Chế độ ưu đãi người có công phải cao hơn các chế độ bảo trợ xã hội khác

12/08/2020 07:48 AM


(baobaohiemxahoi.vn) Sáng 11/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban TVQH đã xem xét về dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, dự thảo cơ bản giữ nguyên phạm vi điều chỉnh như pháp lệnh hiện hành và quy định 3 đối tượng áp dụng: Người có công (NCC) với cách mạng; thân nhân NCC với cách mạng; cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến thực hiện chính sách ưu đãi NCC với cách mạng và thân nhân NCC với cách mạng. Đồng thời, dự thảo cũng kế thừa 12 đối tượng NCC với cách mạng trong pháp lệnh hiện hành.

Theo đó, dự thảo đã làm rõ hơn điều kiện tiêu chuẩn xác nhận NCC với cách mạng đối với: Công dân Việt Nam đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam, có công với cách mạng trên lãnh thổ Việt Nam hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam (chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, trong xây dựng đất nước); người Việt Nam có công với cách mạng đang thường trú hoặc tạm trú nước ngoài; bổ sung vợ hoặc chồng liệt sĩ đã tái giá đủ điều kiện và đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định hiện hành.

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, các quy định chế độ ưu đãi đối với NCC với cách mạng và thân nhân trong dự thảo được rà soát, sửa đổi theo hướng: Chế độ ưu đãi NCC với cách mạng là sự tri ân những NCC với cách mạng, với đất nước nên phải tương xứng, cao hơn các chế độ bảo trợ xã hội khác; chế độ ưu đãi phải xứng đáng với công lao, cống hiến theo từng diện đối tượng, không cào bằng; kế thừa các chế độ trợ cấp, phụ cấp, ưu đãi hiện hành mà NCC đang hưởng. Đồng thời, bổ sung các ưu đãi mới như: Trợ cấp tuất định suất các liệt sĩ trợ cấp hằng tháng đối với người làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù đày sau năm 1975; trợ cấp hàng tháng và BHYT đối với vợ hoặc chồng liệt sĩ đã tái giá; trợ cấp một lần đối với thân nhân NCC giúp đỡ cách mạng đã chết mà chưa hưởng chế độ.

Thẩm tra về dự án này, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh khẳng định: Ủy ban tán thành với việc sửa đổi Pháp lệnh xuất phát từ những yêu cầu như Chính phủ đã nêu trong Tờ trình và thấy rằng, việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về ưu đãi NCC nhằm thể chế hóa quan điểm “thực hiện tốt chính sách đối với người và gia đình có công với nước”, “không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của NCC” cần được coi là nhiệm vụ ưu tiên trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội.

Cũng theo bà Nguyễn Thúy Anh, dự án Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng (sửa đổi) cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về chế độ, chính sách ưu đãi đối với NCC với cách mạng, đã cụ thể hóa quy định tại Điều 59 của Hiến pháp năm 2013, đó là “Nhà nước, xã hội tôn vinh, khen thưởng, thực hiện chính sách ưu đãi đối với NCC với nước” và về cơ bản bảo đảm sự thống nhất với quy định của các luật, pháp lệnh có liên quan.

Ủy ban cũng thống nhất với giải trình của Chính phủ về việc chưa bổ sung quy định chế độ ưu đãi đối với thế hệ thứ 3 của người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm/nhiễm chất độc hóa học trong dự án Pháp lệnh mà “tiếp tục thực hiện chính sách bảo trợ xã hội đối với tất cả các cháu bị dị dạng, dị tật và đều được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội” theo hướng “có thể áp dụng chính sách bảo trợ xã hội đặc thù, có mức hưởng cao hơn và được chăm sóc, nuôi dưỡng tốt hơn tại các cơ sở bảo trợ xã hội”…

V.Thu