Khắc phục khó khăn, tăng cường công tác thu và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT
04/03/2021 07:12 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
(tapchibaohiemxahoi.gov.vn) Sáng 3/3, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn Ngành về công tác thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT tháng 3/2021. Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Trung ương.
Theo báo cáo của BQL Thu-Sổ thẻ, tính đến hết tháng 2, toàn quốc có 16,03 triệu người tham gia BHXH, trong đó gồm 14,98 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, 35 BHXH tỉnh có số đối tượng tăng so với năm 2020 như: Hà Nội, Thanh Hóa, Trà Vinh, Nghệ An, Thái Bình… Tổng số thu BHXH, BHYT của toàn Ngành đạt khoảng 52.611 tỷ đồng.
Về BHXH tự nguyện, cả nước có 1,051 triệu người tham gia, đạt 60,8% chỉ tiêu đề ra, trong đó có 10 BHXH tỉnh có số đối tượng tăng so với năm 2020 như: Nghệ An, Thái Bình, Phú Thọ, Sơn La, Hà Nam… Về BHYT, có 86,41 triệu người tham gia, tăng 728,5 nghìn người so với tháng 1/2021, trong đó có 14 BHXH tỉnh có số đối tượng tăng so với năm 2020 như: Hưng Yên, Kon Tum, Thái Bình, Lào Cai, Sơn La…
Trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế, BQL Thu-Sổ thẻ đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện đồng bộ các giải phát phát triển đối tượng tham gia; đôn đốc thu, giảm nợ BHXH, BHYT xuống mức thấp nhất. Theo đó, cần tích cực rà soát, đối chiếu dữ liệu do cơ quan Thuế cung cấp để xác định số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc; hằng ngày, hằng tuần trực tiếp đến các đơn vị, DN để khai thác số NLĐ ham gia BHXH. Đồng thời, tăng cường tổ chức hội nghị tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT.
Ngoài ra, tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng; giao chỉ tiêu cụ thể hằng tuần, hằng tháng cho các đại lý thu; tập trung rà soát lại việc ký hợp đồng với các đại lý, dừng triển khai đối với các điểm thu chưa đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất và năng lực của nhân viên đại lý thu...
Tại Hội nghị, đại diện BHXH các tỉnh, thành phố đã trao đổi, chia sẻ tình hình thực hiện nhiệm vụ trong 2 tháng đầu năm và đề xuất các giải pháp hoàn thành nhiệm vụ năm 2021.
Theo ông Phan Văn Mến- Giám đốc BHXH TP.HCM, ngay từ đầu năm, BHXH TP.HCM đã chỉ đạo quyết liệt công tác thu, phát triển đối tượng với tinh thần bắt tay ngay vào việc từ đầu năm. Tuy nhiên, qua 2 tháng thực hiện vẫn còn một số hạn chế, khó khăn. Đơn cử: Nhiều lao động ngoại tỉnh làm việc tại TP.HCM chưa quay lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán hoặc có xu hướng thay đổi việc làm trong dịp đầu năm; lực lượng lao động người nước ngoài (khoảng 20.000 người) chưa thể quay lại TP.HCM làm việc do ảnh hưởng của dịch bệnh...
Cũng theo ông Mến, trước những vấn đề trên, BHXH TP.HCM sẽ chủ động tham mưu cho UBND TP.HCM giao chỉ tiêu tới UBND các quận, huyện; đồng thời chú trọng công tác truyền thông, bám sát các địa bàn dân cư, tập trung vào các nhóm đối tượng tiềm năng, tăng cường vận động trực tiếp. Cùng với đó, mở rộng hơn nữa hệ thống đại lý thu; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm...
Là địa bàn đang chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19, công tác phát triển đối tượng và thu BHXH, BHYT trên địa bàn Hải Dương cũng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, bà Đoàn Thị Trinh- Giám đốc BHXH tỉnh Hải Dương kiến nghị BHXH Việt Nam sớm có văn bản hướng dẫn về việc tiếp tục tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất với các DN gặp khó khăn do dịch bệnh. Về việc giao chỉ tiêu, BHXH tỉnh Hải Dương cũng kiến nghị xem xét kỹ các yếu tố mang tính đặc thù của từng địa phương, giao chỉ tiêu hợp lý, đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện, nhất là về số tham gia BHXH tự nguyện. Về BHYT hộ gia đình, cần giao chỉ tiêu trên cơ sở dữ liệu số đối tượng chưa tham gia trên địa bàn. Đồng thời, đề nghị Bưu điện nâng cấp phần mềm quản lý, kịp thời cập nhật số tham gia BHXH, BHYT để đảm bảo đồng bộ với cơ quan BHXH, nhằm tạo thuận lợi cho việc vận động, phát triển đối tượng tham gia.
Trên cơ sở các ý kiến phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu chỉ đạo các đơn vị cần chú trọng xây dựng chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển đối tượng năm 2021; đồng thời có tầm nhìn xa cho cả giai đoạn 3 năm, 5 năm tới bảo đảm khoa học, chặt chẽ, phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội, nhất là cần tính đến các yếu tố mang tính đặc thù vùng, miền để có tính thực tiễn, khả thi cao. Cùng với đó, các đơn vị nghiệp vụ cần phối hợp chặt chẽ với BHXH các tỉnh, thành phố nắm chắc tình hình thực tế, làm rõ các hạn chế, vướng mắc để kịp thời khắc phục, xử lý ngay khi phát sinh.
Phó Tổng Giám đốc cũng lưu ý, bên cạnh đẩy mạnh ứng dụng CNTT để cải cách TTHC, cần tăng cường giám sát, kiểm tra các quy trình nghiệp vụ, kết quả thực hiện trong thực tiễn. Qua đó, giúp phát hiện ngay những bất cập để kịp thời điều chỉnh, thường xuyên có biện pháp tăng cường, nâng cao chất lượng quản lý điều hành. Đặc biệt, Trung tâm CNTT cần hoàn thiện các tiện ích của ứng dụng VssID, có thể cập nhật dữ liệu thu BHXH, BHYT hằng tháng đến từng NLĐ; tiếp tục xây dựng kế hoạch tăng số người sử dụng, đặt mục tiêu 70-80% người tham gia BHXH sử dụng ứng dụng VssID.
Với BHXH các tỉnh, thành phố cần chú trọng xây dựng kế hoạch thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT từng tháng, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng đơn vị, từng cán bộ, đại lý thu… Phó Tổng Giám đốc yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố phát huy sáng kiến, kinh nghiệm, đà tăng trưởng thu và phát triển đối tượng năm 2020; cũng như khắc phục những khó khăn của năm 2021. Từ đó, triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp tăng thu, giảm nợ đọng và tăng số tham gia BHXH, BHYT, hướng đến mục tiêu đạt chỉ tiêu năm 2021 sớm nhất, cao nhất có thể, tạo nền tảng hoàn thành mục tiêu cho cả giai đoạn tới.
Minh Đức
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Phóng sự kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 01/7/2024: ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?