Phát triển BHXH tự nguyện theo Nghị quyết 28-NQ/TW: Tạo bước tiến mới
19/06/2020 08:28 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Với dư địa trong phát triển BHXH còn rất lớn, khi gần 67% số lao động trong độ tuổi chưa tham gia BHXH, năm 2020 được lấy là năm bản lề để ngành BHXH phấn đấu BHXH cho mọi NLĐ, trong đó chú trọng phát triển BHXH tự nguyện.
Con số ấn tượng
Báo cáo 2 năm thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW về phát triển BHXH tự nguyện của BHXH Việt Nam cho thấy, nếu như năm 2017, số người tham gia BHXH tự nguyện (trước thời điểm có Nghị quyết 28-NQ/TW) là 224.000 người (tăng hơn 20.300 người, tương ứng tỷ lệ tăng 10% so với năm 2016) thì khi Trung ương ban hành Nghị quyết 28-NQ/TW, số người tham gia BHXH tự nguyện năm 2018 tăng lên trên 277.000 người (tăng hơn 52.900 người, tương ứng tăng 23,6% so với năm 2017) và năm 2019 là gần 574.000 người (tăng 296.700 người, tương ứng tăng 107,1% so với năm 2018), chiếm 1,17% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động. Đặc biệt, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng mới trong năm 2019 bằng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện phát triển được của cả 11 năm trước cộng lại.
Hỗ trợ người dân kê khai thông tin đăng ký tham gia BHXH tự nguyện
Nhận định về kết quả đạt được, BHXH Việt Nam cho rằng, chính sách BHXH tự nguyện đã có những thay đổi rõ rệt, mang lại thuận lợi hơn cho người tham gia như không giới hạn trần tuổi tham gia BHXH; đa dạng, linh hoạt các phương thức đóng; nới rộng thời điểm đóng (trước đây đóng trong nửa đầu của thời gian ứng với phương thức đóng, còn hiện nay nới rộng đóng trong tháng đối với phương thức đóng hằng tháng); quy định mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện phù hợp hơn (thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, trước đây- trước năm 2016- mức thu nhập làm căn cứ đóng thấp nhất phải bằng mức lương tối thiểu chung hoặc mức lương cơ sở)…
Thông tin thêm về nhiệm vụ này, bà Đinh Mai Hạnh- Phó Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam) cho biết: Kể từ ngày 1/1/2018, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Tính đến hết tháng 4/2020, cả nước có 557.727 người tham gia BHXH tự nguyện, trong đó tất cả những người này đều được hỗ trợ từ NSNN, với mức hỗ trợ 15.400 đồng/tháng đối với người tham gia không thuộc hộ nghèo và cận nghèo; 38.500 đồng/tháng đối với người thuộc hộ cận nghèo và 46.200 đồng/tháng đối với người thuộc hộ nghèo. Thời gian người tham gia BHXH tự nguyện được nhận hỗ trợ tối đa từ NSNN là trong vòng 10 năm. “Tổng số tiền NSNN đã hỗ trợ đóng cho đối tượng tham gia BHXH tự nguyện từ năm 2018 đến nay là khoảng 151 tỷ đồng”- bà Hạnh nói.
Ông Trần Hải Nam- Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Việc mở rộng phạm vi bao phủ BHXH là mục tiêu trước mắt và lâu dài để hướng tới BHXH toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội cho mọi NLĐ. Do đó, Nghị quyết 28 đã đặt ra mục tiêu đến năm 2021 đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi. Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ cũng đã quy định, UBND các cấp căn cứ các tiêu chí, phương pháp xây dựng chỉ tiêu được nêu tại Nghị quyết để xây dựng chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tại địa phương, trình HĐND cùng cấp đưa vào chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội hằng năm; đồng thời xây dựng kế hoạch để thực hiện chỉ tiêu đã đề ra.
“Chỉ tiêu BHXH tự nguyện phải đảm bảo tốc độ gia tăng đối tượng tham gia của năm sau ít nhất bằng 30-50% so năm trước. Đến hết năm 2019, cả nước có 15,8 triệu người tham gia BHXH, chiếm 32,2% lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, có 574.000 người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm 1,2% lực lượng lao động trong độ tuổi- hoàn thành sớm hơn một năm so với chỉ tiêu đặt ra tại Nghị quyết 28-NQ/TW”- ông Nam nhấn mạnh.
Cụ thể hóa các hình thức tuyên truyền, vận động
Để vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHXH Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động trực tiếp đến người dân nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tự giác tham gia của họ.
Để thể chế hóa các nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần của Nghị quyết 28, nhiều chuyên gia cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH như: Sửa đổi quy định về điều kiện, thời gian đóng BHXH tự nguyện kết hợp với điều chỉnh cách tính hưởng lương hưu; quy định điều chỉnh tăng và linh hoạt hơn về sự hỗ trợ của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện, nhất là đối tượng nông dân, lao động phi chính thức; quy định điều kiện về tuổi để được hưởng lương hưu giữa nam và nữ cho phù hợp để khuyến khích người nông dân, lao động phi chính thức là nam giới tham gia BHXH tự nguyện.
Đặc biệt, BHXH Việt Nam cũng cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý và thực hiện các hoạt động nghiệp vụ; cải cách TTHC và thực hiện có hiệu quả giao dịch hồ sơ điện tử; thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tất cả các lĩnh vực của Ngành, trong đó có công tác thu BHXH; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ đối với tổ chức, cá nhân làm công tác thu, đại lý thu để kịp thời chấn chỉnh các sai phạm, nhũng nhiễu, làm hạn chế kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển đối tượng...
Liên quan những vấn đề này, ông Trần Hải Nam cho rằng, khó khăn nhất trong phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là nhận thức của người dân còn hạn chế. Do đó, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1676 về Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH. Một trong những quan điểm chỉ đạo và mục tiêu hướng tới của công tác tuyên truyền trong thời gian tới là phải làm cho đối tượng được tuyên truyền hiểu rõ về quyền, lợi ích của việc tham gia BHXH. Trên cơ sở đó, nhận thức được đúng, đầy đủ và sâu sắc về chủ trương, quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH. Tạo sự đồng thuận trong xã hội cũng như thay đổi hành vi nhằm phát triển mạnh mẽ đối tượng tham gia BHXH, mở rộng phạm vi bao phủ BHXH trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, ông Nam cũng đề nghị các địa phương trong khả năng nguồn lực của mình có thể có thêm chính sách hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn cùng gói hỗ trợ chung của Chính phủ, nhằm giúp người dân sớm ổn định cuộc sống và có điều kiện để duy trì và tham gia BHXH tự nguyện. “Trong năm 2020, Bộ LĐ-TB&XH sẽ ban hành kế hoạch tuyên truyền BHXH giai đoạn 2020-2025, trong đó sẽ cụ thể hóa các nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền trong giai đoạn sắp tới. Song quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay là giữ được người đang tham BHXH tiếp tục ở lại, thay vì để họ hưởng BHXH một lần”- ông Nam chia sẻ.
Về lâu dài, cần phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật về BHXH để hướng tới việc linh hoạt, đa dạng trong các chế độ thụ hưởng, tăng cơ hội cũng như quyền lựa chọn của người dân khi tham gia để phù hợp với nhu cầu mong muốn của từng đối tượng. Chính sách khi thực hiện sẽ bảo đảm quyền và nguyện vọng của người dân và mong muốn khi tham gia thụ hưởng từ chính sách. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp như trên sẽ tạo điều kiện cho chúng ta duy trì và phát triển đối tượng tham gia BHXH nói chung và BHXH tự nguyện trong thời gian tới.
V.Thu
V. Thu
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?