VssID có “trải nghiệm người dùng” rất tốt
04/01/2021 10:22 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Theo Báo cáo ứng dụng CNTT của cơ quan nhà nước do Cục Tin học hóa (Bộ TT-TT) thực hiện, trong 3 năm liên tiếp, BHXH Việt Nam đứng đầu khối các cơ quan thuộc Chính phủ. Vừa qua, BHXH Việt Nam ghi dấu ấn mạnh mẽ trong việc nâng cao chất lượng phục vụ người dân bằng việc ra mắt ứng dụng “VssID-Bảo hiểm xã hội số”- một ứng dụng được đánh giá là có “trải nghiệm người dùng” rất tốt.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí BHXH, ông Đỗ Công Anh - Phó Cục trưởng phụ trách điều hành Cục Tin học hóa cho biết: Thời gian gần đây, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai Chính phủ điện tử rất quyết liệt. Hiện đã có rất nhiều cơ sở dữ liệu (CSDL) liên thông, trong đó tiêu biểu là CSDL về BHXH với thông tin của hơn 24 triệu hộ gia đình tham gia BHYT và gần 90 triệu người dân có thẻ BHYT. CSDL của BHXH đã triển khai kết nối với các CSDL khác, điển hình như CSDL đăng ký khai sinh cấp tỉnh đã có khoảng 1,4 triệu hồ sơ liên thông khai sinh, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi.
* PV: Theo Báo cáo ứng dụng CNTT của các cơ quan nhà nước mà Cục Tin học hóa vừa công bố, BHXH Việt Nam năm thứ 3 liên tiếp đứng đầu nhóm các cơ quan thuộc Chính phủ. Ông nhận định như thế nào về kết quả này của BHXH Việt Nam?
- Ông Đỗ Công Anh:
Theo tôi, đây là kết quả xứng đáng, vì chỉ số Hạ tầng kỹ thuật CNTT của BHXH Việt Nam nhiều năm liền đứng đầu và chỉ số Ứng dụng CNTT năm 2019 cũng đứng đầu trong khối cơ quan thuộc Chính phủ. Năm 2019 và 2020, BHXH Việt Nam đã hoàn thành xây dựng nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia và đã kết nối trong nội bộ Ngành cũng như với các bộ, ngành khác, điển hình là kết nối chia sẻ dữ liệu đăng ký và quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp. Kết quả, đến ngày 18/12/2020, đã có hơn 1,4 triệu hồ sơ liên thông khai sinh cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi, giúp tiết kiệm nhiều thời gian, thủ tục hồ sơ và công sức người dân và cán bộ.
Về dịch vụ công, đến thời điểm này, BHXH Việt Nam đã đủ điều kiện cung cấp tối đa tất cả các dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 4. BHXH Việt Nam cũng giải quyết tới hơn 90 triệu hồ sơ trực tuyến… Đây chính là những nội dung cơ bản, cốt lõi mang lại vị trí đứng đầu cho BHXH Việt Nam về ứng dụng CNTT.
* BHXH Việt Nam vừa ra mắt ứng dụng “VssID- Bảo hiểm xã hội số”, trong đó tích hợp nhiều tiện ích phục vụ người dân. Theo ông, VssID đóng vai trò như thế nào trong quá trình chuyển đổi số của Việt Nam?
- Phải nói rằng, việc đưa ra ứng dụng VssID rất đúng với xu thế hiện nay trên thế giới. Bởi trong Quyết định số 749/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ rất cụ thể là đưa các dịch vụ công trực tuyến lên các kênh khác nhau, bao gồm các thiết bị di động. Cùng với đó, hiện nay, Việt Nam là quốc gia có độ bao phủ internet cao nên thiết bị di động sẽ là phương tiện sử dụng, truy cập internet chính của người dân.
Hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID
Định hướng phát triển Chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số cũng đã xác định phải cung cấp dịch vụ cho người dân mọi lúc, mọi nơi và thông qua nhiều kênh khác nhau. Trong đó, hướng tới kênh chính yếu của người dân là qua điện thoại thông minh (smartphone). Điều đó cho thấy, dịch vụ công trực tuyến phải cung cấp, phục vụ được người dân qua các kênh và chủ yếu là qua smartphone, để người dân có thể tiếp cận được với dịch vụ công trực tuyến. Theo tôi, đây chính là ý nghĩa lớn nhất mà VssID mang lại.
