Quỹ BHXH luôn bảo đảm được giá trị thông qua hoạt động đầu tư và tăng trưởng
16/11/2021 07:29 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
(http://tapchibaohiemxahoi.gov.vn/) Những năm qua, công tác quản lý, sử dụng quỹ BHXH luôn được ngành BHXH Việt Nam đảm bảo đúng quy định, nhất là đã bảo đảm được giá trị thông qua hoạt động đầu tư và tăng trưởng. Ông Nguyễn Hữu Thông- Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận trao đổi với phóng viên Tạp chí BHXH về vấn đề này.
* PV: Vừa qua, Chính phủ cũng như Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã đánh giá cao công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT của ngành BHXH Việt Nam, đặc biệt là về BHXH tự nguyện. Vậy, ông nhận định thế nào về kết quả này?
- Ông Nguyễn Hữu Thông:
Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng , đến tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế-xã hội, làm đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất kinh doanh, nên tác động trực tiếp đến việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Tuy nhiên, qua báo cáo của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội cho thấy, với sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị và sự quyết liệt của ngành BHXH Việt Nam, nên cả nước đã có trên 16,1 triệu người tham gia BHXH, chiếm 32,8% lực lượng lao động trong độ tuổi lao động và hoàn thành chỉ tiêu Chính phủ giao. Đáng chú ý, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng trưởng vượt bậc, đạt 1,128 triệu người, tăng gấp 184 lần so với năm 2008- năm đầu tiên triển khai chính sách này và vượt 1,31% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết 28-NQ/TW.
Đặc biệt, với sự linh hoạt, nhạy bén và trách nhiệm, ngành BHXH Việt Nam đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, từ trực quan đến trực tuyến… về lợi ích, sự cần thiết và tầm quan trọng của chính sách BHXH tự nguyện đến các tầng lớp nhân dân. Nhờ đó, tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện ngày càng tăng cao, nhất là nhóm NLĐ tự do, người kinh doanh cá thể, nông dân và cả lao động biển…
* Tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội đã thảo luận về việc quản lý và sử dụng quỹ BHXH, BHYT. Ý kiến đánh giá của ông về việc này thế nào?
- Phải khẳng định, quỹ BHXH là quỹ ngoài ngân sách lớn nhất, được Nhà nước quản lý thông qua hoạt động của HĐQL BHXH Việt Nam, do Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Chủ tịch HĐQL. Quỹ BHXH công khai, minh bạch và được giám sát bởi Quốc hội; được Nhà nước quản lý, bảo toàn, tăng trưởng, có trách nhiệm bảo hộ cho người tham gia và cũng là cam kết chính trị của Nhà nước đối với chính sách an sinh xã hội.
Qua báo cáo, thảo luận tại Quốc hội đã cho thấy, quỹ BHXH đang được quản lý, sử dụng hiệu quả và bảo đảm được giá trị thông qua đầu tư tăng trưởng. Công tác chi trả các chế độ, cũng như chi hỗ trợ người dân, NLĐ vượt qua khó khăn do dịch bệnh được kịp thời. Năm 2020, tổng số tiền chi trả các chế độ BHXH ước khoảng 240.765 tỷ đồng… Tuy nhiên, số liệu thực tế cho thấy, số người tham gia BHXH còn thấp; số thu BHXH bắt buộc tăng nhưng tỷ lệ tăng thấp hơn so với năm 2019; mức lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc tăng không đáng kể, tiền lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện thấp. Trong khi đó, số nợ và tình trạng chậm đóng BHXH có chiều hướng gia tăng trong năm 2021 và những năm tiếp theo…
Chính vì vậy, để quỹ BHXH được bảo toàn, bảo đảm khả năng chi trả các chế độ, tôi cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tham mưu xây dựng, sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý về BHXH; nghiên cứu, đề xuất một số điều khoản hợp lý để thúc đẩy DN và NLĐ tham gia BHXH; có giải pháp hữu hiệu khắc phục tình trạng không chấp hành hoặc chấp hành chưa nghiêm túc pháp luật BHXH. Bên cạnh đó, tạo cơ sở pháp lý để kịp thời thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng, khắc phục những tồn tại, hạn chế phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách; có giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong việc phát triển người tham gia BHXH; đề xuất sửa đổi, bổ sung nhóm lao động có quan hệ lao động nhưng không có HĐLĐ được tham gia BHXH bắt buộc như: Chủ hộ kinh doanh, người quản lý DN, đặc biệt là lực lượng lao động ở khu vực phi chính thức, nhóm tham gia BHXH tự nguyện; hạn chế hưởng BHXH một lần…
Cùng với đó, các bộ, ngành có liên quan cần đưa ra các giải pháp xử lý tiền nợ BHXH, BHYT đối với những đơn vị ngừng hoạt động kéo dài hoặc chờ phá sản, giải thể, có chủ bỏ trốn... để không ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ. Đồng thời, ngành BHXH Việt Nam cần xây dựng các giải pháp phù hợp với từng giai đoạn, từng thời điểm, từng khu vực để phát triển người tham gia; giải quyết, chi trả các chế độ BHXH chính xác, kịp thời, thuận tiện nhất cho người hưởng. Tăng cường thanh tra chuyên ngành đóng BHXH; thu hồi nợ và các khoản thanh toán chế độ BHXH, BHYT không đúng quy định...
