Quốc hội thảo luận tình hình thực hiện BHXH, BHYT: Hiệu quả cao, tác động lớn
28/10/2021 01:48 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 27/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT; quản lý và sử dụng quỹ BHXH, BHYT năm 2020. Tại phiên thảo luận, nhiều ĐB đã đánh giá rất cao nỗ lực của ngành BHXH Việt Nam trong việc đảm bảo lưới an sinh phát triển vững bền.
Công tác thanh tra, kiểm tra phát huy hiệu quả
Thảo luận tại hội trường, các ĐBQH đồng tình với Báo cáo của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội trình tại Kỳ họp lần này về thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT; quản lý và sử dụng quỹ BHXH, BHYT năm 2020. Đồng thời, các ĐBQH cũng cho rằng, trong những năm qua, ngành BHXH Việt Nam cùng với các ngành liên quan đã thực hiện tốt các chính sách này, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Nhấn mạnh tầm quan trọng trong quản lý thực hiện chính sách BHXH, BHYT, ĐB Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) đánh giá cao việc ứng dựng CNTT trong quản lý thực hiện BHXH, BHYT. Đáng chú ý, ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; kết nối và tích hợp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, triển khai giao dịch điện tử trong việc đóng BHXH, BHYT. Bên cạnh đó, đã triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống chi trả; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, phân tích dữ liệu để đánh giá tình trạng lạm dụng, trục lợi và các hành vi vi phạm khác. Việc thanh tra, kiểm tra theo hình thức điện tử đã làm tăng năng suất, chất lượng công việc, nhất là giảm nhân lực và thời gian tiến hành thanh tra. Với phương pháp thanh tra, kiểm tra truyền thống cần thời lượng trung bình 20 giờ, thì nay ứng dụng CNTT đã giảm xuống còn 10,5 giờ.
Liên quan đến tình trạng chậm đóng BHXH, ĐB Đặng Bích Ngọc (Hoà Bình) cho biết, tính đến hết năm 2020, số tiền chậm đóng BHXH bắt buộc trên 12.000 tỷ đồng, tăng 19,9% so với năm 2019. Trong tỷ lệ chậm đóng này, khu vực HCSN chiếm 1,5%; khu vực DNNN chiếm 6,4%, khu vực DN FDI chiếm 8% và DN NQD chiếm 27,2%. “Qua nghiên cứu cũng như nắm bắt từ cơ sở, trong tổng số kinh phí chậm đóng BHXH, khu vực HCSN còn cao, nên cần đánh giá, phân tích rõ nguyên nhân, để từ đó có giải pháp phù hợp”- ĐB Ngọc nói.
Cũng theo ĐB Ngọc, Quốc hội cần đặc biệt xem xét khu vực HCSN để có giải pháp thực hiện, bởi khu vực này kinh phí đóng BHXH được trích từ nguồn NSNN hàng năm; đồng thời cần rà soát công khai DN chậm đóng BHXH để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát. “Năm 2020, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng Bộ LĐ-TB&XH và ngành BHXH đã rất cố gắng thực hiện được 8.619 cuộc thanh tra và đã chỉ ra nhiều sai phạm, những hạn chế, tồn tại và kiến nghị truy thu. Tuy nhiên, việc khắc phục sau thanh tra, kiểm tra chưa rõ, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, nên tính chất răn đe chưa cao. Chính phủ cần có phân tích, đánh giá, ban hành chế tài xử lý nghiêm khắc để triển khai thực hiện tốt hơn việc đóng BHXH”- ĐB Ngọc phân tích.
Về việc thu hồi nợ BHXH, ĐB Lê Văn Dũng (Quảng Nam) đề nghị Bộ LĐ-TB&XH sớm có hướng dẫn giải quyết chế độ BHXH cho NLĐ trong trường hợp chủ SDLĐ bỏ trốn hoặc làm ăn không hiệu quả. Cùng với đó, cần tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội xây dựng hành lang pháp lý, phân biệt những trường hợp nào là “trốn đóng”, trường hợp nào là “chậm nộp”. Đồng thời, có chế tài xử lý nghiêm đối với các đơn vị SDLĐ nợ hoặc chậm đóng BHXH”- ĐB Dũng kiến nghị.
