Mở rộng thí điểm Sổ Sức khỏe điện tử và cấp Phiếu Lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc
03/10/2024 02:03 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Chiều 2/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính- Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì Hội nghị triển khai mở rộng thí điểm Sổ Sức khỏe điện tử và cấp Phiếu Lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc. Hội nghị được kết nối trực tuyến (4 cấp) từ Trụ sở Chính phủ tới các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các địa phương cấp huyện, cấp xã.
Cùng tham dự tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Lê Thành Long; Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các sở, ngành và các Tổ công tác triển khai Đề án 06. Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh- Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 BHXH Việt Nam tham dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương; Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh cùng các thành viên Tổ công tác của BHXH Việt Nam tham dự Hội nghị tại điểm cầu BHXH Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, Hội nghị này đánh dấu một bước quan trọng trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, triển khai các dịch vụ thiết yếu cho người dân. Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh, mục đích cuối cùng trong xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số, phát triển kinh tế số là phục vụ nhân dân. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đều yêu cầu đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số, phát triển kinh tế số.
Đến nay, chuyển đổi số đã đến từng ngõ, từng nhà, từng đối tượng, mang lại tiện ích cho người dân; đồng thời với việc nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho chuyển đổi số; xây dựng CSDL quốc gia và CSDL chuyên ngành, kết nối, chia sẻ và khai thác dữ liệu; quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng số, nền tảng số, thúc đẩy DVC trực tuyến và ứng dụng số. Chính phủ chỉ đạo triển khai Đề án 06 và xây dựng CSDL quốc gia về dân cư, triển khai tích cực, mang lại hiệu quả cho người dân. Trong đó, giao 2 địa phương là Hà Nội và Thừa Thiên Huế thực hiện thí điểm 2 tiện ích về Sổ Sức khỏe điện tử và cấp Phiếu Lý lịch tư pháp qua VNeID theo các Nghị quyết của Chính phủ- đây là 2 dịch vụ liên quan nhiều và trực tiếp tới người dân.
Thủ tướng cũng nêu rõ, Hội nghị được tổ chức với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, vướng mắc phải tháo gỡ, thách thức phải vượt qua, thống nhất nhận thức, đồng tâm hành động để triển khai mở rộng thí điểm 2 tiện ích nói trên trên phạm vi toàn quốc, góp phần xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số, phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có mục tiêu tới năm 2030 kinh tế số đóng góp 30% cho nền kinh tế.
Tiết kiệm khoảng 1.150 tỷ đồng/năm tiền mua Sổ y bạ
Báo cáo kết quả triển khai Sổ Sức khỏe điện tử tại Hội nghị cho thấy, đến nay, toàn quốc đã tạo lập được 32.062.931 dữ liệu Sổ Sức khỏe điện tử cho người dân, trong đó có 14.638.905 công dân đã tích hợp Sổ Sức khỏe điện tử trên VNeID với 12.518/12.693 cơ sở KCB BHYT (đạt tỷ lệ 98,6%) dữ liệu đồng bộ liên thông qua hệ thống của BHXH Việt Nam để tích hợp vào VNeID, hướng dẫn các cơ sở KCB liên thông dữ liệu đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Về Giấy chuyển tuyến, hẹn tái khám, đã tạo lập được 911.696 dữ liệu về Giấy chuyển tuyến, 2.629.117 dữ liệu về Giấy hẹn khám lại. Bộ Công an đã phối hợp với BHXH Việt Nam và Bộ Y tế tích hợp trên VNeID, sẵn sàng công bố trên toàn quốc để người dân sử dụng. Bộ Công an đã đồng hành cùng với các DN và Ngân hàng HDBank triển khai hệ thống Kiosk y tế miễn phí (tích hợp Sổ Sức khỏe điện tử) với số lượng tối thiểu 1001 Kiosk y tế, đến nay đã có 44/63 tỉnh, thành phố đăng ký triển khai với 217 Kiosk y tế. Đặc biệt, UBND TP.Hà Nội đã tạo lập được Sổ Sức khỏe cho 7,5 triệu người dân (với 21 trường thông tin) và 2,5 triệu Sổ Sức khỏe điện tử cho người dân với 48 trường thông tin.
Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1332/QĐ-BYT về việc ban hành Sổ Sức khỏe điện tử phục vụ tích hợp trên ứng dụng VNeID và Quyết định số 2733/QĐ-BYT ngày 17/9/2024 hướng dẫn thí điểm thực hiện Sổ Sức khỏe điện tử tích hợp trên ứng dụng VNeID. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế tập huấn cho các cơ sở KCB tiếp nhận và sử dụng khi xuất trình trực tiếp trên VNeID, đồng thời các cơ sở KCB thực hiện liên thông 16 trường thông tin KCB theo hướng dẫn của BHXH Việt Nam để tự động điền vào các biểu mẫu, tiết kiệm thời gian, công sức cho các bác sĩ.
