Tăng mức đóng - Tăng quyền lợi
07/03/2022 02:01 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện tối thiểu tăng lên kể từ ngày 01/01/2022 theo chuẩn nghèo đa chiều. Tuy nhiên, lợi ích của BHXH tự nguyện cũng rất nhiều, vì vậy người dân nên duy trì và tham gia để có lương hưu và thẻ BHYT chăm sóc sức khỏe khi tuổi già.
Từ ngày 01/01/2022, thực hiện theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025; theo đó, mức đóng BHXH tự nguyện nếu trừ số tiền Nhà nước hỗ trợ thì thấp nhất là 297.000 đồng/tháng, tăng 158.400 đồng/tháng so với mức đóng BHXH tự nguyện năm 2021 (138.600 đồng/tháng). Sự thay đổi này, khiến nhiều người lo lắng. “Tôi rất muốn tham gia BHXH tự nguyện đủ số năm quy định, để có lương hưu và được cấp thẻ BHYT miễn phí để được chăm sóc sức khỏe lúc tuổi già. Thế nhưng với việc tăng mức đóng như hiện nay, tôi cũng hơi lo lắng bởi không biết mình có đủ khả năng để tham gia tiếp tục hay không”, bà Nguyễn Thị Q.., xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam chia sẻ.
Cũng như bà Q…, nhiều lao động tự do, người có thu nhập thấp đang tham gia BHXH tự nguyện cũng bày tỏ sự lo lắng khi mức đóng BHXH tự nguyện tăng. Chị Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ của một thôn ở xã Hàm Mỹ, Hàm Thuận Nam, chia sẻ: Đa số chị em đã tham gia BHXH tự nguyện tại địa phương đều làm nông nghiệp hoặc buôn bán nhỏ, do đó thu nhập cũng không được nhiều và ổn định. Vì vậy, khi hay thông tin tăng mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu lên gần gấp đôi, một số chị em lo ngại điều kiện kinh tế không đảm bảo để tiếp tục tham gia. Tôi cùng với viên chức của BHXH huyện tăng cường giải thích về nguyên nhân tăng mức đóng để mọi người hiểu, đồng thời tuyên truyền mức tiền hỗ trợ tham gia BHXH tự nguyện của Nhà nước cũng tăng khi mức đóng tăng. Ngoài ra, còn thông tin đến mọi người về quyền lợi mà mọi người được hưởng khi đóng đủ số năm quy định, để mọi người tiếp tục tham gia.
Cùng với việc tăng mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu từ ngày 01/01/2022, mức tiền Nhà nước hỗ trợ cũng tăng lên tương ứng với tỷ lệ theo quy định. Cụ thể, người tham gia sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng hàng tháng: bằng 30% đối với người thuộc hộ nghèo (tương đương 99.000 đồng, trước đây là 46.200 đồng), 25% đối với người thuộc hộ cận nghèo (tương đương 82.500 đồng, trước đây là 38.500 đồng) và 10% đối với các đối tượng khác (tương đương 33.000 đồng, trước đây là 15.400 đồng). Nếu mức đóng theo chuẩn nghèo trước 01/01/2022 là 700.000 đồng thì sau 20 năm mức hưởng lương hưu đối với nam là 464.625 đồng/tháng và nữ là 567.875 đồng/tháng; nếu mức đóng theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định là 1,5 triệu đồng thì sau 20 năm mức hưởng lương hưu đối với nam là hơn 995.600 đồng/tháng và nữ là hơn 1,2 triệu đồng/tháng. Mức trợ cấp tuất một lần đối với thân nhân của người lao động đang đóng BHXH hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm tính bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH cho các năm đóng từ năm 2014 trở đi, nếu đóng 700.000 đồng thì hưởng 1,4 triệu đồng/ năm, nếu mức đóng 1,5 triệu đồng thì mức hưởng là 03 (ba) triệu đồng/năm…Nhìn chung nếu mức đóng tăng đồng nghĩa mức hưởng BHXH tự nguyện cũng tăng theo.
Chị Trần Thị M…, ở phường Xuân An, thành phố Phan Thiết, cho biết: “Tôi tham gia BHXH tự nguyện được gần 3 năm, trước đây tôi chọn hình thức đóng một lần cho 3 tháng. Hiện nay, được mọi người tuyên truyền tôi biết mức đóng có sự điều chỉnh nhưng tôi vẫn duy trì tham gia, bởi khi mức đóng tăng lên thì mức tiền hỗ trợ của Nhà nước cũng tăng theo và về sau mức hưởng cũng tăng. Hiện nay, tôi đóng hàng tháng để đảm bảo cuộc sống gia đình. Tôi cố gắng duy trì việc tham gia, để tuổi già có được lương hưu và có thẻ BHYT miễn phí để đi khám, chữa bệnh”.
Do quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn tăng từ 700.000 đồng lên 1,5 triệu đồng/tháng, nên mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu cũng phải tăng theo. Song song đó, thì mức tiền hỗ trợ của Nhà nước theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn cũng tăng. BHXH tự nguyện là chính sách an sinh của Đảng, Nhà nước, giúp người dân đảm bảo cuộc sống khi hết tuổi lao động. Vì vậy, dù mức đóng có tăng nhưng người dân nên duy trì và tiếp tục tham gia chính sách này, để tuổi già được hưởng lương hưu và được cấp thẻ BHYT miễn phí để đi khám, chữa bệnh.
Được biết, hiện nay Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung thêm chế độ thai sản (hiện tại tham gia BHXH tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất) và tăng tỷ lệ hỗ trợ đối với người tham gia. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đề xuất nhiều giải pháp nhằm hạn chế hưởng BHXH một lần, cũng như tăng tính hấp dẫn, thu hút người lao động tham gia BHXH nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng để hưởng lương hưu. Trong đó, giảm thời gian tham gia BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm tiến tới còn 10 năm.
Phương Danh
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?