Mở rộng quyền lợi, thu hút người tham gia BHXH
27/05/2024 07:27 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chị Nguyễn Thị Lan (32 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Ra trường, tôi đi làm ngay và đóng BHXH đã ngót chục năm. Nhưng từ sau đại dịch COVID-19, do đơn hàng của công ty sụt giảm nên công việc của tôi bắt đầu thất thường, thu nhập hằng tháng rất bấp bênh. Trong khi đó, những chi phí cho sinh hoạt hằng ngày như tiền ăn uống, điện, nước, tiền nhà trọ lại có chiều hướng gia tăng. Bây giờ, tôi không thể cố theo đuổi công việc này, nên sẽ xin nghỉ và sau đó rút BHXH một lần để có khoản tiền đầu tư cho một công việc mới ở ngoài. Phải lo cho cuộc sống trước mắt đã, khi có thu nhập tốt hơn, việc tham gia BHXH tự nguyện sẽ tính sau!”.
Là lao động tự do, chuyên bán hàng online, Hoàng Bích Châu (28 tuổi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, chị đã được nhân viên tổ chức dịch vụ thu giới thiệu về chính sách BHXH tự nguyện. “Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này có đề xuất bổ sung chế độ trợ cấp thai sản 2 triệu đồng/lần sinh cho người tham gia BHXH tự nguyện. Nhưng theo tôi, so với chế độ thai sản của người tham gia BHXH bắt buộc thì mức trợ cấp này chưa hấp dẫn”.
Trong những năm qua, dù đã chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, nhưng theo thống kê của BHXH Việt Nam, số người rút BHXH một lần vẫn đang có xu hướng gia tăng. Trong giai đoạn 2016-2022, cả nước có hơn 4,8 triệu NLĐ đề nghị và được giải quyết hưởng BHXH một lần (bình quân mỗi năm có gần 700.000 người hưởng). Người hưởng BHXH một lần chủ yếu là lao động trẻ, tập trung nhiều nhất ở nhóm tuổi từ trên 30 đến 40 tuổi. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 665.000 người rút BHXH một lần (bình quân mỗi tháng có hơn 110.000 người hưởng chế độ này). Đây là con số rất đáng lo ngại vì tại thời điểm đó cả nước mới có 17,48 triệu người tham gia BHXH (tương đương khoảng 37,5% lực lượng lao động). Còn trong 10 tháng năm 2023, cả nước có hơn 947.000 người rút BHXH một lần, tăng 31,38% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm khoảng 5% tổng số người tham gia.
Trong thực tế, những người rơi vào hoàn cảnh khó khăn, phải rút BHXH một lần như chị Lan hay anh Bình không phải là hiếm, với những lý do chủ yếu là để có khoản tiền trang trải cho nhu cầu cuộc sống trước mắt, như chữa bệnh, ăn học, sửa chữa nhà cửa, chuyển đổi nghề nghiệp…
Khi số người rút BHXH một lần gia tăng, số người tham gia mới tăng chậm thì mục tiêu tiến tới BHXH toàn dân sẽ là một thách thức. Vì vậy, trong những năm qua, ngành BHXH Việt Nam đã phối hợp triển khai nhiều biện pháp phát triển người tham gia BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, tỷ lệ người tham gia còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Một trong những nguyên nhân được cho là quyền lợi của người tham gia BHXH tự nguyện còn ít (chỉ có 2 chế độ). Mới đây, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có đề xuất bổ sung chế độ trợ cấp thai sản mức 2 triệu đồng/một con khi sinh cho người tham gia BHXH tự nguyện. Nhưng mức trợ cấp này vẫn được đánh giá là còn thấp, chưa hấp dẫn.
Để tiến tới BHXH toàn dân, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền vận động, nhiều ý kiến cho rằng cần mở rộng quyền lợi để vừa thu hút người mới tham gia, vừa giữ được những người đang tham gia yên tâm ở lại hệ thống, không rút BHXH một lần. Vì vậy, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này có 2 đề xuất đáng chú ý.
Thứ nhất là đề xuất giảm số năm đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm. Với đề xuất này, NLĐ chỉ cần đến tuổi nghỉ hưu và đủ 15 năm đóng BHXH là được hưởng chế độ hưu trí, giúp có thêm nhiều người đủ điều kiện hưởng lương hưu. Đề xuất này cũng làm thay đổi điều kiện để hưởng chế độ BHXH một lần của NLĐ đủ tuổi nghỉ hưu. Theo đó, những NLĐ đến tuổi nghỉ hưu nếu chưa đóng BHXH đủ 15 năm thì cũng được hưởng BHXH một lần.
Thứ hai, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đề xuất 2 phương án cho trường hợp hưởng BHXH một lần đối với NLĐ sau 12 tháng nghỉ việc mà không đủ 20 năm đóng BHXH. Trong đó, phương án 1 giữ nguyên quy định hiện hành là sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm, NLĐ sẽ được rút BHXH một lần. Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà NLĐ có yêu cầu thì được giải quyết một phần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để NLĐ hưởng chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Để thu hút người tham gia BHXH tự nguyện, tăng tỷ lệ bao phủ BHXH, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này cũng đề xuất bổ sung chế độ trợ cấp thai sản cho người tham gia BHXH tự nguyện, với mức 2 triệu đồng cho một con khi sinh.
Tuy nhiên, TS.Bùi Sỹ Lợi- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, cơ quan soạn thảo cần nâng mực hỗ trợ này, bởi theo Tờ trình số 527 của Chính phủ về dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), mức 2 triệu đồng là theo Nghị định 39/2015 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người DTTS sinh con đúng chính sách dân số. Nhưng nay Nghị định này đã được thay thế. Ngoài hỗ trợ về tiền mặt, cơ quan soạn thảo cũng cần cân nhắc bổ sung chế độ chăm sóc sức khỏe, khám thai định kỳ cho lao động nữ…
Bài: Châu Anh Đồ hoạ: Minh An
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?