"Mạch nguồn nhân ái" từ một Nghị Quyết: Tấm thẻ nhỏ
29/10/2024 07:52 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Phía sau mỗi tấm thẻ BHYT là một câu chuyện xúc động về những phận đời khó khăn được hỗ trợ kịp thời. Nhờ quỹ BHYT đồng hành, nhiều người có hoàn cảnh khó khăn, đối mặt với chi phí điều trị khổng lồ, đã vượt qua những thời khắc gian khó nhất. Theo đó, chính sách BHYT không chỉ hỗ trợ về y tế, mà còn mang đến niềm tin và hy vọng về một tương lai bớt nhọc nhằn hơn.
Trong căn nhà đã xuống cấp giữa thôn Phú Nhiêu (xã Thái Hòa, huyện Ba Vì), chị Chu Thị Dung cùng chồng và ba đứa con nhỏ vật lộn từng ngày với cuộc sống khó khăn. Kế sinh nhai của gia đình chị Dung chỉ trông chờ vào hai sào ruộng và đàn gà ít ỏi, nên không đủ để trang trải cuộc sống thường nhật. Năm 2024 là quãng thời gian đầy khắc nghiệt với gia đình chị, khi con trai lớn gặp tai nạn giao thông phải phẫu thuật hai lần. Còn con gái thứ hai đang học lớp 12, dù ấp ủ ước mơ được đi xuất khẩu lao động giúp đỡ bố mẹ, nhưng con đường tương lai của em cũng còn quá nhiều gập ghềnh.
Nỗi đau lớn nhất của chị Dung là con trai út Đoàn Phương Bắc, mới 8 tuổi, bị tâm thần nhẹ sau cơn co giật hồi 3 tuổi. Dù đã qua nhiều lần điều trị, tình hình của bé vẫn chưa cải thiện. Ôm con vào lòng, đôi mắt chị Dung thẫn thờ buồn bã. “Kinh tế gia đình quá khó khăn, nợ nần chồng chất, nên nhiều năm tôi không thể mua BHYT cho các con. Mỗi lần có ai đau ốm, tôi lại thêm gánh nặng chi phí”- chị Dung nghẹn ngào chia sẻ với chúng tôi.
Cuộc sống quá khó khăn khiến đôi vai của người mẹ như thêm trĩu nặng, nên mỗi lần nhắc đến các con, đôi mắt chị Dung lại đẫm lệ. Nỗi lo về tương lai, về những ngày tháng phía trước cứ đeo đẳng. Nhưng, trong bóng tối của sự nghèo đói và tuyệt vọng, Nghị quyết 13/2023/ND-HĐND của HĐND TP.Hà Nội đã thắp sáng hy vọng cho chị Dung. Theo đó, con trai út của chị thuộc diện được hỗ trợ 100% mức đóng BHYT và hỗ trợ hàng tháng cho người khuyết tật nhẹ. Tấm thẻ BHYT giờ đây không chỉ là “điểm tựa” về tài chính giúp gia đình chị Dung giảm bớt gánh nặng, mà còn là niềm hy vọng duy nhất để con trai chị có cơ hội trở lại với cuộc sống bình thường.
Ôm chặt con trong lòng, chị Dung xúc động trải lòng: “Tấm thẻ BHYT thật sự rất quý giá với gia đình tôi. Trước đây, dù rất thương con, tôi cũng không thể đưa cháu đi chữa bệnh vì không đủ khả năng. Nay nhờ sự hỗ trợ từ Nghị quyết 13, con tôi đã có thẻ BHYT miễn phí. Điều này vừa là niềm hy vọng để con được chữa trị, vừa là động lực để gia đình tôi vượt qua giai đoạn khó khăn”.
Được biết, UBND xã Thái Hòa cũng đang xem xét đưa gia đình chị Dung vào diện hộ cận nghèo vào cuối năm 2024. Khi đó, các thành viên trong gia đình sẽ được hỗ trợ 70% chi phí mua thẻ BHYT. Điều này khiến vợ chồng chị thêm yên tâm chăm lo cho các con; cũng như có động lực để tham gia sản xuất, tạo sinh kế bền vững cho gia đình.
