Bông hoa dành tặng người lao động

13/02/2020 07:25 AM


Hơn 20 năm qua, hình ảnh biểu trưng cơ quan BHXH ngày càng trở lên gần gũi, thân quen với triệu triệu người dân Việt Nam. Thế nhưng, sự ra đời và ý nghĩa của nó chưa hẳn nhiều người biết đến.

Năm cánh hoa sen

Theo lời hẹn, chúng tôi tìm về KĐT sinh thái Ecopark (Hà Nội)- nơi gia đình họa sĩ Nguyễn Thủy Liên đang sống. Gặp lại sau hơn 20 năm, vẫn ánh mắt và nụ cười đôn hậu ấy, anh thân mật đón chúng tôi vào nhà. Trong phòng khách, điểm nhấn rất dễ nhận ra là biểu trưng ngành BHXH được chủ nhân lồng trang trọng trong khung kính treo chính giữa. Hoạ sĩ tự hào giới thiệu về “đứa con tinh thần” của mình.

 

Biểu tượng- niềm tự hào của cán bộ BHXH

Ngày đó, cách đây hơn 20 năm, nói đến BHXH, thường mọi người chỉ nghĩ đến bảo hiểm thương mại. Với anh cũng vậy, chỉ sau khi dự cuộc họp triển khai cuộc thi sáng tác biểu trưng ngành BHXH do BHXH Việt Nam phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức, anh mới hiểu rõ sự khác biệt và ý nghĩa nhân văn cao cả của chính sách BHXH. “Quỹ BHXH do chính NLĐ và chủ SDLĐ đóng góp. NLĐ đóng góp từ lúc đi làm đề phòng lúc ốm đau, hoạn nạn, khi về già, để được hưởng trợ cấp, lương hưu từ chính nguồn quỹ mà mình tích góp. Vấn đề là biểu trưng làm sao phải bộc lộ được sự lớn lên, trưởng thành, sự phát triển vững bền của quỹ. Đặc biệt, quỹ là của NLĐ, phục vụ cho chính NLĐ, nhằm đảm bảo ASXH”- họa sĩ Thủy Liên chia sẻ.

Với tinh thần thể hiện tính tổng quát, đại chúng và nhân văn, biểu trưng phải cô đọng, khái quát, nhưng không thô, họa sĩ Thủy Liên đã chú tâm phác họa hơn chục mẫu. Cuối cùng, anh tâm đắc và tập trung hoàn thiện mẫu biểu trưng hình tròn, có bóng cây đại thụ, râm mát được cách điệu từ dáng NLĐ đang hào hứng, hân hoan, vươn lên khỏe khoắn với sự bảo đảm của các chính sách BHXH. “Đầu người là tâm của tán cây, là nhụy của đóa hoa. Cây đại thụ với tán lá hình bông hoa như chở che cho thân cây là hình tượng NLĐ được cách điệu hình chữ V- Việt Nam. Cây đại thụ ấy sinh sôi, nảy nở trong sự trường tồn của sự nghiệp BHXH, nhờ sự đóng góp của chính những NLĐ. Biểu tượng cho 5 chế độ BHXH là hoa 5 cánh hoa sen bình dị, gần gũi của dân tộc Việt Nam. Dòng chữ “Bảo hiểm xã hội Việt Nam” uốn theo hình vòng cung phía dưới là vành đai pháp lý của cơ quan tổ chức thực hiện chính sách BHXH”- họa sĩ Thủy Liên lý giải về ý tưởng.

Theo anh, ngày ấy cũng có người băn khoăn sau này chế độ BHXH được mở rộng thì sẽ như thế nào? “Tôi cho rằng, đây chỉ là hình tượng, còn hoa sen luôn có nhiều lớp cánh và luôn phát triển”- họa sĩ tâm đắc giải thích.

Mở máy tính cho tôi xem lại những bản phác thảo được lưu lại từ năm 1998, họa sĩ Thủy Liên kể tiếp: “Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, tôi quyết định chọn màu xanh lam cho biểu trưng ngành BHXH. Bởi màu xanh lam có độ đằm thắm, yên bình, đó cũng là sự ổn định, chắc chắn của quỹ BHXH mà khi NLĐ tham gia là yên tâm tạo dựng cho mình một chỗ dựa lúc về già. Những nét trắng biểu tượng cho sự minh bạch, rõ ràng. Với ý nghĩa sâu sắc đó, BHXH chính là niềm vui, là bông hoa đẹp dành tặng NLĐ”.

