Phát triển y tế cơ sở, tạo nền tảng chăm sóc sức khỏe toàn dân
18/02/2025 07:29 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Y tế cơ sở (YTCS) ở nước ta hiện nay gồm: Y tế thôn, bản, xã, phường, thị trấn, quận, huyện, thị xã. Đây là tuyến y tế ban đầu gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản. Mạng lưới YTCS có vai trò quan trọng trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, thực hiện các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, các chương trình mục tiêu về y tế, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, bởi đây là những khu vực có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn, tỷ lệ người nghèo cao, lại ở xa các BV tuyến tỉnh, tuyến trung ương.
Hiện nay, cả nước có hơn 10.000 TYT xã, phường. Mặc dù được Quốc hội, Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố và các nhà tài trợ quốc tế quan tâm dành nhiều nguồn lực đầu tư, song hệ thống YTCS vẫn còn nhiều bất cập chưa được giải quyết, trong đó khó khăn lớn nhất là về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động, cơ chế chính sách và phát triển nguồn nhân lực. Những yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công tác phòng bệnh và KCB.
Ðể giải quyết những nguyên nhân gốc rễ đó, những năm qua, ngành Y tế tiếp tục đổi mới YTCS, hướng tới "bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân" như: Ðưa TYT thuộc TTYT huyện để luân phiên cán bộ từ huyện xuống và từ xã lên, bồi dưỡng cán bộ tuyến dưới để nâng cao kỹ thuật chuyên môn, được tiếp cận với mô hình bệnh tật, nhu cầu của người dân. Tăng cường ứng dụng CNTT để kết nối, bắt đầu từ chương trình tiêm chủng mở rộng, bà mẹ và trẻ em, KCB BHYT cho đến quản lý sức khỏe người dân, tiến tới thực hiện mục tiêu quản lý sức khỏe toàn diện cho từng người dân.…
Thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh việc hoàn thiện mô hình TTYT huyện đa chức năng, tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho tuyến huyện; ban hành Thông tư số 39/2017/TT-BYT về gói dịch vụ y tế cơ bản khuyến khích người dân đến KCB, chăm sóc sức khỏe tại TYT xã. Ðồng thời, đẩy mạnh việc quản lý sức khỏe, theo dõi các bệnh không lây nhiễm tại TYT xã, phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình ở khu vực đô thị để nâng cao hiệu quả hoạt động YTCS.
Từ đây, các TTYT và BV tuyến huyện được sắp xếp thành TTYT đa chức năng, thực hiện cả nhiệm vụ phòng bệnh, chữa bệnh, dân số, ATTP, cả trực tiếp quản lý TYT xã. Ðổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của TYT xã; giao nhiệm vụ quản lý các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm tại TYT xã; nâng cao năng lực phát hiện, sàng lọc, kịp thời chuyển người bệnh lên tuyến trên và tiếp nhận, theo dõi, điều trị người bệnh từ tuyến trên chuyển về; phát triển các phòng khám bác sĩ gia đình…
Ðồng thời, Bộ Y tế cũng từng bước đổi mới cơ chế tài chính, phương thức chi trả cho YTCS. Ban hành và cập nhật gói dịch vụ y tế cơ bản phù hợp với khả năng chi trả của BHYT và NSNN.
Về nhân lực, tiếp tục tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cán bộ từ tuyến trên xuống tuyến dưới và ngược lại; xây dựng các quy trình chuyên môn, hướng dẫn điều trị; tiếp tục đào tạo theo địa chỉ để đào tạo nhân lực cho YTCS, các vùng khó khăn; xây dựng các chính sách ưu đãi cho nhân viên YTCS, nhất là tại vùng kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Song trên thực tế, hiện nay các TYT xã hiện vẫn đang gặp nhiều khó khăn, kể cả về nhân lực, thu nhập cũng như chất lượng KCB, cơ sở vật chất và niềm tin của người bệnh. Dưới góc nhìn của người từng đi hỗ trợ, đào tạo rất nhiều BV tuyến dưới ở nhiều vùng, miền trong cả nước, bác sĩ, PGS.TS Y khoa Nguyễn Lân Hiếu nhận định: Những khó khăn này sẽ tạo thành vòng luẩn quẩn không có lối ra, nếu việc khắc phục chỉ mang tính “chắp vá”. Bởi tăng lương, xây trụ sở, mua máy móc... không giải quyết được gốc rễ của vấn đề.
