Tăng 30% lương cơ sở từ ngày 1/7 là giải pháp trước mắt tốt nhất

25/06/2024 02:01 PM


Trong phiên làm việc chiều nay (25/6), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thahh Trà thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ sẽ trình bày Báo cáo của Chính phủ về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp ưu đãi NCC và trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024.

Liên quan tới vấn đề tiền lương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, bên cạnh phương án điều chỉnh tăng 30% lương cơ sở từ 1,8 triệu lên 2,34 triệu, Chính phủ cũng đề xuất Quốc hội cho phép điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp BHXH từ 1/7/2024. Theo Bộ trưởng, việc Chính phủ chọn phương án này, vì khi xây dựng bảng lương chức vụ, chức danh lãnh đạo và xây dựng bảng lương của cán bộ, công chức, viên chức phát sinh một số vấn đề.

Kỳ tăng lương cơ sở lần này được kỳ vọng cải thiện đời sống cán bộ, công chức, viên chức

Cụ thể, khi bãi bỏ lương cơ sở và hệ số lương để xây dựng bảng lương chức vụ, chức danh lãnh đạo và bảng lương của cán bộ, công chức, viên chức dẫn đến bất hợp lý rất lớn. Đó là tương quan giữa các đối tượng không đảm bảo. Công chức- đối tượng tham mưu chiến lược được tăng rất thấp, chỉ tăng hơn 20%; đối tượng viên chức có thể tăng được hơn 50%; đối tượng khác cũng tăng thêm tương đương, nhưng tính bình quân tăng khoảng 30,6%. Đáng chú ý, có nhiều đối tượng tăng trên 30%, nhưng cũng có rất nhiều đối tượng tăng rất thấp, chỉ khoảng 3-5%; rất nhiều đối tượng lại không được tăng hoặc thấp hơn so với lương hiện hưởng.

Ngoài ra, một vấn đề nữa là khi thay đổi cơ cấu quỹ phụ cấp trong tổng quỹ lương từ 40/60 hiện nay (tương ứng quỹ phụ cấp bằng 67% quỹ lương cơ bản) thành 30/70 (tương ứng quỹ phụ cấp bằng 43% quỹ lương cơ bản, giảm 24% so với hiện nay) cũng phát sinh vấn đề. Cùng với việc bỏ phụ cấp thâm niên nghề đối với cán bộ, công chức, viên chức một số chuyên ngành và phải sắp xếp lại nhiều chế độ phụ cấp hiện nay thành một chế độ phụ cấp mới, dẫn đến rất nhiều đối tượng hưởng phụ cấp sẽ bị tụt giảm, nhất là lực lượng nhà giáo sẽ không còn phụ cấp thâm niên. “Những phát sinh này dẫn đến có đối tượng được tăng trên 30%, 15%, nhưng có đối tượng không được tăng hoặc tăng thấp hơn…”- Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định.

Cũng theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, mức tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng (30%) là mức tăng cao nhất từ trước đến nay, góp phần cải thiện đời sống người hưởng lương và hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp, các chính sách hỗ trợ gắn với mức lương cơ sở. Việc này cũng tạo động lực nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc, góp phần ổn định xã hội, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và những người hưởng chế độ, chính sách trợ cấp, phụ cấp trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn.

Liên quan đến nội dung này, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga- Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương khẳng định, việc điều chỉnh tiền lương từ ngày 1/7 sắp tới là đợt điều chỉnh lớn nhất từ trước đến nay. Song, bên cạnh đó, cần phải có các giải pháp kiểm soát lạm phát, giá cả để không xảy ra tình trạng “lương tăng, giá cũng tăng”. “NLĐ trong khu vực nhà nước đón nhận tin này với tâm trạng nửa mừng, nửa lo. Mừng vì thu nhập từ lương được tăng đáng kể, nhưng lo là vẫn tiếp diễn tình trạng từ trước đến nay vẫn xảy ra, đó là cứ tăng lương là giá cả lại tăng, khiến cho việc tăng lương gần như chỉ là tăng số tiền trong tài khoản, chứ không phải nâng cao đời sống NLĐ”- ĐB Nga chỉ rõ.

Chính vì vậy, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, bài toán đặt ra hiện nay khá nan giải với Chính phủ, đó là phải có giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô như thế nào để kiểm soát được giá cả. Đương nhiên, giá cả theo thời gian sẽ có sự tăng theo quy luật, nhưng hiện tượng "té nước theo mưa", lợi dụng tăng lương để tăng giá một cách không theo quy luật nào, chỉ vì NLĐ được tăng lương là tăng giá, thì cần sự quản lý sâu sát, để làm sao việc tăng lương thật sự cải thiện đời sống NLĐ và niềm vui tăng lương được trọn vẹn.

Cũng theo ĐB Nga, dù cải cách tiền lương hay tăng lương, thì lương của NLĐ nói chung được điều chỉnh theo hướng tăng lên. Song, có điểm khác nhau cơ bản về cách tính lương. Nếu cải cách tiền lương, bỏ cách tính truyền thống theo lương cơ sở, theo ngạch bậc, thâm niêm công tác và phụ cấp để tính lương theo vị trí việc làm, thì tính lương theo cải cách tiền lương đảm bảo công bằng, khoa học hơn.

“Bên cạnh việc tiết kiệm, phải có nhiều giải pháp khác như nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập, chỉ số GDP hàng năm tăng cao hơn chứ không chỉ đơn thuần là dành được bao nhiêu tiền để cải cách tiền lương. Đồng thời, phải sửa đổi thể chế, vì hiện nay với cách tính lương truyền thống liên quan đến nhiều quy định khác nhau. Việc tăng lương 30% đáp ứng nhu cầu trước mắt là NLĐ rất mong chờ, mức lương về cơ bản đáp ứng được yêu cầu cuộc sống của họ. Tôi cho rằng, đây là giải pháp trước mắt tốt nhất”- ĐB Nga chia sẻ.

Nguyệt Hà