Đánh giá rất cao những kết quả ngành BHXH Việt Nam đạt được, ĐB Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) đề nghị Quốc hội cần lưu ý 3 vấn đề: Đảm bảo an toàn quỹ BHXH, BHYT và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT; Bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành chi BHXH, BHYT; Nghiên cứu hoàn thiện quy định hưởng BHXH một lần theo hướng chặt chẽ hơn. Riêng về đề xuất bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành chi BHXH, BHYT, ĐB Nguyễn Hải Anh cho rằng, nếu được bổ sung chức năng này sẽ là một bước hoàn thiện công cụ quản lý để ngành BHXH Việt Nam tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ.
Giải trình một số ý kiến ĐBQH nêu, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch bệnh, Chính phủ đã ban hành 5 Nghị quyết và có nhiều chính sách liên quan hỗ trợ NLĐ và chủ SDLĐ. Chính sách BHXH đã từng bước trở thành trụ cột của lưới an sinh xã hội, khắc phục những rủi ro cho NLĐ.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết, thời gian tới, Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH và BHXH Việt Nam sẽ đề xuất Chính phủ sửa đổi Luật BHXH, thể chế hoá Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách BHXH; tập trung sửa đổi một số vấn đề ĐBQH nêu như: Nguyên tắc đóng- hưởng, phát triển BHXH bền vững, điều chỉnh hưởng BHXH một lần. Trước mắt, đổi mới công tác tuyên truyền để NLĐ chủ động tham gia và hình thành văn hoá an sinh; sử dụng quỹ ngắn hạn đúng mục đích; xây dựng chính sách hấp dẫn…
Cần đảm bảo tính bền vững của chính sách
Theo ĐB Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang), tỷ lệ người dân tham gia BHYT đến cuối năm 2020 vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 68 đề ra, đã thể hiện quyết tâm, nỗ lực rất lớn của Chính phủ, chính quyền các địa phương trong chăm sóc sức khoẻ người dân. Song, ĐB Dao cũng băn khoăn về việc cả nước vẫn còn nhiều người cao tuổi chưa có BHYT; nhiều người ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa còn khó khăn trong tiếp cận chính sách BHYT, vì thường là những người thuộc hộ cận nghèo, hộ vừa thoát nghèo- không thuộc đối tượng được hưởng hỗ trợ 100% từ NSNN. Vì vậy, Quốc hội cần nghiên cứu giảm độ tuổi của nhóm người cao tuổi được hưởng chính sách BHYT miễn phí từ 80 xuống 75 tuổi và hỗ trợ 100% mức đóng BHYT cho hộ cận nghèo…
Cũng liên quan vấn đề này, ĐB Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) chỉ rõ, tỷ lệ bao phủ BHYT cả nước năm 2020 đạt 90,85% dân số (tương đương 87,97 triệu người), song đến hết tháng 8/2021 đã giảm 2,76 triệu người (xuống còn 85,21 triệu người). Nguyên nhân giảm số người tham gia BHYT phần lớn do dịch bệnh COVID-19 gây ra, các địa phương khó khăn trong bố trí ngân sách hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho một số nhóm đối tượng theo quy định. Ngoài ra, việc thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg khiến nhiều người DTTS không còn được NSNN hỗ trợ đóng BHYT, nên có địa phương giảm từ 95% xuống còn 89 đến 90%...
Do đó, theo ĐB An, để người DTTS tiếp tục được tiếp cận và thụ hưởng chính sách BHYT, Chính phủ cần nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ cho người DTTS, nhất là người DTTS sinh sống ở các khu vực mới ra khỏi vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn theo quy định tại Quyết định số 861/QĐ-TTg; nghiên cứu nâng mức hỗ trợ từ NSNN đối với một số đối tượng như: Người thuộc hộ nghèo đa chiều, HSSV, người thuộc hộ nông-lâm-ngư-diêm nghiệp có mức sống trung bình, hộ gia đình tham gia BHYT.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, các ý kiến ĐBQH đã tập trung vào 2 nội dung, trong đó đã phản ánh được những vấn đề thực tế đang đặt ra. Đặc biệt, đã đề xuất những giải pháp để trong thời gian tới thực hiện hiệu quả hơn chính sách BHXH, BHYT. Phó Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan cần tiếp thu ý kiến ĐBQH để hoàn thiện báo cáo cũng như triển khai thực hiện tốt hơn chính sách, pháp luật BHXH, BHYT.
Vũ Thu
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Phóng sự kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 01/7/2024: ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?