Đích cuối cùng của ngành BHXH là lo an sinh cho người dân
15/02/2020 08:30 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 15/2, BHXH Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả 25 năm thực hiện chính sách BHXH, BHYT; các giải pháp triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH và nhiệm vụ công tác năm 2020 của BHXH Việt Nam. Tại điểm cầu Trung ương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và có bài phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Báo BHXH xin trân trọng trích đăng bài phát biểu của Thủ tướng.
Thưa các đồng chí!
Hôm nay, tôi rất hoan nghênh BHXH Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến quan trọng này để chúng ta thảo luận 3 nội dung, gồm: Đánh giá, nhìn lại kết quả 25 năm thực hiện chính sách BHXH, BHYT; bàn các giải pháp triển khai Nghị quyết số 28 của BCH Trung ương Đảng về cải cách chính sách BHXH và thảo luận, giải quyết, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020 của ngành BHXH.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi chúc các đồng chí, quý vị đại biểu cùng toàn thể CCVC, NLĐ ngành BHXH mạnh khoẻ, hạnh phúc để đóng góp vào sự nghiệp an sinh xã hội nói chung và đặc biệt đóng góp vào sự nghiệp phát triển BHXH của nước ta trong thời gian tới.
Qua 25 năm hình thành và phát triển, BHXH Việt Nam đóng vai trò là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị-xã hội, đời sống nhân dân, phát triển bền vững đất nước, góp phần thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta, đóng góp và mang lại những thành quả an sinh xã hội đáng khích lệ, được cộng đồng quốc tế công nhận. Năm 2019, GDP bình quân đầu người của nước ta đạt khoảng trên 2.800 USD- thuộc nhóm nước có thu nhập trung bình thấp trên thế giới; nhưng tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam đạt trên 73,6 tuổi- thuộc nhóm cao của thế giới; tỷ lệ hộ nghèo theo tiếp cận đa chiều còn dưới 4%; các chỉ số phát triển con người HDI của Việt Nam có nhiều tiến bộ- thuộc nhóm trung bình cao trong tổng số 189 quốc gia.
Trên thế giới, BHXH đã xuất hiện và phát triển từ cuối thế kỷ 19 với nhiều mô hình khác nhau, nhằm cung cấp sự bảo đảm về thu nhập cho các thành viên trong xã hội thông qua các cơ chế, chính sách và các can thiệp trước các nguy cơ, rủi ro có thể dẫn đến suy giảm hoặc mất đi nguồn thu nhập. Ở nước ta, ngay sau khi giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã ban hành nhiều Sắc lệnh quan trọng (Sắc lệnh số 54, Sắc lệnh số 105…) liên quan đến chế độ hưu bổng, chế độ trợ cấp thay lương khi CCVC nhà nước bị ốm đau, thai sản, TNLĐ… Đây là những văn bản đầu tiên về chính sách an sinh xã hội của nước ta. Năm 1961, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định 218-CP ban hành Điều lệ tạm thời về các chế độ BHXH đối với CNVC nhà nước.
Bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, với sự phát triển của nền kinh tế nhiều thành phần, chính sách BHXH từng bước được hoàn thiện, mở rộng ra các khu vực kinh tế khác nhau. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (1991) đã đề ra mục tiêu “thiết lập một hệ thống đồng bộ và đa dạng về bảo hiểm và trợ cấp xã hội…”. Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2001 với quan điểm “Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách” đã phát triển mục tiêu cao hơn- đó là “hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội”.
Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội…”. Triển khai những quy định tại Cương lĩnh và Hiến pháp, hệ thống chính sách BHXH, BHYT ngày càng hoàn thiện hơn, phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội theo định hướng XHCN của đất nước, thể hiện rõ nét trong các Nghị quyết Đại hội Đảng, các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương như: Chỉ thị 15 về tăng cường lãnh đạo thực hiện các chính sách BHXH, Nghị quyết 15 về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020, Nghị quyết 21 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT, đặc biệt là Nghị quyết số 28 của BCH Trung ương Đảng về cải cách chính sách BHXH.
Chúng ta có thể thấy, hệ thống pháp lý, chính sách, đường lối của Đảng ta về công tác an sinh xã hội nói chung và BHXH đã được thiết lập, phát triển ngày càng cao. Đây là một lý luận rất căn bản trong nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và những người trực tiếp làm công tác BHXH. Sau 25 năm không ngừng xây dựng và phát triển, BHXH Việt Nam với trọng trách giữ vững an sinh xã hội và đưa đất nước phát triển bền vững, đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng.
Trước hết là, một hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT ngày càng được hoàn thiện, đồng bộ, phù hợp với quá trình phát triển đất nước và thông lệ quốc tế; mô hình tổ chức hệ thống BHXH, BHYT ngày càng được hoàn thiện theo chủ trương của Đảng về cải cách, tinh gọn bộ máy. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật BHXH, BHYT có nhiều đổi mới theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của các tổ chức, cá nhân về vai trò, trách nhiệm cũng như mục đích, ý nghĩa của việc tham gia BHXH, BHYT.
