Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Sửa Luật BHXH để “giữ chân” NLĐ ở lại hệ thống
25/10/2021 07:30 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2020, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, BHXH, BHYT là lĩnh vực rất quan trọng, trụ cột trong lưới an sinh xã hội của đất nước; đồng thời quỹ BHXH, quỹ BHYT là quỹ tài chính ngoài NSNN lớn nhất và “thông” với NSNN.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các Báo cáo của Chính phủ và cơ quan thẩm tra về hai nội dung này có chất lượng tốt, kỹ lưỡng, kiến nghị rõ ràng, cụ thể. Nhất trí với các nội dung trong Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các cơ quan đã tiếp thu tối đa ý kiến của Ủy ban TVQH, nên sau Kỳ họp này, công tác quản lý quỹ BHXH, BHYT sẽ ngày càng đi vào nền nếp hơn.
Về quỹ BHXH, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, một trong những nhu cầu quan trọng nhất hiện nay là phải khẩn trương xây dựng để trình Quốc hội sửa đổi Luật BHXH và Luật Việc làm. "Chúng ta đã có Bộ luật Lao động. Trung ương cũng đã có 2 Nghị quyết rất quan trọng là Nghị quyết số 27 về cải cách chính sách tiền lương và Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách BHXH, với rất nhiều nội dung đổi mới so với quy định của Luật BHXH hiện hành. Nghị quyết 28 đã ban hành từ năm 2018, nhưng đến nay vẫn chưa sửa được luật là chậm, do đó phải khẩn trương hơn"- Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định, nếu sửa sớm được Luật BHXH, chúng ta sẽ quản lý tốt hơn số lượng người hưởng BHXH một lần. Bởi, luật hiện nay quy định 20 năm đóng BHXH mới được hưởng chế độ hưu trí, nhưng điều kiện rút BHXH một lần lại dễ. Nghị quyết 28 có nêu vấn đề rút ngắn thời hạn đóng, trong đó hướng lộ trình có thể xuống 15 năm, thậm chí 10 năm. Việc rút BHXH một lần là nhu cầu chính đáng do thực tế khách quan của NLĐ, nhưng nếu NLĐ tham gia đóng BHXH thấy chỉ cần đóng 10 năm hoặc 15 năm sẽ được hưởng chế độ lương hưu khi về già, còn khi rút một lần chỉ được hưởng phần đóng của NLĐ là chính, thì sẽ hạn chế được tình trạng hưởng BHXH một lần.
“Vì thế, cần phải sớm sửa Luật BHXH, làm được điều này sẽ giữ được số lượng NLĐ ở lại trong hệ thống BHXH nhiều hơn; tránh việc phát triển mới người tham gia BHXH được 10 phần, nhưng số người rút ra khỏi hệ thống lại mất 7-8 phần, như vậy số người tham gia BHXH tăng nhưng không đáng kể”- Chủ tịch Quốc hội dẫn giải.
Về một số quỹ BHXH ngắn hạn như quỹ BH thất nghiệp kết dư chuyển từ năm 2020 chuyển sang khoảng 90.000 tỷ đồng, vừa qua, Chính phủ và Ủy ban TVQH đã bàn và thống nhất dành 1/3 số kết dư này để hỗ trợ NLĐ vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, với 6 mức hỗ trợ cho khoảng 13 triệu NLĐ và giảm đóng vào quỹ BH thất nghiệp cho DN khoảng 8.000 tỷ đồng. Chủ tịch Quốc hội nói: “Theo quy định, các quỹ BHXH ngắn hạn đều phải có kết dư và bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, năm 2021 chịu tác động rất nặng nề của đại dịch Covid-19, nên cũng cần rà soát, đánh giá tác động và khả năng thu chi của các quỹ ngắn hạn trong giai đoạn 2021-2022”.
Nguyệt Hà
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Phóng sự kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 01/7/2024: ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?