Song hành trách nhiệm và quyền lợi

09/09/2024 04:06 PM


Ngày 14/11/2008, tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật BHYT (có hiệu lực từ ngày 1/7/2009). Theo quy định của Luật, từ ngày 1/1/2010, HSSV chuyển từ đối tượng tham gia tự nguyện sang đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT.

Trong lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, HSSV tiếp tục được lựa chọn là nhóm đối tượng cần sớm được bao phủ BHYT. Đặc biệt, với mục tiêu đẩy nhanh lộ trình BHYT toàn dân, Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo sát với thực tế về các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện mục tiêu này. Trên cơ sở Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 68/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội, Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 2/4/2015… về việc tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật BHXH và BHYT, ngày 28/6/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1167/QĐ-TTg về điều chỉnh giao chỉ tiêu thực hiện BHYT. Trong đó quán triệt phải đẩy mạnh thực hiện BHYT HSSV; giao Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB&XH chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện BHYT cho HSSV, đảm bảo 100% HSSV tham gia BHYT.

Với những nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị, những năm qua tỷ lệ HSSV tham gia ngày càng tăng cao. Nếu như năm học 2012-2013, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT đạt 80% trên tổng số HSSV, thì sau 10 năm, tỷ lệ này tăng thêm 17%, đạt trên 97% HSSV tham gia BHYT. Nhiều địa phương đã đạt bao phủ BHYT đến 100% HSSV như các tỉnh: Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên, Ninh Bình…

Bước chuyển biến mạnh mẽ này là phép cộng của rất nhiều nỗ lực từ cả hệ thống chính trị và cơ quan BHXH. Và thành tựu đầu tiên chính là sự thay đổi từ nhận thức về trách nhiệm trong thực hiện chính sách an sinh xã hội với HSSV của các cơ quan liên quan.

Trong những năm qua, bên cạnh việc hỗ trợ 30% mức đóng BHYT cho HSSV từ NSNN, có nhiều tỉnh, thành phố đã quan tâm, cân đối từ nguồn ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho HSSV trên địa bàn. Ngay từ năm 2022 đã có 27 tỉnh, thành phố hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho HSSV.

Số HSSV tham gia BHYT không ngừng tăng qua các năm đã cho thấy nhận thức của HSSV và phụ huynh về quyền lợi, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia BHYT… đã có sự chuyển biến rõ rệt, chuyển từ tâm thế bị động sang chủ động, tích cực tham gia. Trước đây, một số phụ huynh có quan niệm chỉ khi con mắc bệnh nan y, mãn tính, cần điều trị với chi phí KCB lớn mới tham gia BHYT thì hiện nay phần lớn đã chủ động tham gia BHYT cho con em mình, với ý thức rằng việc tham gia BHYT HSSV vừa để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho thế hệ trẻ, vừa thể hiện lòng nhân ái, trách nhiệm với cộng đồng để cùng thực hiện nguyên tắc bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT…

BHYT không chỉ là trách nhiệm, mà hơn hết là quyền lợi của mỗi HSSV khi chính sách đã và đang chăm sóc sức khỏe trực tiếp cho nhóm đối tượng này, bắt đầu từ trong nhà trường đến cơ sở y tế... Tham gia BHYT, ngoài quyền lợi được quỹ BHYT chi trả lên tới 80% chi phí điều trị bệnh khi KCB đúng tuyến, HSSV còn được chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) ngay tại trường học. Cụ thể, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ đã quy định cụ thể về việc trích lại kinh phí từ quỹ BHYT phục vụ công tác triển khai chính sách BHYT tại các cơ sở GD thuộc hệ thống GD quốc dân. Hiện nay, công tác CSSKBĐ tại các trường học đang vận hành chủ yếu từ nguồn kinh phí này. Các năm qua, số kinh phí CSSKBĐ cho HSSV trích lại từ quỹ BHYT đối với cơ sở GD (bao gồm cả cơ sở GD mầm non) liên tục tăng, hiện khoảng 700 tỷ đồng/năm.

Nguồn kinh phí trích lại từ quỹ BHYT được các cơ sở GD, cơ sở GD nghề nghiệp chi mua thuốc, vật tư y tế phục vụ sơ cấp cứu, xử trí ban đầu cho trẻ em, HSSV khi bị tai nạn thương tích hoặc các trường hợp bệnh thông thường trong thời gian học tập tại cơ sở GD; mua sắm, sửa chữa trang thiết bị y tế thông thường phục vụ CSSKBĐ, tủ tài liệu quản lý hồ sơ sức khỏe tại cơ sở GD; mua văn phòng phẩm phục vụ hoạt động KCB trong công tác CSSKBĐ. Thực tiễn cho thấy, nguồn kinh phí này đã thực sự phát huy vai trò, hiệu quả, không chỉ giúp y tế trường học kịp thời thực hiện sơ cứu, cấp cứu cho HSSV theo quy định, hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về khám bệnh, chữa bệnh khi phát sinh trường hợp cấp cứu trong thời gian học tập, sinh hoạt, thực hành tại cơ sở GD… mà còn giúp theo dõi, kiểm tra, phát hiện sớm nguy cơ sức khỏe để có phương án điều trị kịp thời.

Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng số lượt KCB của nhóm HSSV là trên 4 triệu lượt (tăng 73.100 lượt, tương đương 1,8% so với 6 tháng đầu năm 2023). Tổng số chi KCB BHYT đề nghị BHXH thanh toán là 1.775,4 tỷ đồng, tăng 179,9 tỷ đồng (tăng 11,3%) so với 6 tháng đầu năm 2023. Có hơn 500 trường hợp HSSV được chi trả chi phí KCB BHYT trên 100 triệu đồng, với tổng số tiền lên tới hơn 92 tỷ đồng...

Đến nay, tỷ lệ HSSV tham gia BHYT ở nước ta đã tiệm cận mục tiêu bao phủ 100% HSSV. Để góp phần thực hiện BHYT toàn dân, cần rất nhiều giải pháp đồng bộ từ các cấp, các ngành để nâng cao hơn nữa hiệu quả triển khai chính sách. Hơn hết, nhận thức về quyền lợi và trách nhiệm phải luôn song hành, để chuyển biến thành hành động cụ thể từ mỗi HSSV đến các đơn vị trường học, bộ, ngành...

Để đảm bảo nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện BHYT HSSV, BHXH Việt Nam vẫn đang phối hợp chặt chẽ cùng Bộ GĐ-ĐT triển khai các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, 2 bên đang thúc đẩy tích cực việc kết nối và đồng bộ dữ liệu về HSSV trên cả nước, tạo thuận lợi cho việc triển khai thu BHYT HSSV. Từ nguồn CSDL được chia sẻ, chuẩn hóa, các đơn vị (cơ quan BHXH cũng như các trường học) sẽ có cơ sở để rà soát, xác định được số HSSV chưa tham gia BHYT, từ đó triển khai các giải pháp  đôn đốc, tuyên truyền, vận động. Đây cũng là giải pháp góp phần hiện đại hóa công tác quản lý, thúc đẩy xây dựng, nâng cao chất lượng GD toàn diện.

Bài: Thái An Đồ họa: Hiểu Thanh