Thứ hai là, diện bao phủ BHXH, BHYT ngày càng được mở rộng. Tính đến hết năm 2019, số người tham gia BHXH đạt gần 16 triệu người (chiếm khoảng 32,3% lực lượng lao động); số người tham gia BHYT đạt gần 86 triệu người (chiếm 90% dân số). Với tỷ lệ này, Việt Nam cơ bản đã hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân và về đích trước thời hạn so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 21. So với một số quốc gia phát triển trên thế giới thì để đạt mục tiêu BHYT toàn dân nói trên phải mất từ 40 đến 80 năm.
Thứ ba là, số lượng người thụ hưởng chế độ BHXH, BHYT không ngừng tăng, bình quân mỗi năm có hàng chục triệu lượt người hưởng chế độ BHXH, hàng trăm triệu lượt người hưởng chế độ BHYT. Theo đó, quỹ BHXH, BHYT đã trở thành một quỹ an sinh lớn nhất; tỷ lệ chi từ nguồn quỹ BHXH ngày càng tăng; tỷ lệ chi từ NSNN cho BHXH ngày càng giảm.
BHXH Việt Nam là một trong những đơn vị có nhiều thành tích trong công tác CCHC và ứng dụng CNTT với nhiều kết quả nổi bật: Đã cắt giảm 3/4 số TTHC (giảm từ 263 xuống 27 thủ tục); đã xây dựng CSDL và cấp mã số BHXH cho 97 triệu dân, góp phần quan trọng vào xây dựng Chính phủ số, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho toàn xã hội… Đặc biệt, Hệ thống giám định BHYT điện tử đã kết nối 100% cơ sở KCB, thực hiện giám định tự động chi phí KCB BHYT giúp cho việc quản lý, sử dụng quỹ KCB BHYT được công khai, minh bạch, hiệu quả.
Tôi biểu dương CBCCVC, NLĐ toàn ngành BHXH đã nỗ lực để Ngành là một trong những nơi đi đầu, có đóng góp quan trọng vào tiến trình xây dựng Chính phủ số, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho toàn xã hội, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn. Tất cả những kết quả đó đã góp phần quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu cao cả của Đảng và Nhà nước trong việc phục vụ, chăm lo cho người dân; khẳng định quan điểm đúng đắn của Đảng trong việc khuyến khích người dân nâng cao năng lực, tự bảo đảm an sinh xã hội.
Bên cạnh sự quan tâm và chỉ đạo thường xuyên của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và sự phối hợp của các cơ quan hữu quan, thì sự chủ động, tích cực, sáng tạo của ngành BHXH có vai trò quyết định. Thay mặt Chính phủ, tôi nhiệt liệt biểu dương, trân trọng sự nỗ lực của toàn ngành BHXH trong suốt chặng đường 25 năm qua.
Chăm lo đời sống, sức khỏe và sự thịnh vượng, ấm no của người dân là sự nghiệp lâu dài của Đảng và Nhà nước ta. Mục tiêu xuyên suốt là phải có một hệ thống an sinh xã hội hướng tới bao phủ toàn dân, phù hợp với chuẩn mực quốc tế; tạo ra một mạng lưới an toàn gồm nhiều tầng, nhiều lớp bảo vệ cho tất cả thành viên của cộng đồng, xã hội.
Chúng ta đang thực hiện phát triển kinh tế, hạ tầng, phát triển khoa học-công nghệ, nhưng cái đích cuối cùng của chúng ta là lo cho đời sống của người dân, lo an sinh cho người dân. Điều này phải được quán triệt để mọi người dân của chúng ta đều được hưởng lợi từ sự nghiệp cách mạng do Đảng và Nhà nước ta lãnh đạo, quản lý, phát triển. Để trở thành lưới an sinh xã hội trọng yếu, hướng đến mục tiêu định hướng XHCN, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thì độ bao phủ của BHXH phải rộng khắp hơn. Hay cụ thể hơn là tất cả NLĐ và những người phụ thuộc cần phải có “lưới an sinh”.
Theo đó, chúng ta cần phải có những giải pháp mới, sáng tạo, khắc phục những tồn tại, hạn chế. Ví dụ như hệ thống chính sách, pháp luật phải được thường xuyên đổi mới, cập nhật cho phù hợp với quy định quốc tế; chính sách an sinh xã hội cần phải ứng dụng công nghệ số để quản lý thống nhất, bảo đảm hiệu quả, giảm chi phí thường xuyên cho bộ máy, tổ chức của BHXH Việt Nam, giảm mạnh thời gian nộp BHXH trong thời gian tới; phải triệt để giải quyết tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT, tình trạng trốn đóng BHXH và nâng cao công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan BHXH.
