Hồ sơ sức khỏe điện tử: Nâng cao chất lượng cuộc sống người dân
21/11/2024 01:54 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Hồ sơ sức khỏe điện tử gồm: Thông tin hành chính, tiền sử bệnh, tóm tắt về quá trình phòng bệnh, khám bệnh và chữa bệnh của cá nhân tại các cơ sở y tế. Thông qua hồ sơ sức khỏe điện tử, người dân có thể tự quản lý thông tin sức khỏe trong suốt cuộc đời mình, từ đó, chủ động phòng tránh bệnh tật; còn bác sĩ có thể căn cứ vào đó chẩn đoán, phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời, hiệu quả cao, tiết kiệm chi phí.
Cùng với đó, hồ sơ sức khỏe điện tử còn cho phép người dân có thể chia sẻ thông tin điện tử về sức khỏe của mình tại bất kỳ cơ sở KCB nào trên cả nước; giúp cho việc phối hợp điều trị thống nhất, góp phần hạn chế lạm dụng chỉ định, lãng phí quỹ BHYT.
Quan trọng hơn, hồ sơ sức khỏe điện tử cung cấp cho bác sĩ đầy đủ các thông tin về bệnh tật, tiền sử bệnh tật, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Kết hợp với thăm khám hiện tại, bác sĩ có thể nhận định về sức khỏe của người bệnh toàn diện hơn, chẩn đoán bệnh chính xác hơn. Hồ sơ sức khỏe điện tử giúp người bác sĩ chăm sóc sức khoẻ cho người dân được liên tục, toàn diện theo nguyên lý hoạt động của y học gia đình.
Với những mục tiêu và ý nghĩa đó, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 5349/QĐ-BYT phê duyệt Kế hoạch triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử đến năm 2025.
Từ tháng 11/2023, Hà Nội được lựa chọn triển khai thí điểm phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử. Ngay từ khi nhận được chỉ đạo của BHXH Việt Nam và UBND Thành phố, BCH Đảng bộ và Ban Giám đốc BHXH Thành phố Hà Nội đã xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới theo Nghị quyết 20-NQ/TW. Lãnh đạo BHXH Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các sở, ngành, địa phương sớm bắt tay tổ chức triển khai thực hiện.
BHXH Hà Nội đã quán triệt, triển khai đến toàn thể CCVC, NLĐ, yêu cầu thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của BHXH Việt Nam và UBND Thành phố về triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử. Đồng thời, phối hợp Sở Y tế, Sở TT-TT, Công an Thành phố và các sở, ngành liên quan tham mưu UBND Thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử. Phối hợp với các cơ quan báo chí truyền thông rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên Cổng TTĐT và qua fanpage, trang Zalo BHXH Thành phố về chủ trương chuyển đổi số; Đề án 06 của Chính phủ; hồ sơ sức khỏe điện tử; liên thông dữ liệu từ BV, cơ sở KCB lên Cổng tiếp nhận Hệ thống Thông tin giám định BHYT để hiển thị trên ứng dụng VNeID…
Theo thống kê, BHXH Hà Nội đã kết nối liên thông dữ liệu KCB từ năm 2021 của 661 cơ sở y tế công lập và ngoài công lập lên Hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử TP.Hà Nội. Trên 16,96 triệu lượt KCB BHYT của 74 cơ sở y tế thuộc Sở Y tế Hà Nội đã được đồng bộ từ phần mềm quản lý KCB tại các cơ sở y tế lên hệ thống này. Gần 1,77 triệu người dân được tạo lập với 48/48 trường thông tin theo Quyết định số 4026/QĐ-BYT của Bộ Y tế và 66/73 thông tin theo Quyết định 110/QĐ-UBND của UBND TP.Hà Nội.
Cũng theo BHXH Hà Nội, toàn Thành phố hiện có 714 cơ sở y tế tham gia KCB BHYT. Trung bình mỗi năm có trên 12 triệu lượt KCB BHYT với số tiền chi trả từ quỹ BHYT khoảng 25.600 tỷ đồng.
