Luật bảo hiểm xã hội 2024 mở rộng quyền lợi cho người tham gia
21/11/2024 09:37 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 29/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025 và ban hành Nghị quyết số 142/2024/QH15 Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV. Để triển khai thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị quyết số 142/2024/QH15 kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị quyết số 142/2024/QH15.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, bất cập, như diện bao phủ tham gia BHXH còn thấp so với tiềm năng; tính tuân thủ pháp luật chưa cao; chính sách BHXH tự nguyện chưa thu hút nhiều người dân tham gia… Do đó Luật BHXH 2024 ra đời sẽ phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của người lao động. Luật BHXH năm 2024 gồm 11 chương, 141 điều (tăng 2 chương và 16 điều so với Luật BHXH hiện hành).
Trên thực tế, đối với rất nhiều người lao động ở ngành nghề đặc thù, tuổi nghề chỉ kéo dài đến ngoài 40 tuổi là khó có thể đáp ứng yêu cầu làm việc. Như với ngành nghề may mặc, công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, ngồi máy trong một tư thế nhất định hàng giờ đồng hồ... Nếu như theo quy định của Bộ Luật lao động năm 2019, tuổi nghỉ hưu tăng dần đến 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035 thì nhiều người lao động khó có thể chờ được nhận sổ hưu trí. Chị Trần Thị Mai Thảo, công nhân Công ty TNHH May Thuận Tiến, TP. Phan Thiết chia sẽ: “Tôi đã đi làm từ năm 20 tuổi, hiện đã có 15 năm làm việc. Nhưng với nghề đặc thù làm may mặc, tuổi gần 40, tôi bắt đầu thấy khó khăn trong thực hiện các thao tác như nhìn đường may, cắt chỉ... Nên tôi thấy việc giảm số năm đóng BHXH xuống 15 năm là hợp lý, giúp NLĐ yên tâm làm việc và khi độ tuổi không còn phù hợp có thể nghỉ, chọn công việc khác và chờ được hưởng chế độ nghỉ hưu”.
Đáp ứng nhu cầu của người lao động, Luật BHXH số 41/2024/QH15 đã kế thừa, phát triển những quy định hiện hành phù hợp đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn, sửa đổi các quy định chưa phù hợp, bảo đảm tính khả thi, dài hạn, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Bổ sung quy định về hưởng chế độ ốm đau đối với trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau không trọn ngày; Người lao động được quỹ BHXH đóng BHYT trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng; Sửa đổi quy định thời gian hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày thống nhất tính theo năm; Bổ sung điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con đối với trường hợp phải nghỉ việc để điều trị vô sinh; Quy định trường hợp lao động nữ mang thai từ đủ 22 tuần tuổi trở lên đủ điều kiện quy định mà bị sảy thai, phá thai, thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ thì lao động nữ và người chồng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như trường hợp lao động nữ sinh con; Sửa đổi quy định thời gian hưởng chế độ thai sản đối với trường hợp sau khi sinh con chết.
Quy định thống nhất với Bộ luật Lao động năm 2019 về tuổi nghỉ hưu, điều kiện về tuổi hưởng lương hưu. Sửa đổi, bổ sung quy định về trợ cấp một lần khi nghỉ hưu để khuyến khích người lao động tiếp tục làm việc, đóng BHXH sau tuổi nghỉ hưu. Sửa đổi quy định về điều kiện về tuổi của thân nhân hưởng trợ cấp tuất hàng tháng thống nhất, phù hợp với tuổi nghỉ hưu của Bộ luật Lao động năm 2019. Sửa đổi quy định về quyền lựa chọn hưởng trợ cấp tuất hàng tháng hoặc một lần theo hướng tôn trọng quyền lựa chọn của thân nhân của người lao động, không phân biệt trường hợp nào; khi các thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng thì có quyền lựa chọn hưởng trợ cấp tuất hàng tháng hoặc lựa chọn hưởng trợ cấp tuất một lần theo hướng có lợi hơn.
Luật BHXH năm 2024 bổ sung quy định nhằm gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần. Luật BHXH số 41/2024/QH15 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần. Người lao động đã chấm dứt tham gia BHXH mà có đề nghị thì hưởng BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH; Ra nước ngoài để định cư; Người đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS; Người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; người khuyết tật đặc biệt nặng; Người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày 01/7/2025, sau 12 tháng không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc mà cũng không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm.
Như vậy, đối với người bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 01/7/2025 trở đi thì sẽ giải quyết BHXH một lần trong các trường hợp nêu trên. Người lao động không hưởng BHXH một lần mà bảo lưu thời gian đóng để tiếp tục tham gia thì có cơ hội được thụ hưởng các quyền lợi cao hơn như khi tiếp tục tham gia được hưởng các chế độ với mức hưởng cao hơn; Được hưởng lương hưu với điều kiện dễ dàng hơn; trong thời gian hưởng lương hưu được Quỹ BHXH đóng bảo hiểm y tế (BHYT); Được hưởng trợ cấp hàng tháng khi không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; Trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng thì được ngân sách Nhà nước đóng BHYT.
Phương Danh
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Phóng sự kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 01/7/2024: ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?