Một điều quan trọng cần chú ý là công cuộc phát triển BHXH hiện nay được thực hiện trong bối cảnh không ít khó khăn, thách thức như: Kinh tế trong nước còn khó khăn, nguồn lực chính sách nhà nước còn hạn hẹp, thu nhập của nhiều người dân còn thấp và chưa ổn định, tỷ lệ lao động ở khu vực phi chính thức ở mức cao, việc điều chỉnh một số chế độ BHXH qua nhiều giai đoạn tạo ra những bất hợp lý nhất định, áp lực của việc già hóa dân số đối với hệ thống BHXH còn rất lớn, tác động từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi nhanh về cơ cấu và quan hệ lao động...
Để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội đất nước, tôi xin đề nghị BHXH Việt Nam và các bộ, ngành liên quan tiếp tục quán triệt sâu sát những quan điểm lớn trong Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách BHXH, để thực hiện thắng lợi những mục tiêu đề ra. Cụ thể:
Thứ nhất, BHXH Việt Nam là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh, ổn định chính trị-xã hội, đời sống nhân dân phát triển bền vững.
Thứ hai, phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế, huy động các nguồn lực xã hội, truyền thống tương thân tương ái của dân tộc, hướng tới bao phủ toàn dân theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, kết hợp hài hòa các nguyên tắc đóng-hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.
Thứ ba, cải cách chính sách BHXH vừa mang tính cấp bách, vừa mang tính lâu dài, kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển và phải đặt trong mối tương quan với đổi mới phát triển của các chính sách xã hội khác, nhất là chế độ tiền lương, thu nhập, trợ cấp, trợ giúp xã hội, để mọi công dân đều được bảo đảm an sinh xã hội.
Thứ tư, phát triển hệ thống tổ chức thực hiện chính sách BHXH bảo đảm tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả, hiện đại, nâng cao tính hấp dẫn, củng cố niềm tin và sự hài lòng của người dân và các chủ thể tham gia BHXH.
Thực hiện tốt chính sách BHXH là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, DN và mỗi người dân chúng ta.
Mọi thành công đều bắt đầu từ một tầm nhìn đúng, tôi yêu cầu BHXH Việt Nam phải xác lập một chiến lược phát triển để trở thành một thiết chế hiện đại, hiệu quả, từng bước mở rộng vững chắc, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, bảo đảm tất cả mọi người đều có lưới an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế, tôn trọng nguyên tắc đóng-hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ, bền vững. Xây dựng bộ máy tinh gọn, chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả gắn với việc ứng dụng CNTT, kết nối liên thông trong thực thi chính sách, để cho BHXH Việt Nam phải là mô hình đi đầu trong cải cách hoạt động, với tinh thần phục vụ, bảo đảm sự hài lòng của người dân, không ngừng củng cố niềm tin của NLĐ.
Tôi muốn đề xuất với toàn Ngành 5 nhóm giải pháp sau:
Trước hết, tiếp tục hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội theo hướng tích hợp để quản lý tập trung, thống nhất, có tính chia sẻ giữa Nhà nước, xã hội và người dân, trên cơ sở bám sát các mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Thứ hai là tăng cường cải cách TTHC, ứng dụng CNTT, tiếp tục hoàn thiện đầy đủ CSDL quốc gia về bảo hiểm, hoàn thiện cơ sở pháp lý phục vụ xây dựng, kết nối, chia sẻ CSDL quốc gia của các bộ, ngành, địa phương với CSDL quốc gia của BHXH. Triển khai dịch vụ công trực tuyến, thanh toán điện tử, giao dịch điện tử, liên thông, giải quyết TTHC trên Trục dữ liệu quốc gia.
Thứ ba, tôi đề nghị 21.000 CBCCVC, NLĐ trong toàn Ngành tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thay đổi tác phong, lề lối làm việc; xây dựng chỉ số theo dõi, đánh giá chất lượng phục vụ người dân trên tất cả các lĩnh vực công tác theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, thân thiện với người dân theo tinh thần của Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động vì người dân và DN.
Thứ tư, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trong thực hiện chính sách; tăng cường công tác quản lý quỹ BHXH; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; hoàn thiện cơ chế tài chính để chính sách BHXH, BHYT được thực hiện thống nhất, tiện lợi cho người dân.
Cuối cùng, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền thường xuyên về an sinh xã hội nói chung, BHXH, BHYT nói riêng nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đoàn thể cũng như để nhân dân hiểu sâu sắc hơn nữa về ý nghĩa, vai trò, lợi ích của BHXH, BHYT.
Với những kết quả, thành tích đạt được trong 25 năm qua của ngành BHXH đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Tôi tin tưởng rằng, đây là một bệ phóng để cán bộ ngành BHXH tiếp tục đoàn kết, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân.
Tôi xin chúc các quý vị đại biểu và toàn thể CBCCVC, NLĐ của BHXH Việt Nam lời chúc sức khỏe, chúc cho sự nghiệp vì an sinh xã hội của chúng ta có những bước tiến lớn trong giai đoạn tới.
Trân trọng cảm ơn!
(* Tiêu đề do Báo BHXH đặt)
(Báo BHXH online)
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Phóng sự kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 01/7/2024: ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?