Quản lý điều trị tăng huyết áp tại y tế cơ sở chính là giải pháp quản lý hiệu quả quỹ BHYT

15/07/2024 08:01 AM


“Thực tế cho thấy, việc thực hiện hiệu quả quản lý điều trị tăng huyết áp theo nguyên lý y học gia đình tại y tế cơ sở chính là giải pháp quản lý hiệu quả chi phí BHYT…”- TS.Nguyễn Đức Hoà- Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nhấn mạnh tại Hội nghị "Sơ kết mô hình điểm quản lý, điều trị tăng huyết áp theo nguyên lý y học gia đình tại tuyến xã, thị trấn giai đoạn 2020-2024", do UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội) tổ chức sáng 13/7.

Giảm thiểu bệnh nhân biến chứng và tử vong do tăng huyết áp

Nhấn mạnh ý nghĩa của việc triển khai mô hình quản lý điều trị tăng huyết áp (THA) theo nguyên lý y học gia đình (YHGĐ) tại tuyến xã, thị trấn, ông Đỗ Trung Hai- Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Mỹ Đức nhấn mạnh, trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, trạm y tế (TYT) đóng vai trò quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh bệnh mạn tính ngày càng tăng như đái tháo đường (ĐTĐ), THA...

TS.Nguyễn Đức Hoà- Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Vì vậy, sự hỗ trợ của Sở Y tế và BHXH TP.Hà Nội tạo điều kiện để TTYT huyện Mỹ Đức phối hợp với BV Tim Hà Nội triển khai mô hình khám, điều trị THA theo nguyên lý YHGĐ tại TYT xã từ năm 2020 đến nay, mang ý nghĩa đặc biệt, giúp giảm thiểu bệnh không đáng có cho người dân tại địa phương. Nhấn mạnh sự tiến bộ vượt bậc của ngành Y tế trên địa bàn, ông Hai cho biết, Mỹ Đức hiện đã đạt 94,5% dân số tham gia BHYT, là một tỷ lệ tích cực so với mặt bằng chung của Hà Nội... cũng là một trong những điều kiện thực hiện nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe, chất lượng cuộc sống người dân.

Chia sẻ cụ thể về mô hình này, BS.Nguyễn Văn Năm- Giám đốc TTYT huyện Mỹ Đức cho biết, giai đoạn từ năm 2015 trở về trước, việc quản lý, điều trị THA được thanh toán BHYT chủ yếu áp dụng từ BV tuyến huyện trở lên và chưa có mô hình quản lý thống nhất về khám, điều trị và thanh toán BHYT cho bệnh THA tại TYT của quận/huyện. Chính vì vậy, người bệnh THA trên địa bàn huyện Mỹ Đức về cơ bản chưa được quản lý theo dõi, điều trị tại TYT đầy đủ và hiệu quả, hằng tháng thường phải lên BV tuyến huyện và tuyến thành phố để được khám, tư vấn, cấp thuốc, dẫn đến gặp không ít khó khăn về đi lại, thủ tục chuyển tuyến, cũng như tăng gánh nặng chi phí.

BS.Nguyễn Văn Năm- Giám đốc TTYT huyện Mỹ Đức báo cáo kết quả thí điểm

Trong khi đó, nhu cầu của người dân, người bệnh về chăm sóc sức khỏe một cách thuận tiện, chất lượng ngay tại tuyến y tế cơ sở ngày càng cao. Đặc biệt, năm 2020, dịch bệnh Covid-19 khiến Hà Nội thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, gặp khó khăn trong mua sắm thuốc, vật tư, hóa chất và thay đổi cách thức KCB để ứng phó với sự lây lan của dịch bệnh này. “Bệnh THA là bệnh mạn tính không lây, nên khi bị bệnh, người bệnh phải dùng thuốc hằng ngày, suốt đời và luôn cần tới y tế đánh giá hiệu quả điều trị, tư vấn phòng tai biến, tránh đột quỵ. Trong khi đó, bệnh có thể được chẩn đoán xác định ngay tại tuyến cơ sở bằng đo huyết áp”- ông Năm cho biết.

Do đó, theo ông Năm, từ đầu tháng 5/2020, TTYT huyện Mỹ Đức đã đề xuất Sở Y tế và BHXH TP.Hà Nội tạo điều kiện giúp đỡ TTYT huyện phối hợp với BV Tim Hà Nội triển khai mô hình khám, điều trị THA theo nguyên lý YHGĐ tại TYT xã Bột Xuyên và được thanh toán BHYT. Mô hình được thực hiện theo phương thức "cầm tay chỉ việc", đào tạo tại chỗ và hỗ trợ khám, tư vấn, điều trị qua điện thoại video, zalo; đồng thời nhân rộng mô hình đến các TYT xã, thị trấn khác trên địa bàn huyện (gồm 6 xã, thị trấn: An Mỹ, Hồng Sơn, Lê Thanh, Đại Nghĩa, An Phú, Phùng Xá)...

Sau 4 năm triển khai làm điểm, tính đến tháng 6/2024, huyện Mỹ Đức đã có 15.236/18.475 (82,4%) người dân từ trên 40 tuổi tại 6 xã được khám sàng lọc, trong đó có 3.836 bệnh nhân THA được phát hiện và đưa vào quản lý. Riêng các TYT quản lý điều trị thường xuyên, liên tục cho 1.684 bệnh nhân, trong đó số bệnh nhân điều trị huyết áp đạt mục tiêu là 1.418 bệnh nhân (84,2%)...