Những kết quả trên giúp tiết kiệm khoảng 1.150 tỷ đồng/năm tiền mua Sổ y bạ cho 230 triệu lượt người khám bệnh; tạo thuận lợi cho người dân trong việc chủ động theo dõi Hồ sơ sức khoẻ và có thể cung cấp hồ sơ bệnh án của mình cho đội ngũ y bác sĩ ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào. Khi dữ liệu được liên thông giữa các BV (dữ liệu xét nghiệm, chẩn đoán...) sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí (giảm thiểu thời gian tiếp đón bệnh nhân, không phải nhập lại các dữ liệu thông tin đã có sẵn trên hệ thống), cũng như giúp phục vụ chẩn đoán bệnh chính xác, hiệu quả, tránh lãng phí. Cơ quan quản lý nhà nước có thể phân tích dữ liệu sức khỏe người dân để thống kê, tổng hợp, dự báo, đưa ra các chính sách quản lý nhà nước.
Về triển khai cấp Phiếu Lý lịch tư pháp, sau hơn 4 tháng thí điểm tại Hà Nội và Thừa Thiên Huế, đã bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đem lại thuận tiện và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân. Cụ thể, Hà Nội tiếp nhận hơn 45.000 hồ sơ, Thừa Thiên Huế tiếp nhận hơn 5.000 hồ sơ trên VNeID, chiếm hơn 70% tổng số hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp của 2 địa phương, ước tính mỗi hồ sơ tiết kiệm khoảng 10.000 đồng tiền xăng xe, đi lại và công sức chờ đợi; 150.000 đồng tiền công trung bình trong nửa ngày công của người dân ở Hà Nội. Với khoảng 2,6 triệu yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp hàng năm trên cả nước, khi người dân thực hiện đăng ký sẽ giúp tiết kiệm khoảng 400 tỷ đồng mỗi năm cho người dân và xã hội...
Ngành BHXH Việt Nam tích cực phối hợp triển khai Sổ Sức khỏe điện tử
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Chu Mạnh Sinh cho biết, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã giao BHXH Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế thí điểm chia sẻ dữ liệu từ CSDL của ngành BHXH để phục vụ công tác quản lý nhà nước và lập Hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, TP.HCM, Thừa Thiên Huế, Kiên Giang, Bình Dương, Khánh Hòa, Quảng Ninh.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Chu Mạnh Sinh phát biểu tại Hội nghị
Trên cơ sở này, Tổ công tác Đề án 06 Chính phủ đã có Công văn số 7276/TCTDA cụ thể hóa việc triển khai Sổ Sức khoẻ điện tử, Giấy chuyển tuyến, Giấy hẹn khám lại trên VNeID. Trong đó, giao BHXH Việt Nam xây dựng các tính năng chia sẻ dữ liệu từ CSDL quốc gia về bảo hiểm để tích hợp các tính năng: Sổ Sức khỏe điện tử (với 52 trường thông tin); chức năng Giấy chuyển tuyến, Giấy hẹn khám lại lên ứng dụng VNeID.
Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng được Thủ tướng Chính phủ giao, đồng thời nhận thức rõ hiệu quả và lợi ích trong việc hỗ trợ liên thông dữ liệu này, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tích cực phối hợp xây dựng phương án kỹ thuật, có văn bản và tổ chức các buổi làm việc với Bộ Công an, Bộ Y tế để làm rõ các yêu cầu, thống nhất cách thức triển khai, qua đó thực hiện nâng cấp, điều chỉnh các hệ thống phần mềm, bố trí hạ tầng kết nối; chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố và các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam hỗ trợ, hướng dẫn về kỹ thuật khi cơ sở KCB liên thông dữ liệu lên Cổng tiếp nhận thuộc Hệ thống Thông tin giám định BHYT và triển khai liên thông qua ứng dụng VNeID.
Kết quả, đến nay, cả nước có hơn 14 triệu công dân đã tích hợp Sổ Sức khỏe điện tử trên VNeID. Từ ngày 1/7/2024 đến nay, có 1.384.891 lượt Giấy chuyển tuyến và 4.329.320 lượt Giấy hẹn khám lại được các cơ sở KCB liên thông lên hệ thống của BHXH Việt Nam.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu BHXH Việt Nam
Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh nhận định, việc triển khai Sổ Sức khỏe điện tử mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân và tổ chức. Theo đó, người dân không còn phải lo bảo quản các hồ sơ KCB sau mỗi lần đi khám, không lo mất hay quên Giấy chuyển tuyến cho mỗi lần chuyển viện hay Giấy hẹn khám lại cho mỗi lần đi KCB. Hồ sơ sức khỏe điện tử cung cấp cho các thầy thuốc đầy đủ thông tin, tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Từ đó, kết hợp với thăm khám hiện tại, người thầy thuốc sẽ có nhận định toàn diện và chẩn đoán sức khỏe của người bệnh được kịp thời, chính xác, giúp mang lại hiệu quả điều trị cao, giảm bớt chi phí KCB cho người dân.