Bà Phùng Thị Gấm (huyện Ba Vì, Hà Nội) đã bước qua tuổi 70, sống một mình trong căn nhà nhỏ. Sau khi chồng mất, con cái lại đi làm ăn xa, cuộc sống của bà Gấm dựa chủ yếu vào mảnh vườn nhỏ để trồng rau củ và đôi chút tiền biếu từ con cháu. Những năm tháng tuổi già cô đơn, bà Gấm còn mang trong mình căn bệnh mạn tính (tiểu đường, huyết áp), khiến sức khỏe bà ngày càng suy yếu.
Thế nhưng, nhờ chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết 13/2023/NQ-HĐND, bà Gấm thuộc diện người cao tuổi (từ 70 đến dưới 80 tuổi) được cấp thẻ BHYT miễn phí. Vì vậy, mỗi tháng, bà đều đặn đến trạm y tế xã để khám và lấy thuốc điều trị. Với bà Gấm, tấm thẻ BHYT không chỉ là sự hỗ trợ tài chính, giúp bà tiết kiệm được khoản tiền thuốc men mỗi năm, mà còn là sự yên tâm cho sức khỏe tuổi già. Nhờ có tấm thẻ BHYT này, bà có thể chăm sóc bản thân tốt hơn, sống an nhiên hơn, không phải quá lo lắng về những khoản chi phí KCB đè nặng lên đôi vai vốn lam lũ, mệt mỏi của bà.
“Nhận được thẻ BHYT, tôi rất vinh dự và tự hào, bởi tấm thẻ này quan trọng nhất đời tôi, khi đau ốm không phải lo chi phí điều trị. Từ khi có thẻ, tôi không còn phải nhịn ăn, nhịn tiêu để mua thẻ BHYT như những năm trước. Với tôi, số tiền hỗ trợ này rất lớn và quan trọng. Từ ngày có thẻ BHYT, tôi đi khám bệnh đều đặn hơn, đỡ được nhiều chi phí, không phải xin các cháu hay vay mượn họ hàng”- bà Gấm phấn khởi cho biết.
Những câu chuyện như của chị Dung, bà Gấm đã cho thấy tấm thẻ BHYT không chỉ là một sự hỗ trợ tài chính đơn thuần, mà còn là niềm hy vọng giúp người nghèo, người yếu thế có thể vượt qua những biến cố cuộc đời. Từ ánh mắt mệt mỏi nhưng đầy hy vọng của chị Dung hay nụ cười hạnh phúc của bà Gấm, chúng tôi cảm nhận được rõ ý nghĩa sâu xa của Nghị quyết 13/20203/NQ-HĐND. Nghị quyết này không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng kinh tế, mà còn là cầu nối đưa những người yếu thế đến gần hơn với cuộc sống ổn định, sức khỏe được bảo đảm.
Khi tấm thẻ BHYT đến với những gia đình như chị Dung, bà Gấm không chỉ là con số chi phí được giảm bớt, mà là sự an tâm, là cảm giác được che chở trong những thời khắc khó khăn nhất. Chính sách này là minh chứng rõ nét cho sự quan tâm sâu sắc của Nhà nước dành cho những hoàn cảnh kém may mắn, để từ đó giúp họ có cơ hội vươn lên trong cuộc sống. Bởi, giờ đây, những gia đình nghèo khó như chị Dung, bà Gấm không còn phải đứng trước “ngưỡng cửa” của sự tuyệt vọng, vì đã có BHYT đồng hành, giúp họ thanh toán chi phí điều trị, đặc biệt giúp họ hướng tới một tương lai tươi sáng hơn.
Thực hiện và trình bày: Hà Hùng
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Phú Quý: Tổ chức khảo sát ý kiến người dân, doanh nghiệp ...
Hội đồng Nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách ...
Vai trò Nhà trường trong công tác bảo hiểm y tế Học sinh - ...
Phú Quý: Tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện với người ...
Tuyên dương điển hình tiên tiến, tiến tới Đại hội Thi đua ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?