo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM và đề án BHYT toàn dân, lãnh đạo các địa phương đã quan tâm chỉ đạo thường xuyên nên cả hệ thống chính trị đã vào cuộc. BHXH đã chủ động tham mưu với UBND các cấp ban hành Kế hoạch giao chỉ tiêu phát triển BHXH, tỷ lệ bao phủ BHYT cho toàn tỉnh xem như chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội hàng năm; tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ mức đóng BHYT cho một số đối tượng từ nguồn ngân sách địa phương... BHXH tỉnh luôn phối hợp Cấp ủy, chính quyền địa phương; các sở, ngành, tổ chức chính trị xã hội trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên các địa bàn của tỉnh.
Từ BHXH tỉnh, BHXH các huyện, thị xã luôn phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo Xây dựng NTM, theo dõi, tích cực đôn đốc thực hiện tiêu chí 15.1; Tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp như: Đẩy mạnh công tác thông tin, vận động, tuyên truyền, phù hợp các nhóm đối tượng; Phối hợp với từng địa bàn đẩy mạnh rà soát số người chưa tham gia để phát triển; Cải cách tổ chức đại lý thu; cấp đổi thẻ BHYT thuận lợi cho người tham gia BHYT; Đào tạo đội ngũ công chức, viên chức trong ngành ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin để chuyên nghiệp về nghiệp vụ, phong cách phục vụ chuẩn mực, có trách nhiệm cao trong thực thi nhiệm vụ; Nâng cao công tác giám định BHYT để quản lý Quỹ BHYT, Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, ngăn ngừa, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trục lợi về chế độ chính sách.
- Kết quả tham gia BHYT từ 2016-2019 tăng hàng năm, tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân vượt chỉ tiêu theo lộ trình.
+ Năm 2016: Số người tham gia BHYT là 841.303 người (bao gồm 10.275 thẻ BHYT của thân nhân quân nhân trên địa bàn do BHYT Bộ Quốc phòng cấp), tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân của tỉnh là 69,46%, vượt 1,0% so với chỉ tiêu Chính phủ giao trong năm 2016;
+ Năm 2017: Số người tham gia BHYT là 1.000.496 người (bao gồm 10.964 thẻ BHYT của thân nhân quân nhân trên địa bàn do BHYT Bộ Quốc phòng cấp và 56.495 người dân của tỉnh Bình Thuận đi lao động, học tập ngoài tỉnh có thẻ BHYT), tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân của tỉnh là 81,3%, vượt 6,3% so với chỉ tiêu Chính phủ giao trong năm 2017;
+ Năm 2018: Số người tham gia BHYT là 1.025.027 người (bao gồm 56.495 người dân Bình Thuận đi lao động, học tập ngoài tỉnh có thẻ BHYT và 10.017 thẻ BHYT của thân nhân quân nhân trên địa bàn do BHYT Bộ Quốc phòng cấp), tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân của tỉnh là 82,7%, vượt 1,7% so với chỉ tiêu Chính phủ giao năm 2018;
+ Năm 2019: Số người tham gia BHYT là 1.061.660 người (bao gồm 70.646 người dân Bình Thuận đi học tập và lao động ngoài tỉnh được cấp thẻ BHYT và 10.785 thẻ BHYT của thân nhân quân nhân trên địa bàn do BHYT Bộ Quốc phòng cấp), tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân của tỉnh là 86,2%, vượt 0,2% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao năm 2019.
- Tính đến 31/12/2019, toàn tỉnh có 59/96 xã hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã được UBND tỉnh công nhận, chiếm tỷ lệ 61,4%. Trong đó tiêu chí 15.1 hoàn thành và đạt tỷ lệ theo yêu cầu của Chương trình. Riêng huyện Phú Quý được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM từ năm 2015 tại Quyết định số 1916/QĐ-TTg ngày 05/10/2016.
Lợi ích khi tham gia BHYT là gì, thưa bà?
Phó Giám đốc Lê Thị Hồng Vân: BHYT là một chính sách xã hội do Nhà nước tổ chức thực hiện, nhằm huy động sự đóng góp của cộng đồng để chia sẻ rủi ro bệnh tật và giảm bớt gánh nặng tài chính nặng của mỗi gia đình có người ốm đau, bệnh tật, đây cũng là nguồn tài chính hỗ trợ cho hoạt động y tế cộng đồng, thực hiện chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhiều người nhờ vào BHYT mà vượt qua được giai đoạn khó khăn khi chẳng may mắc bệnh, khi điều trị bệnh với chi phí cao.