Đối với các cơ sở KCB, Giấy chuyển tuyến và Giấy hẹn khám lại điện tử có ý nghĩa công khai và hạn chế hành vi gian lận, giả mạo trong chuyển tuyến bệnh nhân, đơn giản hóa TTHC, tạo thuận lợi cho người bệnh và cơ sở KCB. Đối với Bộ Y tế và các Sở Y tế, việc triển khai Hồ sơ sức khỏe điện tử giúp cho ngành có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác và kịp thời; giúp ngành Y tế có các chỉ đạo kịp thời về công tác phòng chống dịch bệnh nói riêng và có được các dự báo, hoạch định chính sách về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân tốt hơn. Riêng đối với ngành BHXH, sẽ hạn chế được tình trạng lập hồ sơ KCB khống, kê thêm thuốc, dịch vụ kỹ thuật, góp phần phòng tránh lạm dụng, trục lợi quỹ KCB BHYT.
Thời gian tới, trên cơ sở các kết quả đã đạt được, BHXH Việt Nam cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ với đầu mối của Bộ Công an, Bộ Y tế và UBND các tỉnh, thành phố để hỗ trợ các cơ sở KCB trong quá trình triển khai liên thông dữ liệu Sổ Sức khỏe điện tử, Giấy chuyển tuyến, Giấy hẹn khám lại trên VNeID. Qua đó, đảm bảo mang lại lợi ích cho người dân và toàn xã hội, góp phần vào thành công chung của Đề án 06, cũng như công cuộc chuyển đổi số của đất nước...
Mỗi công dân Việt Nam đều có Sổ Sức khỏe điện tử
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số thành tựu nổi bật của chuyển đổi số quốc gia, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số thời gian qua. Qua đó, đã tạo động lực, truyền cảm hứng, củng cố niềm tin của nhân dân với chuyển đổi số; cũng như có thêm bản lĩnh, tự tin và quyết tâm, tinh thần tự lực, tự cường để làm tốt hơn nữa trong thời gian tới.
Thủ tướng cùng các đại biểu thực hiện nghi thức bấm nút triển khai Sổ Sức khỏe điện tử và cấp Phiếu Lý lịch tư pháp qua VNeID
Đối với 2 tiện ích được thí điểm qua VNeID, Thủ tướng đánh giá "phù hợp chủ trương, đường lối, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia, lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể; phù hợp lợi ích, nguyện vọng của người dân, DN; phù hợp với điều kiện thực tiễn được thí điểm thành công". Đồng thời, cũng mang đến các lợi ích lớn như: Cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, giảm chi phí, thời gian tuân thủ cho người dân, DN; tạo thuận lợi cho người dân, DN trong các hoạt động kinh tế, xã hội. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Đặc biệt, góp phần khẳng định thành quả mà chuyển đổi số mang lại, cũng như tiếp tục thể hiện cam kết của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương về đẩy mạnh chuyển đổi số và tiếp thêm niềm tin, động lực cho những thành công trong hoạt động chuyển đổi số thời gian tới.
Thủ tướng biểu dương sự nỗ lực, quyết liệt của Bộ Công an, VPCP, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, BHXH Việt Nam, UBND TP.Hà Nội và tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian ngắn đã tập trung hoàn thiện các điều kiện, thí điểm thành công Sổ Sức khỏe điện tử, cấp Phiếu Lý lịch tư pháp qua VNeID. Phân tích một số bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nhấn mạnh "phải lấy chất lượng phục vụ, mức độ sử dụng và hài lòng của người dân, DN là thước đo đánh giá kết quả thực hiện. Phải hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, mạnh dạn thí điểm các mô hình mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xu thế phát triển".
Cùng với đó, phải có mục tiêu, kế hoạch cụ thể, phân công rõ người, rõ việc, rõ ưu tiên, rõ thời gian, rõ kết quả gắn với kiểm tra, giám sát. Phải tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, làm có trọng tâm, trọng điểm, “làm việc nào dứt việc đó”; tăng cường phối hợp; bám sát thực tế, phản ứng linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Theo Thủ tướng, quan trọng nhất là người đứng đầu phải quyết liệt, gương mẫu, tiên phong, phát huy trách nhiệm, đạo đức công vụ, huy động được sức mạnh tổng hợp, tạo được niềm tin, mang lại hiệu quả thiết thực. Việc chuyển đổi số là việc khó, mới, cho nên cần có cả nhiệt tình, kiến thức, trách nhiệm.
