Dự thảo Luật BHYT (sửa đổi): Bổ sung nhiều đối tượng tham gia BHYT
05/05/2023 04:08 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bộ Y tế đề xuất bổ sung đối tượng tham gia BHYT có HĐLĐ từ 1 tháng trở lên; mở rộng quyền lợi người tham gia và đơn giản hóa các thủ tục thanh toán…
Theo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật BHYT (sửa đổi), thì Luật BHYT được ban hành đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hệ thống pháp luật về BHYT. Mặc dù bị tác động của đại dịch Covid-19, song đến cuối năm 2022, toàn quốc đã có trên 91 triệu người tham gia, đạt tỷ lệ bao phủ 92% dân số. Quyền lợi của người tham gia BHYT được điều chỉnh phù hợp, đáp ứng nhu cầu KCB; công tác tổ chức KCB và thanh toán chi phí đã được cải thiện đáng kể về quy trình, thủ tục. Người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội, người có công, trẻ em dưới 6 tuổi đã được quan tâm trong tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ y tế theo quy định của Luật BHYT.
Việc mở rộng cơ sở KCB BHYT, nhất là việc tổ chức KCB BHYT tại tuyến xã cũng như quy định lộ trình điều chỉnh phạm vi và mức chi trả của quỹ BHYT đối với trường hợp tự đi KCB không đúng nơi đăng ký KCB ban đầu (trừ trường hợp cấp cứu) đã tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế phù hợp với điều kiện, nhu cầu và khả năng chi trả ngay từ tuyến y tế cơ sở, cũng giảm tải cho cơ sở KCB tuyến trên. Chất lượng dịch vụ y tế ngày càng được cải thiện, nâng cao; việc ứng dụng CNTT trong quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ y tế, quản lý BV và giám định BHYT được thực hiện hiệu quả.
Quỹ BHYT đang trở thành nguồn tài chính cơ bản phục vụ cho hoạt động của các BV. Đặc biệt, chính sách BHYT đã bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia; đồng thời cũng đảm nhận nhiều chính sách phúc lợi xã hội khác. Mặt khác, về cân đối quỹ BHYT, mặc dù trong một số năm (2017-2019) có số thu BHYT dành cho KCB trong năm thấp hơn số chi, nhưng tính chung từ năm 2010 đến năm 2022, quỹ BHYT đảm bảo cân đối thu chi và có kết dư, góp phần tạo ra nguồn tài chính ổn định cho công tác KCB, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT.
Tuy nhiên, theo đánh giá, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện đã xuất hiện một số khó khăn, vướng mắc nên cần phải sửa đổi, bổ sung một số điều để đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn. Trong đó, mở rộng bền vững đối tượng và quyền lợi của người BHYT với mục tiêu tăng bền vững tỷ lệ dân số tham gia BHYT và cải thiện phạm vi quyền lợi BHYT hợp lý, chi phí hiệu quả; bảo đảm tất cả mọi đối tượng trong xã hội được quyền và có trách nhiệm tham gia BHYT.
Đồng thời, cải cách TTHC, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho tham gia BHYT (thủ tục tham gia BHYT đơn giản, thuận tiện, cho phép thời gian đóng BHYT đối với HĐLĐ từ 1 tháng trở lên); bổ sung một số quyền lợi được hưởng như: Dịch vụ vận chuyển người bệnh khi chuyển viện (hiện mới được khi chuyển từ tuyến huyện lên tuyến trên); dịch vụ khám, chẩn đoán sớm một số bệnh; làm rõ để giảm các trường hợp không được BHYT chi trả như giới hạn trong dịch vụ y tế thuộc phạm vi thử nghiệm lâm sàng); xử lý nghiêm các trường hợp trốn đóng, chậm đóng BHYT đối với DN nhằm bảo đảm quyền lợi NLĐ và tính nghiêm minh của pháp luật.
Bên cạnh việc bổ sung đối tượng thuộc các nhóm chưa quy định trong luật hiện hành, thì luật sửa đổi lần này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia BHYT như: Quy định chuyển cơ sở KCB và chuyển thanh toán BHYT đồng bộ với nhau; lựa chọn nơi KCB ban đầu. Quy định đồng bộ về mức hưởng đối với ngoại trú và nội trú với cấp KCB cơ bản khi phân lại cấp theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 và quy định về mức hưởng có liên quan đến tuyến.
Đáng chú ý, Bộ Y tế đề xuất mở rộng hình thức thanh toán trực tiếp; bổ sung hình thức thanh toán trực tiếp cho người bệnh khi phải tự mua thuốc do cơ sở KCB không cung ứng được và việc thanh toán theo dòng mua sắm tập trung cấp quốc gia hoặc thông qua mua sắm đặc biệt qua tổ chức quốc tế; chính sách sửa đổi để nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành BHYT, trách nhiệm của cơ sở cung ứng dịch vụ y tế và cơ quan BHXH. Trong đó, nêu rõ việc thể hiện chính sách bảo hộ của Nhà nước đối với quỹ BHYT. Khi có bội chi quỹ BHYT (hết quỹ KCB và quỹ dự phòng), quỹ BHYT được vay từ NSNN; quỹ BHYT trả nợ NSNN khi có kết dư (đã bổ sung đủ quỹ dự phòng BHYT và có kết dư quỹ KCB)...
NH
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?