Theo quy định hiện hành, Các dịch vụ và chi phí y tế được Quỹ BHYT thanh toán cho người có thẻ gồm có khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng; khám thai định kỳ; sinh con; thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế trong danh mục của Bộ Y tế. Người tham gia BHYT có những quyền lợi sau:
- Người có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh được Quỹ BHYT trả toàn bộ hoặc một phần tiền khám, chữa bệnh (tỷ lệ chi trả phụ thuộc vào việc chữa bệnh đúng tuyến hay trái tuyến) theo danh mục quy định; được cán bộ có chuyên môn y tế khám bệnh, chữa bệnh; được chuyển đến bệnh viện tuyến trên khi bệnh nặng.
- Trường hợp người có thẻ đang điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh nhưng thẻ BHYT hết hạn thì Quỹ BHYT thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng theo chế độ quy định cho đến khi ra viện hoặc hết đợt điều trị ngoại trú.
- Người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên, nếu khám chữa bệnh đúng tuyến và số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (tương đương với 8.940.000 đồng) thì tập hợp chứng từ gửi cơ quan BHXH chi trả phần vượt và cấp giấy miễn đồng chi trả cho những lần sau trong năm.
Được biết, hiện nay UBND tỉnh có văn bản trình HĐND hỗ trợ 10% mức đóng BHYT cho các đối tượng thuộc hộ gia đình cận nghèo. Nội dung này ra sao, sẽ áp dụng khi nào, thưa bà?
Phó Giám đốc Lê Thị Hồng Vân: Ngày 06/5/2020, UBND tỉnh có Công văn số 1666/UBN-KGVXNV gửi Thường trực Tỉnh uỷ Bình Thuận xin chủ trương về việc hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho các đối tượng thuộc gia đình hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh.
Trong những năm qua, BHXH tỉnh đã phối hợp thực hiện vận động và cấp thẻ BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo quy định tại Nghị định số 146/2018/NĐ- CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và Quyết định số 3065/QĐ-UBND ngày 18/10/2016 của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh quy định mức đóng BHYT cho các đối tượng thuộc Hộ gia đình cận nghèo trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, theo đó Hộ cận nghèo được ngân sách nhà nước hỗ trợ 90% mức đóng BHYT (trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 70% mức đóng, ngân sách tỉnh hỗ trợ 20% mức đóng). Còn 10% mức đóng thì vận động người dân thuộc hộ cận nghèo tham gia mua
Tuy nhiên qua nhiều năm vận động tham gia BHYT của người thuộc hộ cận nghèo cũng rất khó khăn, nhiều địa phương phải vận động mạnh thường quân hỗ trợ, và thẻ được cấp có hạn sử dụng ngắn, quyền lợi về chính sách BHYT của người thuộc hộ cận nghèo cũng chưa được thụ hưởng đầy đủ, liên tục.
Năm 2020, số người thuộc Hộ gia đình cận nghèo được phê duyệt là 58.875 người (Quyết định số 280/QĐ-UBND, ngày 05/02/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh); số người thuộc Hộ gia đình cận nghèo đã tham gia BHYT đến 31/01/2020 là 43.245 người, số người chưa tham gia cần hỗ trợ trong năm 2020 là 15.630 người. Như vậy, dự kiến ngân sách địa phương hỗ trợ 30% mức đóng BHYT cho đối tượng thuộc Hộ gia đình cận nghèo từ tháng 7/2020 đến hết năm 2020 với số tiền khoảng 2.026 triệu đồng. Năm 2021 dự kiến ngân sách địa phương hỗ trợ 30% mức đóng BHYT với số tiền khoảng 10.076 triệu đồng.
Việc nâng mức hỗ trợ từ ngân sách UBND tỉnh từ 20% (Quyết định số 3065/QĐ-UBND ngày 18/10/2016 của UBND tỉnh) lên 30% mức đóng BHYT cho các đối tượng Hộ cận nghèo là hết sức cần thiết để tạo điều kiện cho 100% các đối tượng thuộc Hộ gia đình cận nghèo có cơ hội để tiếp cận với dịch vụ y tế tốt hơn; gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững của tỉnh giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo.
Sáng ngày 11/5/2020, UBND tỉnh đã thông qua nội dung này với Thường trực Tỉnh ủy để sớm thực hiện các thủ tục cần thiết trình HĐND tỉnh kỳ họp gần nhất việc hỗ trợ thêm 10% mức đóng BHYT cho các đối tượng thuộc Hộ gia đình cận nghèo trên địa bàn tỉnh Bình Thuận./.
NT-HV
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?