* Một số ĐBQH cho rằng, công tác thực hiện chính sách BHXH còn gặp nhiều khó khăn, nhất là tình trạng DN nợ đọng BHXH. Vậy, để đảm bảo hiệu quả quỹ BHXH, cần phải thực hiện giải pháp gì, thưa ông?
- Phải thẳng thắn nhìn nhận việc thực hiện chính sách BHXH thời gian qua vẫn còn nhiều thách thức như: Số người tham gia BHXH thiếu bền vững; chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn, do chế độ hưởng chỉ dừng ở hưu trí và tử tuất, mức đóng-hưởng còn thấp; dịch COVID-19 khiến số NLĐ tham gia BHXH ở nhiều đơn vị giảm mạnh. Đặc biệt, tình trạng trốn, nợ BHXH, BHYT còn khá nhiều.
Nguyên nhân là do chế tài xử phạt vi phạm hành chính chưa đủ sức răn đe; mức xử phạt thấp, nên nhiều DN sẵn sàng chấp nhận chịu phạt để chiếm dụng; chế tài quy định về tội danh trong lĩnh vực BHXH còn định tính. Mặc dù Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 214, Điều 215 và Điều 216 của Bộ luật Hình sự về các tội danh liên quan BHXH, BHYT, nhưng đến nay mới chỉ có 4 vụ việc đã có quyết định khởi tố theo Điều 214, chưa có vụ việc bị khởi tố theo Điều 215 và Điều 216.
Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, ngành BHXH Việt Nam cần thích ứng trong điều kiện vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội; kiến nghị xây dựng sửa đổi, bổ sung Luật BHXH theo hướng sửa đổi điều kiện về thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí, qua đó giúp giảm số người nhận BHXH một lần; tăng sức hấp dẫn và tính liên kết giữa các chế độ BHXH. Mặt khác, thời gian qua, qua công tác kiểm tra, ngành BHXH Việt Nam đã phát hiện nhiều vụ việc trục lợi quỹ BHXH, BHYT nhưng không được giao chức năng xử lý- vì vậy cần xem xét, bổ sung thêm chức năng thanh tra chuyên ngành về thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT cho cơ quan BHXH.
Bên cạnh đó, cần rà soát và công khai những DN, chủ SDLĐ chậm nộp, trốn đóng BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng, để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thanh kiểm tra việc chấp hành pháp luật BHXH. Chính phủ cũng như các bộ, ngành liên quan cần có văn bản hướng dẫn xử lý nợ đọng của những đơn vị giải thể, phá sản, mất tích; quy định hình thức xử lý hành vi chậm đóng với mức phạt cao nhằm đủ sức răn đe, tạo sự công bằng và nghiêm minh trong thực hiện pháp luật BHXH, BHYT; đồng thời cần có giải pháp hạn chế tình trạng NLĐ nhảy việc.
* Trân trọng cảm ơn ông!
Vũ Thu
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Phóng sự kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 01/7/2024: ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?