Nói về biểu trưng, ông Hồ Tế- nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính, nguyên Chủ tịch HĐQL BHXH Việt Nam tỏ ra rất tâm đắc: “Biểu trưng ngành BHXH có hình tròn, từ tâm vòng tròn đến các điểm đầu các cánh hoa đều bằng nhau, thể hiện sự bình đẳng, công bằng. Bên trong vòng tròn ấy có hoa sen 5 cánh tượng trưng cho 5 chế độ BHXH, cũng là tượng trưng cho ngũ hành. Mà theo triết học cổ đại thì mọi vật trong vũ trụ đều sinh ra từ ngũ hành: Kim- Thuỷ- Mộc- Hoả- Thổ. Theo đó, có chính sách BHXH thì con người được an sinh, đó cũng là mục tiêu hướng đến của một Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Biểu trưng còn thể hiện rõ tính nhân văn, bởi cái vòng tròn như ôm trọn vòng đời của mỗi con người (Sinh- Lão- Bệnh- Tử); đồng thời cũng thể hiện sự bao quát của chính sách BHXH đối với con người, lấy con người làm trung tâm để phục vụ”.

Họa sĩ của những giải thưởng biểu trưng

Họa sĩ Nguyễn Thủy Liên sinh năm 1949 tại Đông Anh (Hà Nội) trong gia đình truyền thống hoạt động nghệ thuật. Cha anh là cố họa sĩ Nguyễn Thủy Tuân. Hồi nhỏ, anh rất mê kịch nói, rồi nghệ thuật múa rối; khi trưởng thành trong anh lại trỗi dậy niềm đam mê với mỹ thuật. Anh cầm cọ vẽ theo nghề truyền thống gia đình. Ban đầu là mưu sinh sao chép tranh cổ động cho cha khi xưởng tranh cổ động Trung ương đặt hàng, sau cầm bút đót theo các họa sĩ đàn anh đi phóng tranh khổ lớn và thi công triển lãm.

Sau khi tốt nghiệp ĐH Thư viện khóa 4 (Trường Lý luận nghiệp vụ của Bộ Văn hóa, nay là trường ĐH Văn hóa) năm 1970, anh về công tác tại Trường Đoàn Trung ương (nay là Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam). Với cương vị Giám đốc Trung tâm Thông tin tư liệu, thư viện, kiêm giảng viên nghệ thuật (Khoa Văn hóa-Thể thao), anh luôn say mê học hỏi, tích lũy thêm kinh nghiệm. Trở thành hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 1992 khiến anh ngày càng bị cuốn theo sáng tạo nghệ thuật.

Do tính cẩn thận, họa sĩ Nguyễn Thủy Liên thường được Trung ương Đoàn trưng tập lo trang trí các hội nghị, đại hội… “Tiếng lành đồn xa”, anh được mời cộng tác thiết kế bìa sách, tờ gấp, các poser… cho NXB Kim Đồng, NXB Thanh niên, Ban Tuyên huấn Trung ương, Trung tâm Dân số- Sức khỏe và Môi trường, Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, Hội Nhà báo Việt Nam… Anh đã sáng tác được nhiều biểu trưng và lưu dấu ấn cho đến tận bây giờ như: Biểu trưng ngành BHXH, biểu trưng về Thanh niên- Dân số- Gia đình Việt Nam; biểu trưng Cung Thiếu nhi Hà Nội; biểu trưng Hội nghị Thượng đỉnh các nước nói tiếng Pháp; biểu trưng Thư viện Quốc gia Việt Nam, biểu trưng Môi trường Việt Nam, biểu trưng Báo Hà Nội Mới, biểu trưng TP.Tam Điệp (Ninh Bình), biểu trưng ngành Dân vận…

Năm 2007, họa sĩ Nguyễn Thủy Liên vinh dự được nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam”- đó là sự ghi nhận, động viên, khích lệ anh tiếp tục đam mê, tiếp tục thành công trên con đường sáng tạo nghệ thuật. “Học, làm, tổng kết, rút kinh nghiệm rồi lại học, làm… vòng xoáy ấy là niềm khát khao sáng tạo cái đẹp cho đời, cũng là niềm vui sống của cuộc đời tôi”- họa sĩ Thủy Liên bộc bạch.

Lúc chia tay, anh tặng chúng tôi cuốn sách “Sáng tạo LOGO” vừa mới hoàn thành và cười nói: “Nhờ có lương hưu từ quỹ BHXH, nên mới có thời gian ngồi viết và biên tập cuốn sách này, truyền cảm hứng và kinh nghiệm cho các bạn trẻ đam mê sáng tạo đấy!”.

--------

Cuộc thi chọn biểu trưng ngành BHXH được tổ chức năm 1998, có 226 tác giả với hơn 400 tác phẩm dự thi. Kết quả, mẫu của họa sĩ Thủy Liên đã giành giải Nhất. Cùng tham gia cuộc thi này, em trai anh là họa sĩ Nguyễn Quốc Vinh (cán bộ Trung tâm TTVH TP.Hà Nội) và con gái anh là Nguyễn Thu Thủy (SV Đại học Khoa học xã hội và nhân văn) đều đoạt giải Khuyến khích.

Lệ Yến