Thủ tướng chỉ rõ mục tiêu mỗi công dân Việt Nam, kể cả những người chưa có thẻ BHYT đều sở hữu một Sổ Sức khoẻ điện tử trên ứng dụng VNeID, tiến tới có bệnh án điện tử. Đến đầu năm 2025, 100% cơ sở KCB (công lập và tư nhân) và có 40 triệu người dân sử dụng Sổ Sức khỏe điện tử và 100% người dân có nhu cầu được cấp Phiếu Lý lịch tư pháp qua VNeID.
Thủ tướng giao Bộ Công an phối hợp với cơ quan liên quan tiếp tục hoàn thiện, tối ưu hóa các tiện ích hiện có trên ứng dụng VNeID, đảm bảo hệ thống hoạt động ổn định, an toàn, thuận tiện, thông suốt, công khai, minh bạch; xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng và kiểm soát CSDL của các bộ, ngành, địa phương; phối hợp với Bộ Tư pháp hoàn thiện Dự án Luật Dữ liệu để trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới.
Các bộ, ngành, địa phương chủ động nghiên cứu, phối hợp với Bộ Công an đề xuất triển khai, tích hợp tiếp những loại giấy tờ đang quản lý và cung cấp các tiện ích mới trên ứng dụng VNeID. Tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng số, trong đó Bộ Công an chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, cơ quan liên quan tập trung xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia; các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện Cổng DVC quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, tỉnh.
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện DVC trực tuyến cho người dân, DN; phát huy vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện tiếp cận công nghệ còn hạn chế. Tập trung sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền, hoặc đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi các quy định, TTHC liên quan đến Phiếu Lý lịch tư pháp.
UBND các tỉnh, thành phố quyết liệt triển khai cấp Phiếu Lý lịch tư pháp, Sổ Sức khỏe điện tử qua VNeID trên địa bàn, hoàn thành trong năm 2024; khẩn trương nâng cấp hệ thống giải quyết TTHC đảm bảo kết nối thông suốt với các phần mềm nghiệp vụ của Bộ Tư pháp, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam, hoàn thành trong năm 2024; rà soát, làm sạch dữ liệu về lý lịch tư pháp, án tích, xóa án tích, đồng bộ, rút ngắn thời gian cấp phiếu và xử lý TTHC cho người dân, hoàn thành trong năm 2024.
Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện Sổ Sức khoẻ điện tử qua VNeID, để người dân có thể sử dụng thay thế Sổ KCB bằng giấy, hoàn thành trong năm 2024. Đẩy mạnh hướng dẫn các cơ sở KCB và người dân thực hiện Sổ Sức khoẻ điện tử qua VNeID. Nghiên cứu xây dựng Sổ Sức khỏe điện tử cho trẻ em, nhất là thông tin tiêm chủng (ngay từ khi chào đời) gắn với VNeID của cha mẹ, người giám hộ. Hướng dẫn các BV triển khai bệnh án điện tử, nghiên cứu thiết lập bệnh án điện tử cho tất cả công dân.
BHXH Việt Nam đảm bảo hạ tầng kỹ thuật và hỗ trợ việc liên thông dữ liệu từ các cơ sở KCB, để tích hợp hiển thị thông tin sức khỏe lên Sổ Sức khoẻ điện tử và tiến tới KCB BHYT không phụ thuộc địa giới hành chính. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công an kết nối với CSDL của Tòa án, Viện Kiểm sát trên nền tảng CSDL quốc gia về dân cư.
Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành tập trung, quyết liệt thúc đẩy, giải quyết các nhóm nhiệm vụ còn đang chậm, muộn theo lộ trình triển khai của Đề án 06. Trong đó, Bộ Tài chính khẩn trương đề xuất việc ban hành Nghị định quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng kinh phí thường xuyên từ NSNN để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, mua sắm tài sản, sửa chữa và nâng cấp trang thiết bị máy móc.
"Chúng ta đang trên con đường xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, hướng tới nền kinh tế số tiên tiến, bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong kỷ nguyên số của nhân loại. Tôi kêu gọi các cấp, các bộ, ngành, các địa phương, đặc biệt là người đứng đầu quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư công sức, trí tuệ để tạo chuyển biến tích cực, thực chất trong chuyển đổi số"- Thủ tướng phát biểu và bày tỏ tin tưởng chúng ta sẽ tiếp tục gặt hái những thành công lớn hơn trong việc phát triển và ứng dụng công nghệ số vào mọi mặt của đời sống.
Hà Thủy
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?