Tạo thuận lợi tối đa trong tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính
12/06/2024 03:00 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Từ ngày 1/7/2024, hồ sơ hai nhóm thủ tục hành chính (TTHC) liên thông liên quan đến đăng ký khai sinh và khai tử được tiếp nhận, giải quyết trên môi trường điện tử theo quy định tại Nghị định số 63/2024/NĐ-CP. Việc thực hiện thủ tục hành chính liên thông điện tử tại văn bản này có giá trị pháp lý như các hình thức khác theo quy định của pháp luật; không làm tăng chi phí cho cá nhân, tổ chức.
Ngày 10/6, Chính phủ ban hành Nghị định số 63/2024/NĐ-CP quy định việc thực hiện liên thông điện tử 2 nhóm TTHC: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất (sau đây gọi tắt là 2 nhóm TTHC liên thông điện tử).
Việc thực hiện TTHC liên thông điện tử giải quyết hưởng trợ cấp mai táng, trợ cấp tuất do ngành BHXH Việt Nam thực hiện áp dụng đối với người chết là người đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng hoặc đang tham gia BHXH tự nguyện.
Việc thực hiện TTHC liên thông điện tử giải quyết hỗ trợ chi phí mai táng, hưởng trợ cấp mai táng, trợ cấp tuất do ngành lao động-thương binh và xã hội thực hiện áp dụng đối với người chết là người đang hưởng chính sách bảo trợ xã hội, người có công với cách mạng.
Tạo thuận lợi trong tiếp nhận giải quyết TTHC
Nghị định nêu rõ, việc tổ chức tiếp nhận, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử được thực hiện hợp lý, khoa học, bảo đảm yêu cầu khai thác, tái sử dụng dữ liệu phục vụ cải cách, đơn giản hóa TTHC giữa các cơ quan, tổ chức và người yêu cầu, không yêu cầu nộp bản giấy. Việc chuyển phương thức xử lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm nhằm tạo thuận lợi cho người yêu cầu và cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tiếp nhận giải quyết TTHC.
Tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi tiếp nhận, giải quyết các TTHC. Ảnh minh họa: Internet
Quá trình thực hiện TTHC liên thông điện tử tại Nghị định này có giá trị pháp lý như các hình thức khác theo quy định của pháp luật; không làm tăng chi phí cho cá nhân, tổ chức.
Kết quả giải quyết của TTHC thuộc nhóm TTHC liên thông điện tử là thành phần hồ sơ của thủ tục khác trong nhóm sẽ được hệ thống tự động chia sẻ để hoàn thiện hồ sơ gửi đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định.
Đối với những dữ liệu mà cơ quan thực hiện TTHC đang quản lý hoặc đã được cơ quan nhà nước khác sẵn sàng chia sẻ thì thực hiện theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 8/4/2020 của Chính phủ về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử.
Đối với các thành phần hồ sơ chưa có dữ liệu điện tử thì thực hiện theo quy định tại Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 6/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC.
Các thông tin trong tờ khai điện tử quy định tại Nghị định này đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, hệ thống thông tin có liên quan, được Phần mềm dịch vụ công liên thông điền tự động.
Hồ sơ, biểu mẫu điện tử của từng thủ tục sẽ được Phần mềm dịch vụ công liên thông tự động phân tách để chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo đúng quy định.
Hồ sơ đăng ký khai sinh, khai tử được Phần mềm dịch vụ công liên thông đồng bộ về Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh; hồ sơ đăng ký thường trú, xóa đăng ký thường trú, hồ sơ cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi, hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp mai táng, tử tuất được đồng bộ về phần mềm nghiệp vụ của các bộ, ngành có liên quan.
Thời gian người yêu cầu hoàn thiện hồ sơ hoặc xác nhận qua ứng dụng VNeID không tính vào thời gian giải quyết của các TTHC.
Thúc đẩy thực hiện một cửa và liên thông trong giải quyết TTHC
Nghị định số 63/2024/NĐ-CP quy định cụ thể về hồ sơ, quy trình tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả thực hiện liên thông điện tử TTHC với 2 nhóm thủ tục liên quan đến đăng ký khai sinh, khai tử nêu trên.
Người yêu cầu truy cập vào Cổng Dịch vụ công quốc gia (tại địa chỉ dichvucong.gov.vn) hoặc trên ứng dụng VNeID, lựa chọn mục “Dịch vụ công liên thông khai sinh, khai tử” để thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến và lệ phí theo quy định.
Tính đến đầu tháng 5/2024, ngành BHXH Việt Nam đã giải quyết 856.063 hồ sơ đề nghị cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và 10.529 hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng mai táng phí.
Trường hợp người yêu cầu chỉ lựa chọn thực hiện liên thông 2 TTHC (Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú); hoặc 3 TTHC (Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí); hoặc 4 TTHC (Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, giải quyết mai táng phí, tử tuất), Phần mềm dịch vụ công liên thông sẽ điều chỉnh nội dung tờ khai điện tử và giấy tờ phải đính kèm theo nội dung liên thông mà người yêu cầu đã lựa chọn để người yêu cầu thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến theo quy định.
Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực đến ngày 1/7/2024, các hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh, phần mềm nghiệp vụ của các bộ, ngành, địa phương phải nâng cấp, hoàn thiện kết nối, chia sẻ, thông suốt với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành và Phần mềm dịch vụ công liên thông theo quy định của Nghị định này.
Kể từ ngày 1/7/2024, hồ sơ 2 nhóm TTHC liên thông điện tử được tiếp nhận, giải quyết theo quy định tại Nghị định này.
Trong Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030 (Đề án 06), hai nhóm TTHC thiết yếu liên quan đến đăng ký khai sinh, khai tử nêu trên là các TTHC gắn liền và phát sinh quyền, nghĩa vụ của công dân, liên quan trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân, có số lượng đối tượng thực hiện lớn.
Đây là các TTHC gắn liền và phát sinh quyền, nghĩa vụ của công dân, liên quan trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân, có số lượng đối tượng thực hiện lớn. Mỗi năm, ước tính có khoảng 1,4 triệu hồ sơ khai sinh và 680 nghìn hồ sơ đăng ký khai tử.
Thời gian qua, Văn phòng Chính phủ đã phối hợp các bộ, ngành: Tư pháp, Công an, Lao động-Thương binh và Xã hội, Y tế, BHXH Việt Nam xây dựng quy trình thực hiện liên thông điện tử đối với hai nhóm TTHC nêu trên.
Công tác triển khai trên toàn quốc thực áp dụng chính thức từ ngày 10/7/2023. Qua đó, giúp cắt giảm từ 21 ngày xuống còn 4 ngày làm việc, người dân chỉ khai thông tin 1 lần để giải quyết 3 TTHC.
Tính đến đầu tháng 5/2024, với 2 nhóm TTHC liên thông trên, BHXH các tỉnh, thành phố đã giải quyết 856.063 hồ sơ đề nghị cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và 10.529 hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng mai táng phí./
Thắng Trần
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT cho cán bộ phụ nữ cơ sở
Phát huy vai trò cán bộ không chuyên trách trong việc tuyên ...
BHXH Việt Nam: Công bố quyết định về công tác cán bộ
BHXH tỉnh Bình Thuận: Đổi mới truyền thông để phủ rộng lưới ...
Nâng cao nhận thức, kỹ năng tuyên truyền chính sách BHXH, ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?