Hà Nội có quy mô dân số đứng thứ hai trong cả nước với hơn 9 triệu người. Hiện đã có khoảng 8 triệu người tham gia BHYT (chiếm 94,33% dân số). 6 tháng đầu năm 2024, Hà Nội đã phát sinh 6.452.371 lượt KCB BHYT với chi phí 12.135 tỷ đồng (bằng 116% so với cùng kỳ năm 2023). Chỉ tính trong tháng 6/2024, chi phí bình quân/lượt KCB là 2.024.597 đồng. Trong đó, mỗi lượt KCB ngoại trú có chi phí 656.630 đồng; mỗi lượt KCB nội trú có chi phí 8.625.732 đồng. Để kiểm soát chi phí KCB BHYT, Hà Nội đã thực hiện liên thông dữ liệu đạt 98,22%.
Do đó, việc triển khai, thực hiện hồ sơ sức khỏe điện tử càng cần thiết và mang lại nhiều lợi ích: Người dân chủ động theo dõi, chăm sóc sức khoẻ; BV có đầy đủ thông tin về sức khoẻ, quá trình diễn biến bệnh của bệnh nhân để sớm chẩn đoán, điều trị; cơ quan BHXH quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn quỹ BHYT.
Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực hiện, lãnh đạo BHXH Hà Nội cho biết đã bộc lộ một số khó khăn. Đó là, hiện nay, hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử TP.Hà Nội chưa kết nối được với dữ liệu KCB của người dân Thành phố khi đi khám tại các BV tuyến Trung ương, BV các bộ, ngành hoặc KCB ở cơ sở KCB địa phương khác cũng như chưa kết nối được trực tiếp hệ thống lên ứng dụng VNeID của Bộ Công an.
Các BV, cơ sở y tế của TP.Hà Nội hiện đang kết nối đến các hệ thống thông tin của BHXH Việt Nam và hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử Thành phố thông qua cơ chế API dựa trên kênh truyền internet khiến việc liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa Hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử TP.Hà Nội với các phần mềm của cơ sở y tế (hệ thống HIS hoặc ứng dụng CNTT). Vì vậy, có thể gặp rủi ro về mức độ bảo mật, an toàn thông tin trong quá trình trao đổi, chia sẻ thông tin.
Đến nay, cũng chưa có quy định pháp lý cụ thể liên quan đến việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử TP.Hà Nội với CSDL quốc gia về Bảo hiểm do BHXH Việt Nam quản lý theo các Điều 9, Điều 11, Điều 12, Điều 13 Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/04/2023 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Do Cục C06 (Bộ Công an) xác nhận chỉ cung cấp API xác minh xác thực thông tin, không chia sẻ dữ liệu dân cư cho Thành phố khởi tạo, nên việc khởi tạo dữ liệu ban đầu cho Hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử cũng khó khăn.
Để thực hiện tốt hơn triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn Thành phố, BHXH Hà Nội đề nghị BHXH Việt Nam hỗ trợ chia sẻ dữ liệu người tham gia BHYT trên địa bàn Thành phố để khởi tạo thông tin hành chính của người dân trên Hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử, dữ liệu KCB BHYT trên địa bàn Thành phố với hệ thống này. Đồng thời, hỗ trợ cung cấp API xác minh thông tin và trả về thông tin thẻ BHYT theo dữ liệu đầu vào của hồ sơ sức khỏe điện tử.
Sở Y tế và các cơ sở KCB (bao gồm cả các BV trung ương, BV bộ/ngành trên địa bàn Hà Nội) cần tiếp tục nâng cấp phần mềm, thực hiện đúng chuẩn dữ liệu đầu ra; triển khai bệnh án điện tử để kết nối lên Hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử; chia sẻ dữ liệu KCB của người dân trên địa bàn TP.Hà Nội lên Hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử.
Bài: Châu Anh Đồ hoạ: Thanh An
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Phú Quý: Tổ chức khảo sát ý kiến người dân, doanh nghiệp ...
Hội đồng Nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách ...
Vai trò Nhà trường trong công tác bảo hiểm y tế Học sinh - ...
Phú Quý: Tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện với người ...
Tuyên dương điển hình tiên tiến, tiến tới Đại hội Thi đua ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?