Ngành BHXH Việt Nam: Tạo nên đột phá góp phần kiến tạo An sinh xã hội

04/03/2024 03:32 PM


* PV: Những năm qua, công tác an sinh xã hội luôn được Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo- coi đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, nhằm góp đảm bảo ổn định chính trị-xã hội đất nước. Vậy, nhận định của bà về hệ thống chính sách an sinh xã hội ở nước ta như thế nào?

- Bà Nguyễn Thanh Cầm:

Trước hết, cần khẳng định, thời gian qua, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong lĩnh vực an sinh xã hội. Theo đó, hệ thống chính sách xã hội đã cơ bản hoàn thiện, từng bước tiến tới mục tiêu đảm bảo công bằng, toàn diện, bao trùm, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, cơ bản đảm bảo quyền an sinh của người dân, góp phần phát triển kinh tế, ổn định chính trị và trật tự xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân…

Tại Việt Nam, hệ thống chính sách an sinh xã hội gồm 4 nhóm cơ bản. Cụ thể: Nhóm chính sách việc làm đảm bảo thu nhập tối thiểu và giảm nghèo sẽ hỗ trợ người dân chủ động phòng ngừa các rủi ro thông qua tham gia thị trường lao động, để có được việc làm tốt, thu nhập tối thiểu và giảm nghèo bền vững. Nhóm chính sách BHXH hỗ trợ người dân giảm thiểu rủi ro khi bị ốm đau, TNLĐ, tuổi già… thông qua tham gia BHXH để chủ động bù đắp phần thu nhập bị suy giảm hoặc bị mất do các rủi ro trên.

Nhóm chính sách trợ giúp xã hội, bao gồm chính sách trợ cấp thường xuyên và trợ cấp đột xuất. Nhóm chính sách dịch vụ xã hội cơ bản, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ cơ bản về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin truyền thông. Trong đó, trụ cột chủ yếu và phổ quát là BHXH (bao gồm BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, BH thất nghiệp, BH TNLĐ-BNN) và BHYT (từ năm 2015 theo quy định BHYT bắt buộc). Tiếp theo đó là các nhóm chính sách về việc làm, giảm nghèo, bảo trợ xã hội.

Tôi cũng phải khẳng định, nhóm chính sách cơ bản nhất trong an sinh xã hội thường được nhắc đến như những trụ cột chính và lâu dài chính là BHXH, BHYT. Đối với BHXH, tỷ lệ bao phủ so với lực lượng lao động trong độ tuổi còn khá khiêm tốn (chỉ hơn 39%). Như vậy, vẫn còn một nhóm khá lớn NLĐ chưa tham gia BHXH và chủ yếu trong lĩnh vực phi chính thức. Đây cũng chính là thách thức lớn trong bảo đảm an sinh xã hội bền vững ở nước ta nói chung và trong phát triển đối tượng tham gia BHXH nói riêng.

Các chính sách an sinh xã hội, nhất là BHXH, đã giúp cho NLĐ có cuộc sống tối thiểu, ổn định, bù đắp những khó khăn nhất định khi NLĐ nghỉ hưu, góp phần bảo đảm lưới an sinh cho xã hội. Các nhóm chính sách bảo trợ xã hội giúp cho người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế, bảo đảm một phần cuộc sống. Các chính sách giảm nghèo hỗ trợ cho người nghèo thoát nghèo và vươn lên. Chính sách BHYT phát huy vai trò quan trọng đáp ứng nhu cầu KCB ngày càng gia tăng và giảm chi phí khi đi KCB cho người dân; đồng thời cũng giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế tốt hơn, góp phần giúp những người khó khăn khi ốm đau giảm thiểu rủi ro, tránh tình trạng nghèo hóa.

Chúng ta đều biết rằng, an sinh xã hội có vai trò rất quan trọng, đó là góp phần quan trọng trong việc bảo đảm thu nhập, duy trì mức sống tối thiểu, căn bản cho người dân, giúp hỗ trợ thúc đẩy phát triển thị trường lao động, việc làm bền vững hơn. Đặc biệt, qua đại dịch Covid-19 còn cho thấy vai trò quan trọng của hệ thống an sinh xã hội, đó là bảo đảm an toàn cho người dân trong điều kiện biến động về kinh tế-xã hội, chuẩn bị nguồn lực để bảo đảm một số dịch vụ xã hội cơ bản, nhằm tránh rủi ro và tạo cơ hội công bằng cho toàn dân.

* Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) không chỉ mở rộng diện bao phủ đến mọi NLĐ, mà còn mở rộng diện thụ hưởng chính sách, nhất là chế độ thai sản đối với người tham gia BHXH tự nguyện. Qua nghiên cứu, bà đánh giá thế nào về chế độ trợ cấp thai sản hiện nay và có đề xuất gì nhằm hoàn thiện chính sách này?

- Chế độ thai sản hiện được quy định trong Bộ luật Lao động và Luật BHXH, áp dụng cho những người tham gia BHXH bắt buộc- được đánh giá khá ưu việt cả về thời gian nghỉ và tỷ lệ hưởng: Được trợ cấp một lần và hưởng nguyên lương trong thời gian nghỉ sinh con 6 tháng, có chế độ khám thai, thực hiện kế hoạch hóa gia đình...

Tuy nhiên, điều hạn chế là chế độ thai sản chỉ được áp dụng cho những người tham gia BHXH bắt buộc. Trong khi đó, phần đông phụ nữ là lao động tự do, nông dân tham gia BHXH tự nguyện lại chưa có chế độ nghỉ thai sản; không có tiền lương khi nghỉ sinh con nên điều kiện còn khá khó khăn.

Ngoài ra, hiện nay phụ nữ hộ nghèo là người DTTS được hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con theo chính sách dân số (từ nguồn NSNN quy định tại Nghị định số 39/2015/NÐ-CP). Thế nhưng, chế độ còn rất khiêm tốn (chỉ 2 triệu đồng/lần sinh) và phải có cam kết không vi phạm chính sách và nguồn kinh phí phụ thuộc vào từng địa phương.

Chính vì vậy, việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách về thai sản là một yêu cầu thiết yếu. Cá nhân tôi cho rằng, chúng ta phải nhìn rộng hơn, chính sách thai sản dành cho phụ nữ chính là thể hiện sự quan tâm thực chất nhất đến với trẻ em- thế hệ tương lai của đất nước và cũng chính là vì sự phát triển bền vững của đất nước như tinh thần Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới đã đề ra.

Theo tôi, để đảm bảo an sinh xã hội, chúng ta cần chú trọng vào những thời điểm quan trọng và có nhiều khó khăn nhất trong cuộc đời con người. Đối với phụ nữ và nhiều gia đình trẻ có thể đó chính là thời gian sinh nở, nuôi con nhỏ. Do đó, cần thiết kế chính sách hỗ trợ cho phụ nữ và các gia đình vào đúng thời điểm quan trọng này và mức hỗ trợ phải thực sự thỏa đáng.

Hiện nay, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã đề xuất xây dựng chế độ hưu trí đa tầng bằng việc đưa chế độ hưu trí xã hội (sử dụng NSNN) vào trong Luật cùng với chế độ hưu trí do BHXH chi trả. Việc mở rộng diện bao phủ chế độ thai sản ở Việt Nam hiện nay nên chăng cũng đi theo cách tiếp cận tương tự, để giúp tất cả phụ nữ Việt Nam được hưởng chế độ thai sản, bất kể tình trạng việc làm của họ, dù họ là công nhân hay nông dân, lao động chính thức hay phi chính thức.

Tuy nhiên, tôi vẫn phải nhắc lại quan điểm của Nghị quyết số 4 -NQ/TW là: “Chú trọng huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực đúng mục tiêu, phù hợp với khả năng của nền kinh tế, thu nhập của nhân dân, trong đó nguồn lực nhà nước đóng vai trò chủ đạo, nguồn lực của xã hội là quan trọng”, để đảm bảo có sự chung tay của toàn xã hội trong vấn đề này, để đảm bảo tính lâu dài và bền vững của chính sách an sinh xã hội này.

* Chính sách trợ cấp hưu trí xã hội trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này được đánh giá rất nhân văn. Tuy nhiên, khi giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi, sẽ có thêm gần 800.000 người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và BHYT. Điều này thể hiện sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước đối với người cao tuổi. Quan điểm của bà về nội dung này thế nào?

