Kết quả triển khai chuyển đổi số, ứng dụng CNTT của BHXH Việt Nam

05/10/2022 03:30 PM


Trong những năm qua, ngành BHXH Việt Nam đã và đang đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin của Ngành theo định hướng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, tích hợp, tập trung cấp quốc gia, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới khách hàng, với quy trình nghiệp vụ tự động hóa mức độ cao, được vận hành bởi nguồn nhân lực công nghệ thông tin chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội quốc gia, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, toàn diện hơn trong lĩnh vực BHXH và BHYT.

Một số kết quả đạt được cụ thể như sau:

I. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

1. Xây dựng, phát triển CSDL quốc gia về bảo hiểm

Thực hiện Nghị định số 43/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ quy định cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về Bảo hiểm, ngày 21/5/2021, BHXH Việt Nam đã có Quyết định số 455/QĐ-BHXH ban hành Kế hoạch triển khai Nghị định số 43/2021/NĐ-CP. Trong thời gian qua, BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, Ngành liên quan triển khai các nhiệm vụ nhằm xây dựng CSDL quốc gia về Bảo hiểm. Tình hình triển khai và kết quả đạt được cụ thể như sau:

- Về phổ biến, quán triệt nội dung cơ bản của Nghị định số 43/2021/NĐ-CP: Ngày 08/10/2021, BHXH Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn Ngành phổ biến pháp luật về chuyển đổi số và xây dựng CSDL quốc gia về bảo hiểm. BHXH Việt Nam đã mời đại diện: Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Y tế tham dự, truyền đạt các nội dung về chuyển đổi số và vài trò, trách nhiệm của các đơn vị trong triển khai xây dựng CSDL quốc gia về bảo hiểm.

- Về xây dựng Quy chuẩn kỹ thật về cấu trúc thông điệp dữ liệu: BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thành xây dựng dự thảo Quy định kỹ thuật về cấu trúc thông điệp dữ liệu bảo hiểm trao đổi với CSDLQG về Bảo hiểm nhằm thống nhất và đồng bộ các thông điệp dữ liệu, chuẩn hóa các dịch vụ cung cấp dữ liệu được chia sẻ từ CSDL quốc gia về bảo hiểm cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định.

- Về xây dựng hoàn thiện Quy chế Quản lý, cập nhật, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu trong các Hệ thống phần mềm nghiệp vụ và từ cơ sở dữ liệu tập trung Ngành BHXH Việt Nam: BHXH Việt Nam đã phối hợp, xin ý kiến của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông và các Bộ, Ngành, địa phương vào Quy chế Quản lý, cập nhật, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu trong các Hệ thống phần mềm nghiệp vụ và từ cơ sở dữ liệu tập trung Ngành BHXH Việt Nam thay thế Quy chế quản lý, khai thác và sử dụng thông tin từ cơ sở dữ liệu tập trung ngành BHXH ban hành kèm theo Quyết định số 2366/QĐ-BHXH ngày 28/11/2018. BHXH Việt Nam đang hoàn thiện dự thảo để ban hành.

- Về phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội định nghĩa "Nhóm thông tin về an sinh xã hội": Ngày 01/4/2022, BHXH Việt Nam có Công văn số 823/BHXH-CNTT gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về phối hợp thực hiện nhiệm vụ theo Nghị định số 43/2021/NĐ-CP. Ngày 24/5/2022, BHXH Việt Nam nhận được Công văn số 1653/LĐTBXH-TTTT của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) trả lời Công văn 823/BHXH-CNTT của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam. BHXH Việt Nam đang tiếp tục phối hợp với Bộ LĐTB&XH xây dựng, bổ sung chuẩn trao đổi dữ liệu điện tử về an sinh xã hội vào tài liệu kỹ thuật cấu trúc thông điệp trao đổi với CSDL quốc gia về Bảo hiểm, phối hợp triển khai kết nối, chia sẻ CSDL quốc gia về an sinh xã hội với CSDL quốc gia về Bảo hiểm. Trong tháng 6/2022, BHXH Việt Nam đã có các Công văn số: 1639/BHXH-CSXH; 1691/BHXH-CSXH, 1700/BHXH-CSXH; 1710/BHXH-CSXH; 1730/BHXH-CSXH; 1723/BHXH-CSXH; 1726/BHXH-CSXH gửi các đơn vị thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục Việc làm, Cục An toàn Lao động, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Bảo trợ xã hội, Cục Người có công, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Cục Trẻ em) đề nghị phối hợp, nghiên cứu bổ sung các thông tin còn thiếu, hiệu chỉnh hoặc loại bỏ các nhóm thông tin dự kiến trong phụ lục và định nghĩa, cụ thể hóa các chỉ tiêu về an sinh xã hội để làm cơ sở cho việc xây dựng, cập nhật và hoàn thiện CSDL quốc gia về Bảo hiểm.