Ngoài ra, với vai trò là người đã trải nghiệm VssID, tôi đánh giá đây là ứng dụng trực quan dễ dùng và có “trải nghiệm người dùng” rất tốt. Phải nhấn mạnh rằng, ưu tiên đến “trải nghiệm người dùng” xưa nay vẫn là điểm yếu của các dịch vụ, ứng dụng trên mạng của các cơ quan nhà nước và VssID đã khắc phục được điều này.
* Vậy việc bảo mật thông tin người dùng khi đăng ký và cài đặt VssID có thực sự cần thiết?
- Với bất kỳ ứng dụng nào khi được triển khai trên diện rộng, dĩ nhiên người dân cần được bảo vệ thông tin cá nhân và kiểm soát được thông tin đó. Hiện tại, ứng dụng Bluezone là ứng dụng đầu tiên và có lẽ duy nhất trong các ứng dụng của cơ quan nhà nước phục vụ cho dịch vụ công có số người sử dụng lớn, lên đến 23 triệu người. Trong số này có 17,8 triệu người đã hoàn toàn tự nguyện đăng ký số điện thoại của mình mặc dù việc đăng ký số điện thoại không bắt buộc. Điều này chứng tỏ người dân rất nhanh chóng và dễ dàng thích ứng với những ứng dụng ở trên thiết bị di động- là điều kiện hết sức thuận lợi để VssID phát triển.
Đối với ứng dụng Bluzone, ngay từ khi xây dựng, Bộ TT-TT đã xác định rõ, với các ứng dụng trên các thiết bị di động có độ phủ lớn đến người dân thì việc bảo mật thông tin, bảo vệ các dữ liệu thông tin phải được đặt lên hàng đầu. Để làm được điều nay thì cần có sự tham gia của các cơ quan chức năng về an toàn an ninh mạng, đánh giá thẩm định và tư vấn; tiếp đến là việc tuyên truyền để chính người dân có ý thức bảo mật thông tin của mình.
Bên cạnh đó, muốn ứng dụng được triển khai rộng rãi, cần không ngừng cải tiến, thực hiện đo lường, đánh giá các chức năng, xem chức năng nào người dân dùng nhiều, chức năng nào người dân dùng ít, để từ đấy có được cải thiện ứng dụng cho phù hợp. Việc liên tục nâng cấp cải thiện trải nghiệm người dùng đối với VssID nói riêng và các ứng dụng dịch vụ công nói chung cần thường xuyên thực hiện. Có như vậy, người dân mới cảm thấy hào hứng, để thấy được Nhà nước ta là một Nhà nước phục vụ, vì người dân…
Cùng với đó, BHXH Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu tích hợp thông tin với các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là của ngành Y tế, ngành Giáo dục- là những bộ, ngành gắn bó mật thiết với ngành BHXH Việt Nam, để người dân có được nhiều nguồn thông tin trên một ứng dụng.
* Theo ông, thời gian tới, BHXH Việt Nam cần làm gì để tiếp tục giữ vững vị trí đứng đầu trong ứng dụng CNTT, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và phát triển Chính phủ điện tử?
- Việc ứng dụng CNTT đã giúp BHXH Việt Nam nâng cao chất lượng phục vụ, hướng đến sự hài lòng của người dân, DN. Tuy nhiên, để tiếp tục triển khai hiệu quả nhiệm vụ, thời gian tới, BHXH Việt Nam cần kết nối liên thông dữ liệu, tích hợp với dữ liệu của các bộ, ban, ngành liên quan. Bởi CSDL của BHXH bao phủ gần 90 triệu người tham gia BHYT và gần 15 triệu người tham gia BHXH- đây là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, nếu tối ưu hóa được giá trị nguồn dữ liệu này để phục vụ tốt hơn nữa cho Chính phủ và người dân là việc rất quan trọng.
Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH, BHXH Việt Nam và Bộ TT-TT đang phối hợp xây dựng dự thảo Nghị định quy định CSDL quốc gia về Bảo hiểm. Bộ TT-TT sẵn sàng là đầu mối phối hợp cùng BHXH Việt Nam mang lại hiệu quả hơn nữa cho việc sử dụng và khai thác nguồn dữ liệu này.
* Trân trọng cảm ơn ông!
Bích Thủy (Thực hiện)
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Phóng sự kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 01/7/2024: ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?