Cơ sở dữ liệu ngành BHXH Việt Nam: Cập nhật đồng bộ, chính xác, an toàn, phát huy hiệu quả trong quản lý và phục vụ tốt người tham gia và thụ hưởng chính sách

11/06/2024 07:22 AM


Thời gian qua, CSDL quốc gia về bảo hiểm được ngành BHXH Việt Nam cập nhật thường xuyên và đồng bộ với dữ liệu của nhiều bộ, ngành liên quan. Đặc biệt, công tác bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin luôn được đặc biệt coi trọng; từ đó phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành của BHXH các cấp, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng phục vụ người tham gia và thụ hưởng chính sách.

Chiều 10/6, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đã trực tiếp kiểm tra, đánh giá hoạt động của Trung tâm Điều hành hệ thống CNTT ngành BHXH Việt Nam. Tại buổi kiểm tra, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho biết, hệ thống CNTT của Ngành đã được xây dựng, đầu tư bài bản, hiện đại, nhưng công tác vận hành, theo dõi, giám sát là điều rất quan trọng để kịp thời phát hiện các sự cố và giải quyết “từ sớm, từ xa”.

Đặc biệt, Tổng Giám đốc cho rằng Trung tâm điều hành hệ thống CNTT của Ngành đã cập nhật các thông tin, dữ liệu nhanh chóng, đồng bộ theo thời gian thực, nhất là dữ liệu về công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT để phục vụ đắc lực công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Ngành, cũng như việc thực hiện nhiệm vụ của BHXH các địa phương. "Đây là tiền đề quan trọng để triển khai cung cấp các dịch vụ, tiện ích, giải quyết chế độ cho người tham gia, thụ hưởng các chính sách ngày càng tốt hơn"- Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chỉ rõ.

Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cũng lưu ý Trung tâm CNTT và các đơn vị liên quan không vì chạy theo tiện ích mà đánh đổi, coi nhẹ yếu tố an toàn thông tin. Bởi, dữ liệu của Ngành rất quan trọng với mỗi người dân, NLĐ- hầu hết bao gồm thông tin từ khi một người được sinh ra cho đến đi khi trưởng thành, lao động, rồi mất đi. Những thông tin này có giá trị rất lớn, là CSDL của quốc gia.

“Vì thế, an toàn thông tin ngành BHXH Việt Nam là nhiệm vụ chính trị quan trọng, bảo đảm an toàn thông tin mạng là hoạt động thường xuyên, liên tục của Ngành, bảo đảm sự thành công trong công tác chuyển đổi số, mang lại lợi ích ngày càng lớn hơn cho người dân và DN” - Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh.

Theo báo cáo, hiện nay BHXH Việt Nam đã và đang quyết liệt triển khai, vận hành hệ thống CNTT của Ngành theo định hướng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, với quy trình nghiệp vụ tự động hóa mức độ cao. Toàn bộ hệ thống phần mềm ứng dụng, dữ liệu được BHXH Việt Nam quản lý, vận hành tập trung tại Trung tâm Dữ liệu của Ngành, bao gồm: Trung tâm Dữ liệu chính; Trung tâm Dữ liệu dự phòng và phục hồi thảm họa.

CSDL của Ngành cũng luôn được sao lưu, lưu trữ an toàn trong các trường hợp bị tấn công; đồng thời đảm bảo an toàn thông tin cho 28 hệ thống ứng dụng phục vụ nghiệp vụ. Tất cả hệ thống của Ngành đều được giám sát trên thời gian thực, cảnh báo kịp thời các rủi ro qua phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ TT-TT và các đơn vị kỹ thuật liên quan.

Hiện nay, 100% nghiệp vụ của Ngành thực hiện trên phần mềm; 100% CBVC và NLĐ của Ngành được định danh và cấp chữ ký số phục vụ quản lý và giải quyết các hoạt động nghiệp vụ; 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của BHXH Việt Nam được thực hiện trên Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành (Eoffice); 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng Chính phủ (do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp); 100% hồ sơ được tạo lập, lưu trữ, chia sẻ dữ liệu điện tử theo quy định.

Với CSDL quốc gia về bảo hiểm, BHXH Việt Nam luôn ưu tiên tập trung làm giàu; chủ động, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương kết nối, chia sẻ, tạo tiền đề quan trọng cho việc thúc đẩy các hoạt động nghiệp vụ trên môi trường số, cung cấp DVC trực tuyến của Ngành nói riêng và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia nói chung.

Thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, BHXH Việt Nam là đơn vị đầu tiên đã kết nối thành công với CSDL quốc gia về dân cư do Bộ Công an làm chủ quản. Đến nay hệ thống của BHXH Việt Nam đã xác thực 96,8 triệu thông tin nhân khẩu  trong CSDL do BHXH Việt Nam quản lý với CSDL quốc gia về dân cư, trong đó có 86,9 triệu người đang tham giia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, chiếm 97,8% tổng số người tham gia (không bao gồm lực lượng vũ trang, thân nhân quân đội). Việc đồng bộ, xác thực thông tin định danh của người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp với CSDL quốc gia về dân cư giúp chuẩn hoá dữ liệu giữa 2 CSDL quốc gia (dân cư và bảo hiểm).

Cũng trong chiều 10/6, làm việc với Trung tâm CNTT, Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh cho biết, hiện nay, rất nhiều cuộc tấn công mạng nhắm đến CSDL của các bộ, ngành và địa phương, gây ra hậu quả rất nghiêm trọng. Nhận thức rõ vấn đề này, BHXH Việt Nam luôn ưu tiên, tập trung nguồn lực cho công tác đảm bảo an toàn thông tin, không để xảy ra các sự cố.

Tuy nhiên, Phó Tổng Giám đốc Chu Mạnh Sinh lưu ý các đơn vị nghiệp vụ và BHXH các tỉnh, thành phố không được lơ là, chủ quan. Đồng thời, yêu cầu Trung tâm CNTT cần tăng cường rà soát, nhận diện đầy đủ các rủi ro trong an toàn thông tin, để tham mưu lãnh đạo Ngành kịp thời chỉ đạo, điều hành, hoàn thiện hệ thống văn bản liên quan; chủ động có kế hoạch, giải pháp ứng phó; làm rõ hơn nữa trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân, nhất là ý thức trách nhiệm bảo vệ tài khoản nghiệp vụ của Ngành.

Bên cạnh đó, luôn phải trong tâm thế chủ động và sẵn sàng các kịch bản ứng phó với sự cố gây mất an toàn thông tin; không ngừng kiện toàn đội ngũ cán bộ về công tác an toàn thông tin với kỹ năng, kiến thức thường xuyên được cập nhật. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị chức năng về an ninh mạng của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ TT-TT và Ban Cơ yếu Chính phủ nhằm giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý sự cỗ, lỗ hổng, ngăn chặn, bóc gỡ mã độc tấn công vào hệ thống mạng.

Hà Thủy