- Về phối hợp với Bộ Y tế định nghĩa "Nhóm thông tin cơ bản về y tế": Ngày 01/4/2022, BHXH Việt Nam có Công văn số 824/BHXH-CNTT ngày 01/4/2022 gửi Bộ Y tế về phối hợp thực hiện nhiệm vụ theo Nghị định số 43/2021/NĐ-CP. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, BHXH Việt Nam vẫn chưa nhận được phản hồi từ Bộ Y tế.

- Về kết nối, chia sẻ, đồng bộ thông tin phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19: BHXH Việt Nam đã cung cấp, chia sẻ các thông tin từ CSDL hộ gia đình tham gia BHYT phục vụ đối chiếu, đồng bộ với dữ liệu tiêm chủng cho Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch COVID-19 quốc gia thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng đã phối hợp, cung cấp các thông tin từ CSDL quốc gia về BHXH cho UBND các tỉnh, thành phố để phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19.

- Về việc kết nối để thu thập và xác thực thông tin quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định số 43/2021/NĐ-CP được khai thác từ CSDL quốc gia về dân cư: Ngay khi CSDL quốc gia về dân cư được đưa vào vận hành, khai thác, BHXH Việt Nam là đơn vị đầu tiên được Bộ Công an triển khai kết nối, chia sẻ, đồng bộ thông tin công dân.

Ngoài ra, BHXH Việt Nam cũng đang thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin phục vụ quản lý nhà nước, giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến với các Bộ, Ngành: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,  Bộ Y tế, Tổng cục Thuế... (Chi tiết nội dung kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa BHXH Việt Nam với các Bộ, Ngành tại Mục 2).

2.  Kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa BHXH Việt Nam và các Bộ, Ngành

- Phối hợp cùng Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Công nghệ thông tin - Bộ Tư pháp triển khai thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố. Thực hiện việc tiếp nhận, liên thông dữ liệu đăng ký khai sinh từ Bộ Tư pháp để thực hiện cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi tại 63 BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Kết nối, chia sẻ dữ liệu với Tổng cục Thuế (TCT): BHXH Việt Nam đã nhận được đủ dữ liệu người nộp thuế do Tổng cục Thuế chuyển sang (tính đến ngày 06/7/2022). Các dữ liệu phát sinh sau ngày 06/7/2022 sẽ được Cục Công nghệ thông tin- TCT chuyển trước ngày 10 hàng tháng theo như yêu cầu thống nhất giữa BHXH Việt Nam và TCT. Hiện nay, BHXH Việt Nam đã hoàn thành việc bóc tách, xử lý dữ liệu của các gói tin từ TCT chuyển sang; đang phân tích, đối chiếu với dữ liệu của ngành BHXH Việt Nam để lên biểu mẫu gửi BHXH tỉnh, thành phố khai thác (đã hoàn thành biểu D04a-TS, đang thực hiện biểu D04b-TS).

- Kết nối dữ liệu với Bộ Giáo dục và đào tạo: Ngày 13/8/2022, BHXH Việt Nam có buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, trao đổi nhu cầu thực tế về kết nối, chia sẻ dữ liệu và xác thực thông tin hai bên đang quản lý để phục vụ chức năng quản lý nhà nước, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu nghiệp vụ theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Thông báo số 123/TB-VPCP ngày 22/4/2022 giao: “Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Công an, Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoàn thiện dữ liệu về học sinh, sinh viên trên cơ sở kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”.