Ước tính hiện nay có khoảng 1,5 triệu người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu hoặc trợ cấp BHXH hằng tháng khác đang được hưởng trợ cấp xã hội. Khi giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi, sẽ có thêm khoảng 800.000 người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và BHYT. Để thực hiện, mỗi năm NSNN phải chi thêm khoảng 3.456 tỷ đồng cho nhóm đối tượng này.

Tôi cũng đồng tình với cách thiết kế hiện nay để mở rộng quy định về mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng sẽ do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, khả năng của NSNN từng thời kỳ và kết hợp với việc huy động các nguồn lực xã hội tại địa phương, để người cao tuổi có mức hưởng cao hơn. Việc này thể hiện cách thức thực hiện rất linh hoạt, huy động sự chung tay của toàn xã hội để chăm lo cho người cao tuổi, lấy quyền lợi của người cao tuổi làm trung tâm, trong bối cảnh dân số Việt Nam ngày càng già hóa.

Về mức hưởng, tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Xã hội về việc cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung quy định theo hướng linh hoạt hơn việc huy động các nguồn lực xã hội, phương thức đóng linh hoạt hơn để người cao tuổi có mức hưởng như quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 22 của Dự thảo Luật và cao hơn mức trong Dự thảo Nghị định về chính sách trợ cấp hưu trí xã hội kèm theo hồ sơ Dự án Luật- khi vẫn giữ nguyên mức trợ cấp hiện hành là 360.000 đồng/tháng.

* Cùng với việc tăng cường ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong hoạt động, những năm qua, ngành BHXH Việt Nam cũng đã chuyển đổi tác phong phục vụ, được Chính phủ đánh giá cao và nhân dân đồng thuận. Bà đánh giá thế nào về sự chuyển đổi tác phong phục vụ của ngành BHXH Việt Nam?

Trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh mẽ, việc chuyển đổi số đã trở thành xu hướng quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội. Trong lĩnh vực BHXH, BHYT, hoạt động chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng và hiệu quả của dịch vụ. Nhiệm vụ này có ý nghĩa rất quan trọng, giúp nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức, cá nhân và tăng cường hiệu quả quản lý của ngành BHXH Việt Nam. Chính vì vậy, cùng với cả hệ thống chính trị, BHXH Việt Nam đã nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, mang lại những thay đổi đột phá, góp phần kiến tạo an sinh xã hội; qua đó góp phần xây dựng ngành BHXH Việt Nam theo đúng định hướng Chính phủ số mà Đảng và Chính phủ đã đề ra.

Qua theo dõi, giám sát cho thấy, 100% thủ tục của ngành BHXH đã được cung cấp trực tuyến toàn trình và tích hợp trên Cổng DVC BHXH Việt Nam; đồng thời từng bước tích hợp trên Cổng DVC quốc gia. Gần như tất cả các hoạt động của Ngành, cũng như các giao dịch của người dân, DN với cơ quan BHXH đã được thực hiện trên môi trường số. Do đó, không chỉ giúp người dân, DN có thể giao dịch với cơ quan BHXH mọi lúc, mọi nơi, mà còn có thể dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ, kiểm tra đối chiếu dữ liệu người tham gia và hưởng chính sách.

Bên cạnh đó, các đơn vị trong toàn ngành BHXH Việt Nam cũng đã chủ động, quyết liệt thực hiện chuyển đổi số, chuyển từ phương thức quản lý thủ công sang hiện đại, tác phong làm việc chuyển từ hành chính sang phục vụ, nhằm tăng sự hài lòng của người tham gia BHXH, BHYT. Điều này giúp ngành BHXH Việt Nam chuyên nghiệp hơn, song để tiếp tục chuyển đổi mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa, toàn ngành BHXH Việt Nam cần tiếp tục thúc đẩy tính chuyên nghiệp trong công tác phục vụ, sớm xây dựng và thực hiện Đề án cải cách tổ chức bộ máy, để tăng cường và nâng cao chất lượng công tác quản lý cũng như thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao.

* Trân trọng cảm ơn bà!

Thực hiện: Vũ Thu Trình bày: Hà Hùng