Cần làm rõ trách nhiệm người đứng đầu trong bảo đảm thuốc, vật tư y tế
05/11/2024 07:53 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) kiến nghị, để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, bảo đảm quyền lợi người bệnh, cần làm rõ trách nhiệm người đứng đầu trong bảo đảm thuốc, vật tư y tế.
ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) phát biểu thảo luận
Cụ thể, ĐBQH Hồ Thị Kim Ngân kiến nghị, cần bổ sung trong dự thảo Luật quy định về sửa đổi, bổ sung Điều 43 về trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT: Giám đốc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chịu trách nhiệm bảo đảm đầy đủ, kịp thời thuốc, vật tư y tế trong khám bệnh, chữa bệnh cho người có thẻ BHYT trong phạm vi được hưởng. Trường hợp thiếu thuốc, vật tư y tế do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm hoàn trả cho người bệnh các chi phí mà người bệnh phải tự mua theo chỉ định của thầy thuốc trước khi người bệnh ra viện, tổng hợp thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội và chịu trách nhiệm về hồ sơ đề nghị thanh toán.
Quy định này nhằm cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; đồng thời, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm việc cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư y tế cho người bệnh.
Về Khoản 19 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 27 quy định: “Điều 27. Chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT
2. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn chuyển người bệnh về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu nơi người bệnh đăng ký hoặc cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu để quản lý, theo dõi đối với các bệnh mạn tính và sử dụng, cấp phát thuốc, thiết bị y tế sử dụng cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn, sử dụng dịch vụ kỹ thuật theo năng lực chuyên môn của cơ sở nơi quản lý, theo dõi bệnh mạn tính.”
Đại biểu nhận định, như quy định trên, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu có trạm y tế xã, phường, thị trấn; trạm xá... Y tế cơ sở đóng vai trò quan trọng trong thực hiện mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Do đây là tuyến y tế trực tiếp gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp, nên vai trò của trạm y tế vô cùng lớn.
Cần làm rõ trách nhiệm người đứng đầu trong bảo đảm thuốc, vật tư y tế (Ảnh minh hoạ - nguồn internet)
Tuy nhiên, đại biểu phản ánh, thực tế hiện nay còn rất nhiều bất cập trong hệ thống y tế cơ sở cần được quan tâm, giải quyết thấu đáo từ Trung ương tới địa phương. Hiện, tuyến y tế cơ sở chủ yếu thực hiện nhiệm vụ của dự phòng như: tiêm chủng mở rộng, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia… Năng lực, trình độ chuyên môn, cơ sở vật chất, trang, thiết bị y tế cung ứng các dịch vụ về sức khỏe còn hạn chế khiến người dân chưa tin tưởng vào y tế cơ sở dẫn đến vượt tuyến, quá tải cho bệnh viện tuyến trên.
Theo quy định dự thảo luật, “cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn chuyển người bệnh về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu nơi người bệnh đăng ký hoặc cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu để quản lý, theo dõi đối với các bệnh mạn tính và sử dụng, cấp phát thuốc, thiết bị y tế sử dụng cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn, sử dụng dịch vụ kỹ thuật theo năng lực chuyên môn của cơ sở nơi quản lý, theo dõi bệnh mạn tính”. Để thực hiện nhiệm vụ này, cần có giải pháp, tăng cường năng lực khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho y tế cơ sở bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Bên cạnh đó, tại mục 4.b Nghị quyết số 97/NQ-CP - Nghị quyết phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6.2024, Chính phủ chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung Luật BHYT cần “Có cơ chế để thúc đẩy phát triển y tế cơ sở, kiểm soát thanh toán BHYT thông qua phác đồ điều trị chuẩn để đảm bảo công khai, minh bạch; tăng chi cho y tế cơ sở”.
Do đó, đại biểu đề nghị trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT cần có các quy định thể hiện rõ các cơ chế nhằm thúc đẩy phát triển y tế cơ sở, nâng cao năng lực chuyên môn cho lực lượng y tế cơ sở, đầu tư cơ sở vật chất, trang cấp thiết bị, hỗ trợ bác sỹ... Nhằm tăng cường cho cấp khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở, bảo đảm thực hiện được nhiệm vụ giao./.
Phạm Chính
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Phóng sự kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 01/7/2024: ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?