- Phối hợp với Cục Việc làm thuộc Bộ LĐTB&XH chia sẻ, khai thác nhóm thông tin về BHXH, BHTN theo quy định tại điểm d, điểm e, khoản 1 Điều 6 Nghị định số 43/2021/NĐ-CP và liên thông dữ liệu Báo cáo tình hình sử dụng lao động theo Nghị định 145/2020/NĐ-CP. Cung cấp tiện ích tra cứu cho cán bộ thuộc các Trung tâm Dịch vụ việc làm trên cả nước để tra cứu các thông tin: Trạng thái tại thời điểm tra cứu (đang tham gia tại đơn vị sử đơn vị sử dụng lao động nào, mã cơ quan BHXH quản lý; đã nghỉ việc); Trạng thái hưởng chế độ BHXH; Tháng dừng đóng gần nhất; Tổng thời gian tham gia BHTN chưa hưởng; Lương bình quân 6 tháng cuối của lần chốt sổ cuối cùng trong quá trình giải quyết trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp; phối hợp tích hợp, cung cấp DVC Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp trên Cổng DVC Quốc gia.

- Duy trì việc kết nối, cung cấp số liệu với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia theo Nghị định số 60/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 quy định chi tiết nội dung chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia và Quyết định số 293/QĐ-TTg ngày 24/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện tổng hợp báo cáo số liệu hàng ngày, thống kê tình hình hỗ trợ các nhóm đối tượng tại chương I, II, III Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, dữ liệu từ BHXH cấp huyện trở lên được tự động cập nhật lên Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia.

- BHXH Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện thành công việc kết nối kỹ thuật để liên thông dữ liệu theo quy trình phối hợp, liên thông giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan bảo hiểm xã hội  theo Nghị định quy định về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp theo Nghị đinh số 122/2020/NĐ-CP ngày 15/10/2020 của Chính phủ thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP).

- BHXH Việt Nam đã ban hành Danh mục dữ liệu mở (theo Quyết định số 911/QĐ-BHXH ngày 23/9/2021) và công bố trên trên Cổng dữ liệu quốc gia https://open.data.gov.vn.

- Ngoài ra, BHXH Việt Nam còn chia sẻ dữ liệu thẻ BHYT cho các cơ sở khám chữa bệnh để phục vụ khám chữa bệnh BHYT, bàn giao toàn bộ CSDL hộ gia đình tham gia BHYT cho Bộ Y tế để xây dựng hồ sơ sức khỏe; tiếp nhận dữ liệu bảo lưu, dữ liệu thẻ BHYT từ BHXH Bộ Quốc phòng.

3. Kết quả triển khai Đề án 06

Thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Đề án 06), BHXH Việt Nam đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, cụ thể như sau:

3.1. Kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; Triển khai kỹ thuật đảm bảo từng bước sử dụng thẻ Căn cước công dân, ứng dụng Định danh điện tử quốc gia (VNEID) thay thế thẻ BHYT giấy để khám bệnh, chữa bệnh BHYT

Tính đến hết tháng 9/2022, hệ thống của BHXH Việt Nam đã xác thực 51.814.634 thông tin nhân khẩu có trong CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư. Đồng thời, BHXH Việt Nam cũng đã cung cấp, chia sẻ trên 60.671.408 lượt bản ghi thông tin BHXH, BHYT cho CSDL quốc gia về dân cư.

Nhằm triển khai thí điểm KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp, BHXH Việt Nam đã thực hiện điều chỉnh, nâng cấp phần mềm phục vụ tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chíp phục vụ làm thủ tục KCB BHYT; đồng bộ số CCCD từ CSDL quốc gia về dân cư với dữ liệu người tham gia BHYT do BHXH Việt Nam quản lý. Tính đến hết tháng 9/2022, toàn quốc đã có 11.521 cơ sở KCB BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chíp phục vụ KCB BHYT (chiếm khoảng 90% tổng số cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc) với 2.978.985 lượt tra cứu.   

3.2. Tích hợp tính giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình

BHXH Việt Nam đã tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ tại Quyết định số 1187/QĐ-BHXH ngày 24/05/2022 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ban hành quy trình giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ BHYT theo Hộ gia đình trên Cổng dịch vụ công; ban hành dịch vụ công trực tuyến “Gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình tích hợp giảm trừ mức đóng trên Cổng dịch vụ công” tại Quyết định số 1231/QĐ-BHXH ngày 02/6/2022. BHXH Việt Nam đã cung cấp DVC Gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình có giảm trừ mức đóng trên Cổng DVC BHXH Việt Nam, tích hợp trên Cổng DVC quốc gia.

