Tạo nền tảng cho chuyển đổi số
18/10/2021 07:47 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thời gian qua, công tác CCHC của ngành BHXH Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, mang lại sự hài lòng cho người dân và DN. Những bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác CCHC đã tạo nền tảng vững chắc giúp Ngành BHXH Việt Nam đẩy nhanh chuyển đổi số, nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ người dân, DN.
Phục vụ người dân một cách tốt nhất
Theo BHXH Việt Nam, hiện nay, Ngành còn 25 TTHC còn hiệu lực và đều được công khai trên Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam và Cổng Dịch vụ công quốc gia. Các TTHC này cũng được niêm yết đầy đủ theo quy định tại bộ phận “Một cửa” của BHXH cấp tỉnh/huyện, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả TTHC cấp huyện.
Ngành BHXH Việt Nam đã cơ bản số hóa dữ liệu để phục vụ mục tiêu chuyển đổi số
Cùng với đó, để đảm bảo quyền lợi của người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH và quy định an toàn phòng chống dịch, BHXH Việt Nam đã thực hiện đổi mới trong tổ chức chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH. Theo đó, trong quý III, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp cùng Bưu điện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH gộp 2 tháng vào cùng một kỳ chi trả (tháng 7-8/2021, tháng 9-10/2021) phù hợp với diễn biến dịch bệnh ở từng địa bàn và hình thức chi trả linh hoạt (chi tiền mặt tại điểm chi trả hoặc tại nhà ở các địa phương nguy cơ cao; chi qua tài khoản cá nhân). Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, BHXH Việt Nam cũng đã chỉ đạo BHXH tỉnh, thành phố tăng cường truyền thông, vận động người dân sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Đáng chú ý, trong việc xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, BHXH Việt Nam đã triển khai nhiều nội dung nhằm xây dựng CSDL quốc gia về bảo hiểm. Trong đó, BHXH Việt Nam đã ban hành Quyết định số 458/QĐ-BHXH ngày 21/5/2021 về kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 43/2021/NĐ-CP về xây dựng CSDL quốc gia về bảo hiểm. Đã tích hợp, cung cấp dịch vụ công và thanh toán trực tuyến trên ứng dụng VssID. Trong đó, triển khai hệ thống thông báo trên VssID kết nối với hệ thống gửi tin nhắn SMS (đã thực hiện trước đây) để gửi các thông điệp của BHXH Việt Nam tới người dùng, thông báo khi thẻ BHYT sắp hết hạn, thông báo cho người tham gia BHXH tự nguyện sắp đến kỳ đóng tiền, khi phát sinh chi phí KCB BHYT...
Cùng với đó, ứng dụng này cũng hoàn thành tích hợp 5 ngôn ngữ (tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật Bản, tiếng Hàn Quốc); tích hợp các dịch vụ công trực tuyến dành cho cá nhân (đăng ký giao dịch điện tử, tra cứu mã số BHXH, quét mã QR thẻ BHYT, quét mã QR thẻ Căn cước công dân để tự động điền thông tin vào biểu mẫu đăng ký). Đồng thời, bổ sung tiện ích “Mời cài đặt VssID”, Phiếu điều chỉnh lương hưu tại mục “Thông tin hưởng/Hàng tháng/Phiếu điều chỉnh lương hưu”, chức năng xem các loại “Giấy được cấp theo Thông tư 36/2017/TT-BYT” tại mục “Sổ khám chữa bệnh”; hiển thị hình ảnh cá nhân tại màn hình “Sử dụng thẻ BHYT”; bổ sung “Thông báo xác nhận đóng BHXH (C14-TS)”…
Tăng cường kết nối, chia sẻ với các bộ, ngành
Thời gian qua, BHXH Việt Nam cũng đã tích cực kết nối, trao đổi, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành. Trong đó đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với CSDL quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý qua nền tảng NGSP; triển khai xác thực thông tin công dân từ CSDL quốc gia về dân cư khi công dân đăng ký tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan BHXH trên Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam và trên ứng dụng VssID từ ngày 28/5/2021 và hiện cả nước đã có 591.318 lượt đăng ký được xác thực.
Với Bộ Tư pháp, đến nay 62/63 tỉnh, thành phố đã tiếp nhận dữ liệu khai sinh từ Bộ Tư pháp thông qua trục NGSP, để thực hiện thủ tục liên thông cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi. Hệ thống đã hoạt động ổn định, hiệu quả, khắc phục tình trạng trẻ em đã được đăng ký khai sinh nhưng chưa được cấp thẻ BHYT; đồng thời góp phần giảm thiểu việc trùng lặp thông tin hộ tịch trên nhiều hệ thống phần mềm.
BHXH Việt Nam đã thực hiện trao đổi dữ liệu đối với Bộ KH-ĐT theo Nghị định số 122/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập DN, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc SDLĐ, cấp mã số đơn vị tham gia BHXH, đăng ký sử dụng hóa đơn của DN. Qua đó, góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng giải quyết TTHC; đồng thời góp phần chuẩn hóa trong khai báo, đăng ký thành lập DN mới trong CSDL của ngành BHXH Việt Nam.
Đối với Bộ LĐ-TBXH, BHXH Việt Nam cung cấp tiện ích tra cứu cho các Trung tâm DVVL trên cả nước, thực hiện tra cứu thông tin như trạng thái tại thời điểm tra cứu đang tham gia tại đơn vị SDLĐ, mã cơ quan BHXH quản lý, đã nghỉ việc; trạng thái hưởng chế độ BHXH, tháng dừng đóng gần nhất; tổng thời gian tham gia BH thất nghiệp… Hiện nay, BHXH Việt Nam đang phối hợp với Bộ Y tế xây dựng, hoàn thiện dự thảo Quy chế phối hợp chia sẻ dữ liệu giữa CSDL quốc gia về BH với CSDL của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam và Tổng cục Thuế đã ký Quy chế số 1999/QCPH-BHXH-TCT ngày 9/7/2021. Theo đó, việc trao đổi, chia sẻ dữ liệu đã được phân cấp cho BHXH các tỉnh, thành phố về khai thác dữ liệu trong phạm vi địa phương mình, bao gồm thông tin về tổ chức, cá nhân trả thu nhập để phối hợp quản lý thu BHXH, BHYT bắt buộc và quản lý thu thuế…
Đặc biệt, BHXH Việt Nam đã hoàn thành việc kết nối, cung cấp số liệu với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia theo quy định tại Nghị định số 60/2018/NĐ-CP và Quyết định số 293/QĐ-TTg. Trong quý III, BHXH Việt Nam đã hoàn thiện chức năng tổng hợp báo cáo số liệu hằng ngày, thống kê tình hình hỗ trợ các nhóm đối tượng tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Theo đó, dữ liệu của BHXH cấp huyện trở lên được tự động cập nhật lên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Dữ liệu này cũng được bổ sung vào Hệ thống danh mục báo cáo trên Hệ thống tổng hợp và phân tích dữ liệu tập trung của Ngành./.
Thủy Hà
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?