Bệnh nhân mắc bệnh mạn tính: có "nới" thời gian tái khám?
01/07/2024 11:18 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Điều 4 Thông tư 52 quy định, cơ sở KCB “chỉ được kê đơn thuốc sau khi đã có kết quả khám bệnh, chẩn đoán bệnh”; số lượng thuốc được kê theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị do Bộ Y tế ban hành (hoặc Hội đồng thuốc và điều trị của cơ sở KCB ban hành trong trường hợp Bộ Y tế chưa ban hành), đủ sử dụng nhưng tối đa không quá 30 ngày. Quy định “cứng” này dẫn tới việc người mắc bệnh mạn tính bắt buộc phải tái khám định kỳ tối thiểu mỗi tháng/lần.
Từ kinh nghiệm thực tế, các chuyên gia y tế cho rằng, một số bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường (ĐTĐ), bệnh phổi tắc nghẽn (COPD)... chỉ có thể kìm hãm sự phát triển, giảm các triệu chứng và hạn chế các biến chứng của bệnh hay thuốc điều trị gây ra. Vì vậy, thước đo hiệu quả là giảm thời gian nhập viện, tìm được phác đồ ổn định lâu dài cho từng bệnh nhân, chứ không nhất thiết yêu cầu bệnh nhân phải tái khám định kỳ tháng/lần, kể cả với bệnh nhân đang điều trị ổn định theo một phác đồ.
Dựa trên thực tế và ý kiến chuyên môn, ngày 14/3/2024, BHXH Việt Nam có Công văn số 654/BHXH-CSYT kiến nghị Bộ Y tế về thời gian kê đơn thuốc điều trị ngoại trú cho nhóm bệnh nhân mạn tính kéo dài tối đa không quá 90 ngày, thay vì 30 ngày theo quy định hiện hành.
Liên quan đề xuất này, TS.Kiều Thị Tuyết Mai- Bộ môn Quản lý và Kinh tế Dược (ĐH Dược Hà Nội) nhận định: “Với bệnh nhân mắc bệnh mạn tính như ĐTĐ, tăng huyết áp... không cần thiết phải định kỳ hằng tháng đến BV làm lại tất cả các xét nghiệm để được lĩnh thuốc BHYT. Tuy nhiên, có những trường hợp bệnh lại rất cần được theo dõi sát sao từ bác sĩ điều trị. Vì vậy, nên chăng trao quyền quyết định cho bác sĩ điều trị. Cụ thể, với những bệnh nhân cần theo dõi, chỉnh liều và kiểm soát nghiêm ngặt thì bác sĩ sẽ hẹn khám hằng tháng; còn với những bệnh nhân ổn định thì bác sĩ sẽ có lịch hẹn tái khám phù hợp”.
TS.Mai cũng chỉ rõ, điểm vướng hiện nay là quy định cấp thuốc BHYT cho bệnh nhân ngoại trú không quá 30 ngày, nên bệnh nhân bắt buộc phải đi tái khám liên tục để được lấy thuốc, cũng như thực hiện xét nghiệm định kỳ làm căn cứ cấp thuốc. “Nếu chúng ta nới quy định về thời gian, sẽ giúp tiết kiệm được nhiều chi phí cho xã hội như các chi phí đi lại do bệnh nhân tự chi trả, các xét nghiệm không cần thiết làm lại, các chi phí phát sinh trong quá trình KCB và giảm tải cho cơ sở KCB”- TS.Mai chia sẻ.
Thực tế cho thấy, trong các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế và Thông tư 52 cũng có “độ lệch”. Cụ thể, Thông tư 52 chỉ cho phép cấp phát thuốc cho bệnh nhân ngoại trú tối đa 30 ngày. Thế nhưng, tại Quyết định số 5481/QĐ-BYT (ngày 30/12/2020) về ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ĐTĐ týp 2, tần xuất tái khám được Bộ Y tế hướng dẫn như sau: Với bệnh nhân ổn định có thể yêu cầu khám định kỳ 1-2 tháng/lần; chỉ trong giai đoạn mới phát hiện, đang điều chỉnh thuốc, bệnh nhân ĐTĐ mới cần tái khám 0,5-1 tháng/lần.