Ngày 08/9/2022, BHXH Việt Nam có Công văn số 2457/BHXH-CNTT gửi các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam và BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để đẩy mạnh truyền thông, hướng dẫn triển khai dịch vụ Gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình có giảm trừ mức đóng. Tính đến hết tháng 9/2022, đã có 262 lượt gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình có giảm trừ mức đóng được hệ thống của BHXH Việt Nam tiếp nhận và giải quyết.

3.3. Liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; Liên thông đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí (nhiệm vụ được giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam thực hiện):

BHXH Việt Nam đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị để tham gia hoàn thiện quy trình, hoàn thiện tài liệu kỹ thuật xây dựng phần mềm liên thông: Đã tham gia ý kiến vào tài liệu kỹ thuật, cung cấp các API theo yêu cầu của Bộ Công an.

3.4. Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp (nhiệm vụ được giao Bộ LĐTB&XH chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, BHXH Việt Nam thực hiện):

Ngày 12/4/2022, BHXH Việt Nam đã phối hợp cùng Bộ LĐTB&XH và Văn phòng Chính phủ tích hợp thành công DVC “Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp” trên Cổng DVC Quốc gia.

BHXH Việt Nam đã ban hành các Quyết định số: 1392/QĐ-BHXH ngày 01/7/2022 ban hành quy trình tiếp nhận Quyết định hưởng và chi trả trợ cấp thất nghiệp theo dịch vụ công "Giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp" trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; 1433/QĐ-BHXH ngày 18/7/2022 ban hành DVC trực tuyến chi trả trợ cấp thất nghiệp để sẵn sàng triển khai tiếp nhận bản điện tử Quyết định hưởng và chi trả trợ cấp thất nghiệp trên môi trường điện tử khi Ngành LĐTB&XH thực hiện chuyển bản điện tử Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp sang Hệ thống của BHXH Việt Nam.

Ngày 08/9/2022, BHXH Việt Nam đã có Công văn số 2461/BHXH-CSXH gửi Bộ LĐTBXH về một số vướng mắc trong tiếp nhận hồ sơ chi trả trợ cấp thất nghiệp, qua đó đề nghị Bộ LĐTBXH bổ sung, điều chỉnh một số thông tin trong biểu mẫu, điều chỉnh chức năng để phục vụ cho việc tiếp nhận, giải quyết chi trả trợ cấp thất nghiệp và cấp thẻ BHYT cho người lao động của BHXH Việt Nam.

Tính đến hết tháng 9/2022, BHXH Việt Nam đã tiếp nhận từ Cổng DVC quốc gia để xác nhận và trả quá trình đóng BHTN cho 24.975 trường hợp phục vụ giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động.

3.5. Triển khai ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc dự trên thông tin sinh trắc được tích hợp trên CCCD gắn chíp và trên dữ liệu của CSDL quốc gia về dân cư

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tại Hội nghị sơ kết 6 tháng triển khai Đề án 06, BHXH Việt Nam đang phối hợp với Bộ Công an triển khai các công nghệ xác thực sinh trắc dựa trên thông tin sinh trắc được tích hợp trên CCCD gắn chíp và trên dữ liệu của CSDL Quốc gia về dân cư để hạn chế và ngăn chặn trục lợi khi đóng, hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN (theo Thông báo kết luận số 276/TB-VPCP ngày 05/9/2022). Hiện nay, đầu mối của BHXH Việt Nam (Trung tâm Công nghệ thông tin) đã ký thỏa thuận bảo mật thông tin với đơn vị đầu mối của Bộ Công an (Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân); nghiên cứu các tài liệu kỹ thuật để tích hợp công nghệ xác thực sinh trắc vào các Hệ thống của BHXH Việt Nam.

4. Triển khai tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến

Hiện nay, BHXH Việt Nam đã hoàn thành việc cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho tất cả các thủ tục hành chính của Ngành, tích hợp, cung cấp 20 DVC thuộc 14 TTHC của BHXH Việt Nam trên Cổng DVC Quốc gia, 07 DVC trên ứng dụng VssID. Như vậy, tất cả các thủ tục hành chính của Ngành đều được thực hiện trên không gian số. Điều này giảm tải tối đa thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí cho đơn vị sử dụng lao động, người lao động thay vì phải đến nộp hồ sơ trực tiếp tại cơ quan BHXH. Việc thực hiện trên không gian số giúp cho doanh nghiệp, người lao động dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ, dễ dàng kiểm tra đối chiếu dữ liệu thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT và giải quyết chế độ chính sách, nâng cao tính minh bạch của thông tin.

