Quyết tâm tạo kỳ tích phát triển BHXH (*)

01/01/2021 07:52 AM


Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021 của BHXH Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dự và phát biểu chỉ đạo. Phó Thủ tướng cho rằng, năm 2021 là năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới, nên từ bài học của BHYT và kinh nghiệm những năm đã qua, chúng ta phải quyết tâm tạo sự đột phá, làm nên kỳ tích về phát triển BHXH. Kỳ An sinh xã hội trân trọng trích đăng phát biểu của Phó Thủ tướng.

Năm 2014, Chính phủ có Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, hướng tới cải thiện các chỉ số của Việt Nam, trong đó có chỉ số về nộp thuế, BHXH. Cải thiện các chỉ số nói chung và chỉ số nộp thuế, BHXH nói riêng gặp vô vàn khó khăn.

Cho đến nay, chỉ số về nộp thuế, BHXH của chúng ta đã tăng 59 bậc trên bảng xếp hạng quốc tế, từ thứ hạng 168 nâng lên thứ hạng 109. Có sự cải tiến thứ hạng trong những năm đầu chủ yếu là do ngành BHXH. Qua đây, mang lại niềm tin rằng, Việt Nam sẽ thực hiện tốt việc đổi mới, cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của đất nước. Những bước đi đầu tiên rất khó và chúng ta đã vượt qua được nhiều trở ngại.

Một dấu ấn nữa, từ năm 2013- có Nghị quyết của Quốc hội về BHYT, đề ra mục tiêu đến năm 2015 phải đạt 75% dân số có BHYT, đến năm 2020 phải đạt 80%. Một chỉ tiêu rất khó vào thời điểm đó, ít ai nghĩ rằng sẽ đạt được. Cho đến ngày hôm nay, Việt Nam đã đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 90,85%. Thực ra, đến năm 2015, chúng ta đã đạt được kết quả ấn tượng, vượt chỉ tiêu sau 2 năm thực hiện Nghị quyết. Thành tích này được cả thế giới, các tổ chức quốc tế đánh giá cao; thời gian để đạt bao phủ BHYT toàn dân ở các quốc gia (trên 90% trở lên) cần khoảng 40-70 năm; Việt Nam thực hiện trong khoảng 17 năm. Đây là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm thực hiện của các cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan truyền thông thay đổi nhận thức… nhưng vai trò nòng cốt là BHXH Việt Nam. Đây là điều rất đáng ghi nhận khi nhìn từ góc độ của một người dân hay từ góc độ của lãnh đạo Chính phủ.

BHXH Việt Nam cũng là đơn vị đầu tiên, làm thật, thiết thực đổi mới, hiện đại hóa bộ máy, CCHC, mạnh dạn tin học hóa một cách thực sự. Dù ai cũng nói CNTT, ai cũng nói 4.0, nhưng quan trọng nhất là đặt ra mục tiêu thiết thực và phải làm thật. BHXH Việt Nam là một trong những cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện mục tiêu này hiệu quả nhất. Việc này không chỉ phục vụ cho công tác của ngành BHXH Việt Nam; dữ liệu, hệ thống của BHXH Việt Nam là một phần quan trọng trong mạng lưới, hệ thống quản trị của quốc gia.

Minh chứng rõ nhất là câu chuyện về mã số định danh công dân để cấp thẻ căn cước công dân điện tử. Ai cũng mong làm được việc này nhưng rất khó. Cách đây 3 năm, tiến độ thực hiện rất chậm, chỉ đến khi có sự vào cuộc của ngành BHXH Việt Nam, sự chuyển biến mới được thấy rõ. Chỉ trong vòng hơn nửa năm, BHXH Việt Nam cùng với Bưu điện Việt Nam kê khai, rà soát được dữ liệu của trên 90 triệu người dân, hình thành cơ sở dữ liệu đầu tiên về BHXH, BHYT- nhưng thực chất là về công dân. Đây cũng là cơ sở để xây dựng mã số định danh công dân từ mã số định danh của ngành BHXH, dùng chung để quản lý trong các ngành, lĩnh vực khác. Cũng trên cơ sở đó, tiến trình cấp thẻ căn cước công dân được đẩy nhanh hơn, với sự phối hợp tích cực từ ngành BHXH. Hiệu quả rất thiết thực, chúng ta cũng thấy rõ hơn về cách làm tin học hóa, có niềm tin sẽ làm được và thu được lợi ích rất lớn.