BS.Nguyễn Thị Thu Hương- Phó Trưởng khoa Thận-Tiết niệu (BV Nội tiết Trung ương) cũng chia sẻ băn khoăn: “Chúng tôi không hiểu tại sao bệnh nhân ĐTĐ mỗi tháng phải đi khám lại trong tình trạng ổn định”. Theo chuyên gia này, bác sĩ là người biết rõ bệnh nhân có cần đi khám hằng tháng hay không. Do đó, nên trao quyền quyết định cần tái khám trong thời gian bao lâu cho bác sĩ điều trị. “Việc tái khám hằng tháng gây tốn kém cho bệnh nhân, gia tăng chi phí BHYT và ê-kip phục vụ cho hoạt động khám bệnh của người bệnh đó...”- BS.Hương chỉ rõ.
Theo bà Nguyễn Thị Tám- Phó Giám đốc BHXH TP.Hà Nội, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 228.000 bệnh nhân ĐTĐ, trong đó đa số đang điều trị ngoại trú (riêng BV Nội tiết Trung ương điều trị ngoại trú cho 154.000 bệnh nhân). “Với 228.000 bệnh nhân này, trong năm 2023 đã có gần 2,4 triệu lượt khám, trong khi tổng số lượt KCB BHYT của Hà Nội là 12,58 triệu. Nếu giảm số lượt khám định kỳ không cần thiết cho nhóm bệnh nhân mạn tính, sẽ giảm hàng ngàn lượt KCB của Hà Nội. Như thế, người bệnh không phải xếp hàng khám bệnh từ 5h sáng như hiện nay; BV cũng không phải thực hiện các chỉ định, chi phí không cần thiết…”- bà Tám phân tích.
Nhấn mạnh nhu cầu cần sửa đổi Thông tư 52, đại diện BHXH TP.Hà Nội đề nghị Bộ Y tế cho Hà Nội thí điểm kéo dài thời gian cấp phát thuốc BHYT cho bệnh nhân mạn tính. Theo đó, tùy tình trạng bệnh nhân, bác sĩ có thể hẹn khám lại sau 2-3 tháng, cấp thuốc đủ thời gian hẹn tái khám, thay vì giới hạn trong 30 ngày như hiện nay. Theo đó, BV Xanh Pôn đã sẵn sàng thực hiện thí điểm, nếu thành công sẽ tiếp tục mở rộng đến BV Thanh Nhàn- nơi có trên 17.000 bệnh nhân ĐTĐ, tăng huyết áp.
Liên quan đề xuất trên, ông Nguyễn Trọng Khoa- Phó Cục trưởng Cục Quản lý KCB (Bộ Y tế) nhận định: “Xu hướng hiện nay là phải cá thể hóa bệnh nhân, bởi mỗi bệnh nhân có một tình trạng bệnh khác nhau. Tuy nhiên, luôn phải có nguyên tắc nhất định nhằm tối ưu hiệu quả điều trị”. Theo ông Khoa, Bộ Y tế đã tiếp thu ý kiến của BHXH Việt Nam và đang nghiên cứu sửa Thông tư 52. Với một số bệnh lý mạn tính khác ngoài ĐTĐ, sẽ cần làm việc với từng chuyên ngành, chuyên khoa; cập nhật các hướng dẫn, quan điểm mới nhất để đưa ra hướng dẫn thời gian khám lại.
Ngoài ra, theo ông Khoa, Bộ Y tế đang chỉ đạo tập hợp các ý kiến chuyên gia lâm sàng và các chuyên ngành để sửa đổi Thông tư 52 cho phù hợp thực tiễn. “Chúng tôi cũng đồng ý, nếu bệnh nhân ổn định, đặc biệt bệnh nhân ĐTĐ có khả năng theo dõi đường huyết định kỳ tốt, thì hoàn toàn có thể kéo dài thời gian tái khám, thậm chí theo dõi từ xa”- ông Khoa nói. Đồng thời, bày tỏ ủng hộ đề xuất của BHXH TP.Hà Nội về thí điểm kéo dài thời gian tái khám và cấp thuốc dài ngày cho bệnh nhân mạn tính, để có bằng chứng thực tiễn đóng góp vào việc sửa đổi Thông tư 52.
Thực hiện: Thái An Trình bày: Hà Hùng
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Phóng sự kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 01/7/2024: ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?