Mỗi năm, Hệ thống Giao dịch BHXH điện tử tiếp nhận và xử lý gần 100 triệu lượt hồ sơ (chưa tính số lượng hồ sơ tiếp nhận và xử lý trên hệ thống thông tin giám định BHYT trung bình mỗi năm khoảng 170 triệu hồ sơ). Trong 9 tháng đầu năm 2022, toàn Ngành đã tiếp nhận và xử lý 70.368.913 hồ sơ giao dịch điện tử.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỜI GIAN TỚI

Trong thời gian tới, để phục vụ tổ chức, cá nhân tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH , BHYT ngày càng tốt hợp, trong lĩnh vực CNTT, chuyển đổi số, BHXH Việt Nam đã đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp cơ bản như sau:

Thứ nhất, về hạ tầng công nghệ thông tin: Duy trì hệ thống hạ tầng, đường truyền đảm bảo cung cấp các dịch vụ liên thông, các hoạt động giao dịch trực tuyến; đảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động của ngành BHXH Việt Nam; bổ sung năng lực, hoàn thiện các Trung tâm Dữ liệu của Ngành, đáp ứng sự tăng trưởng dữ liệu trong tương lai; hướng tới tái cấu trúc, chuyển đổi hạ tầng CNTT thành hạ tầng số thống nhất, ổn định, linh hoạt; ưu tiên áp dụng công nghệ như: AI, BigData, Cloud Computing,... làm nền tảng cho việc phát triển ứng dụng, dịch vụ mới theo hướng sử dụng chung hạ tầng số, nền tảng số và các dịch vụ CNTT sẵn có; triển khai xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành thông minh để giám sát, điều hành hoạt động ứng dụng CNTT, xây dựng và vận hành Chính phủ số trong toàn ngành.

Thứ hai, hoàn thiện CSDL quốc gia về bảo hiểm, ứng dụng nội bộ Ngành: Nâng cấp, hiệu chỉnh, hoàn thiện các phần mềm để đáp ứng các quy trình nghiệp vụ, 100% các phần mềm liên thông theo quy định; Tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống thông tin quản lý, hỗ trợ ra quyết định phục vụ đắc lực cho công tác dự báo, ra quyết định, chính sách một cách kịp thời và xuyên suốt; Triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm, đáp ứng các quy định của Nghị định số 43/2021/NĐ-CP quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; kết nối, chia sẻ với các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành của các bộ, ngành liên quan, góp phần xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số tại Việt Nam.

Thứ ba, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp: Rà soát, tái cấu trúc các dịch vụ công, đơn giản hóa hồ sơ, giấy tờ cá nhân theo nguyên tắc không yêu cầu cung giấy tờ cá nhân đối với các trường đã được chia sẻ từ CSDL quốc gia về dân cư. Triển khai 100% các dịch vụ công thực hiện mức độ 4, tích hợp thanh toán trực tuyến; Tiếp tục duy trì hiệu quả hệ thống tương tác giữa cơ quan BHXH với tổ chức, cá nhân, cung cấp thông tin một cách kịp thời, chính xác nhất; Tiếp tục thực hiện liên thông dữ liệu trong quản lý, chỉ đạo công tác tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” nhằm theo dõi, kiểm tra, xử lý, đôn đốc tiến độ tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả thủ tục hành chính của BHXH địa phương qua mạng trực tuyến.

Thứ tư, đảm bảo an toàn thông tin: Duy trì công tác triển khai bảo đảm an toàn thông tin của Ngành theo mô hình do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định; Tiếp tục triển khai các hoạt động thường xuyên về xác định và bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; Giám sát, ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng, bảo vệ các hệ thống thông tin; Bồi dưỡng nâng cao năng lực cho công chức, viên chức chuyên trách về CNTT kỹ năng số, phân tích dữ liệu, xử lý dữ liệu, đảm an toàn, bảo mật thông tin của người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT.

BHXH Việt Nam quyết tâm thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ và toàn diện, lấy người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT làm trung tâm; hình thành ngành BHXH Việt Nam số, với nguồn nhân lực số chất lượng cao; thử nghiệm và áp dụng các công nghệ mới như Blockchain, Big Data, AI... để mang lại hiệu quả trong quản lý, nâng cao chất lượng phục vụ, mang lại lợi ích cho toàn xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia.

BBT