Theo ông Nguyễn Lân Hiếu, TYT xã/phường có 2 nhiệm vụ chính: dự phòng (tiêm chủng, phòng chống dịch, giáo dục tuyên truyền) và điều trị (chăm sóc sức khỏe ban đầu, quản lý các bệnh mạn tính, sơ cấp cứu tại cộng đồng). Tuy nhiên nhiệm vụ thứ hai ngày càng "teo tóp". Dự phòng là mục tiêu quan trọng, nhưng chữa bệnh cũng cần được coi là chìa khóa để YTCS đủ sức tồn tại, xây dựng được lòng tin với người bệnh và phát triển được trong nền kinh tế thị trường.
“Sự bất cập về chính sách, về chế độ tiền lương…, giữa YTCS với y tế tuyến trên là những rào cản cho sự phát triển của YTCS. Đơn cử, trước đây, trong các TYT xã có quầy thuốc, vừa là nơi phục vụ cho người bệnh cần mua những sản phẩm bảo đảm với giá cả được kiểm soát, vừa là nguồn thu nhập tăng thêm chính đáng cho nhân viên y tế. Nhưng hiện nay, việc này không thể thực hiện được vì TYT xã/phường không có nguồn đầu tư để thiết lập nhà thuốc đạt chuẩn GPP”- ông Nguyễn Lân Hiếu dẫn chứng.
Vậy làm cách nào để hệ thống YTCS không bị “teo tóp” và “nhạt nhoà” chức năng điều trị? Theo ông Nguyễn Lân Hiếu, cần thử nghiệm mô hình mới, đó là: Coi các TYT xã/phường là phòng khám của TTYT quận huyện; các tiêu chuẩn con người là tương đương nhau, cả người bệnh và nhân viên y tế. Các bác sĩ TTYT quận, huyện sẽ có những buổi khám ngoại trú cố định ở xã/phường, đặc biệt là với các bệnh mãn tính, không lây nhiễm như: Huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tâm thần... Họ đồng thời cũng sẽ có các buổi khám về ngoại khoa, sản khoa, nhi khoa... để xử lý tại chỗ các vấn đề đơn giản, tư vấn cho người bệnh đi chữa đúng địa chỉ, nếu cần chuyển lên tuyến trên.
Cùng với đó, TYT xã/phường cần phối hợp với BV tỉnh và các TTYT quận, huyện. Bác sĩ giỏi ở tỉnh sẽ về huyện làm việc định kỳ. Những bệnh nhân sau mổ sẽ được khám lại ở huyện khi hệ thống đã liên thông. Việc này rất nhiều BV tỉnh đã tiến hành với tuyến trung ương, các bác sĩ đầu ngành cũng đã có các buổi khám tại địa phương theo lịch.
“Một yếu tố quan trọng nữa là phải đào tạo thường xuyên, liên tục để nâng cao tay nghề cho nhân viên y tế tuyến cơ sở. Trong đó, việc tổ chức đào tạo là trách nhiệm của các trường ĐH và các BV thực hành; còn đầu tư phần cứng (máy tính, camera, đường truyền) và phần mềm là trách nhiệm của Sở Y tế và chính quyền địa phương. Bởi không đào tạo, thiếu cập nhật kiến thức đều là nguồn gốc sự đi xuống của bất kỳ hệ thống nào trong cuộc sống”- ông Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ.
Bài: Lệ Yến Đồ hoạ: Thanh An
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Phóng sự kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 01/7/2024: ...
[Phóng sự] BHXH Việt Nam - 30 năm hành trình an ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?