Năm 2020, dù khó khăn do COVID-19, nhưng ngành BHXH Việt Nam đã nỗ lực rất lớn: Chung tay với ngành Y tế đảm bảo thanh toán chi trả xét nghiệm COVID-19 từ BHYT. Các chỉ tiêu về phát triển BHXH, BHYT, nhất là BHXH tự nguyện có bước tăng trưởng lớn. Có được kết quả này, ngành BHXH phải cố gắng rất lớn vì người dân Việt Nam chưa có tâm lý, chưa hình thành nếp quen tham gia BHXH mà thường tích lũy, tiết kiệm bằng các hình thức khác. Thay đổi tư duy, nhận thức này rất khó, nhưng ngành BHXH đã từng bước làm được, rõ nhất là nhìn từ tỷ lệ bao phủ BHYT.

Rất nhiều nỗ lực, cố gắng đạt được những kết quả, thành tích ấn tượng, song vẫn còn những hạn chế. BHYT đã bao phủ đến toàn dân nhưng tỷ lệ tham gia BHXH, BH thất nghiệp còn thấp. Vẫn còn không ít DN trốn, nợ BHXH, BHYT bắt buộc cho NLĐ...

Muốn khắc phục những hạn chế trên, BHXH Việt Nam cần phải chủ động phối hợp. Từ thực tiễn phát triển BHXH tự nguyện, với sự tham gia phối hợp của Bưu điện Việt Nam, cho thấy bài học quan trọng để mở rộng diện bao phủ. Đó là cần phải kết nối rộng hơn, sâu hơn với các đối tác; phải phối hợp trên tinh thần tạo điều kiện để các bên cùng có lợi, minh bạch vì lợi ích của nhân dân. Một vấn đề nữa cần đặt ra, đó là sự phối hợp giữa các bộ, ngành, nhất là ngành Y tế và LĐ-TB&XH… Giải quyết vấn đề này cần sự chủ động tích cực từ 2 phía. Dữ liệu về BHXH, BHYT là dữ liệu về người dân; BHXH Việt Nam được Chính phủ giao xây dựng, quản lý để phục vụ cho quản lý chung của đất nước, không chỉ riêng cho ngành BHXH và cũng không phải riêng của ngành nào. Phải quán triệt tinh thần này, quyết tâm sẽ thực hiện được và sẽ tiết kiệm được nhiều nguồn lực, hiệu quả đem lại rất lớn. Mục đích cuối cùng là phục vụ người dân thật tốt.

BHXH là chính sách mang tính dài hạn, rất khó để người dân thấy được ngay lợi ích, vì vậy chúng ta phải tìm cách làm. Từ đây cũng đặt ra vấn đề xây dựng chính sách, thiết kế các gói quyền lợi BHXH tự nguyện linh hoạt hơn, hấp dẫn, nâng cao quyền lợi hưởng tương ứng với mức đóng, thu hút người dân tham gia nhiều hơn. Việc này có thể thực hiện khi có sự tham gia hợp tác của nhiều bên. Quan trọng nhất là phải từng bước thay đổi suy nghĩ, thay đổi tâm lý, thói quen tích lũy của người dân; tư duy bây giờ là phải tham gia BHXH. Muốn làm được điều này, ban đầu nên đưa ra các gói đóng nhỏ để thu hút người dân tham gia trong một số năm để họ dần quen. Cần có một kế hoạch tuyên truyền, vận động thực sự bài bản. Các địa phương phải vào cuộc mạnh mẽ để có sự đổi mới thực sự.

Bài học từ phát triển BHYT là giao kế hoạch, hỗ trợ các nhóm đối tượng tham gia. BHXH cũng cần như vậy và bắt đầu từ việc xây dựng, hoàn thiện chính sách, kết hợp hỗ trợ, cùng với các biện pháp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động. Tất cả các quốc gia trong quá trình phát triển ban đầu, vì nghèo đói nên chỉ chú trọng vào kinh tế; đến khi kinh tế phát triển rồi, an sinh xã hội sẽ được chú trọng. Chỉ đến khi bao phủ BHXH toàn dân, hệ thống an sinh xã hội mới đảm bảo cơ bản sự bền vững- đây là nhiệm vụ rất lớn.

Năm 2021, năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới, từ bài học của BHYT và kinh nghiệm những năm đã qua, chúng ta phải quyết tâm tạo sự đột phá, làm nên kỳ tích về phát triển BHXH. Chỉ khi tăng diện bao phủ BHXH, chúng ta mới đạt mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội bền vững; an sinh xã hội bền vững rồi sẽ tiết kiệm được nhiều nguồn lực. Cần nhấn mạnh rằng, để đảm bảo hệ thống an sinh xã hội, góp phần giữ vững định hướng, bản chất nhà nước XHCN, vai trò, sứ mệnh của ngành BHXH Việt Nam sẽ ngày càng lớn.

(*) Tiêu đề do BBT đặt

BBT