Các đại biểu tham dự Hội nghị "Sơ kết mô hình điểm quản lý, điều trị tăng huyết áp theo nguyên lý y học gia đình tại tuyến xã, thị trấn giai đoạn 2020-2024"

Khẳng định hiệu quả mô hình này trong chăm sóc sức khỏe người dân, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm của THA và tiết kiệm chi phí điều trị, BS.Nguyễn Văn Năm chia sẻ một số dữ liệu của xã Bột Xuyên- địa phương đầu tiên triển khai mô hình này. Theo đó, trước khi triển khai mô hình khám sàng lọc, quản lý điều trị THA, TYT xã Bột Xuyên mới quản lý 179 bệnh nhân, trung bình mỗi tháng điều trị 2-3 bệnh nhân. Sau khi triển khai, TYT đã lập bệnh án quản lý 358 bệnh nhân, trung bình khám và điều trị duy trì 270 bệnh nhân mỗi tháng. Số người bệnh đạt hiệu quả điều trị duy trì ngoại trú hằng tháng tại TYT trung bình đạt 82,3%.

Sau 4 năm (từ tháng 5/2020 đến tháng 6/2024) triển khai mô hình, số ca tử vong liên quan đến các bệnh lý về tim mạch trên địa bàn và tai biến mạch máu não đều giảm so với trước đây. Số bệnh nhân phải chuyển tuyến trên điều trị trong thời gian triển khai mô hình là 2-3 ca/năm so với bình quân 14 ca/tháng trước đây... Ngoài điều trị theo phác đồ, người bệnh còn được nhân viên y tế hướng dẫn tự đo huyết áp, ghi chép, theo dõi chỉ số huyết áp... là cơ sở để bác sĩ nắm bắt diễn biến bệnh lý, tư vấn điều chỉnh thuốc và chế độ sinh hoạt kịp thời.

Nâng cao hiệu quả quản lý chi phí BHYT

Cũng nhấn mạnh sự cần thiết quản lý THA tại y tế cơ sở, PGS-TS.Nguyễn Sinh Hiền- Giám đốc BV Tim Hà Nội cho biết, tại Việt Nam có khoảng 30% người trưởng thành mắc THA, tuy nhiên vẫn còn tỷ lệ tương đối cao bệnh nhân chưa được phát hiện bệnh hoặc đã phát hiện nhưng chưa kiểm soát được bệnh.

PGS-TS.Nguyễn Sinh Hiền- Giám đốc BV Tim Hà Nội nhấn mạnh sự cần thiết quản lý THA tại y tế cơ sở

“Nếu quản lý, điều trị người bệnh THA tại các BV tuyến trên, sẽ dẫn đến tình trạng quá tải khi tiếp nhận bệnh nhân đến khám, điều trị. Để giảm tình trạng này, góp phần điều trị sớm và hiệu quả cho người bệnh, chúng ta cần phải có kế hoạch, giải pháp cụ thể để giải quyết tình hình ngay tại tuyến y tế ban đầu”- PGS-TS.Nguyễn Sinh Hiền đề xuất.

Chung góc nhìn, TS.Nguyễn Đức Hòa- Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đánh giá: "Thực tế triển khai quản lý điều trị THA tại tuyến xã của Mỹ Đức cho thấy, đây là giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý chi phí KCB BHYT. Đó là kết quả tích cực trong phòng ngừa biến chứng bệnh THA có chi phí điều trị cao, bởi THA là bệnh lý nguy hiểm được xem như “kẻ giết người thầm lặng” khi toàn bộ sự tiến triển của bệnh thường diễn ra trong âm thầm, không có triệu chứng, gây biến chứng, tổn thương nặng nề cho các cơ quan như: Tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận... Bên cạnh đó, mô hình này cũng tạo thuận lợi cho người bệnh trong tiếp cận các dịch vụ KCB một cách nhanh chóng, giảm chi phí và thời gian đi lại, chờ đợi... Từ đó củng cố niềm tin của người dân vào hệ thống y tế cơ sở...".

Đặc biệt, TS.Nguyễn Đức Hòa chỉ rõ, mô hình này cũng hiện thực hóa Chỉ thị số 25-CT/TW (ngày 25/10/2023) của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới. Theo đó, Chỉ thị đã đặt ra yêu cầu: “Hoạt động của TYT xã, phường, thị trấn phải gắn với quản lý toàn diện sức khỏe cá nhân; quản lý, điều trị bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính, dinh dưỡng cộng đồng; thực hiện hoạt động KCB theo mô hình YHGĐ...”.

Ông Đặng Văn Cảnh- Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Mỹ Đức phát biểu tại Hội nghị

Bày tỏ ủng hộ chủ trương để bệnh nhân mạn tính đã ổn định được quản lý tại y tế cơ sở, TS.Hòa đề nghị huyện Mỹ Đức nhân rộng mô hình đến tất cả các TYT xã trên địa bàn. Đồng thời, bày tỏ mong muốn sự vào cuộc tích cực với trách nhiệm cao nhất của ngành Y tế và chính quyền địa phương trong việc tiếp tục nâng cao hiệu quả KCB của hệ thống y tế quan trọng này.

Thống nhất “cần nhân rộng mô hình quản lý, điều trị bệnh THA và một số bệnh mạn tính khác tại tuyến xã, thị trấn”, ông Đặng Văn Cảnh- Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Mỹ Đức khẳng định: “Mục tiêu chung mà chúng ta hướng đến là chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân”. Yêu cầu tiếp tục nâng cao chất lượng KCB tại tuyến cơ sở để “TYT phải là nơi người dân gửi gắm niềm tin”, ông Cảnh đề nghị tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của ngành BHXH, Sở Y tế và các BV tuyến đầu như BV Tim Hà Nội... trong nhân rộng và nâng cao hiệu quả của mô hình này.

Thái An