Điểm tựa của người bệnh là bảo hiểm y tế

10/10/2022 01:55 PM


Có thể nói, hiện nay chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) luôn là điểm tựa vững chắc cho người dân, đặc biệt là người nghèo, người cận nghèo. Trong năm qua, đã có hàng trăm nghìn trường hợp khám, chữa bệnh (KCB) bằng thẻ BHYT với chi phí điều trị cao, có trường hợp chi phí KCB BHYT lên đến hàng tỷ đồng.

Trong năm 2021, toàn tỉnh Bình Thuận đã có hơn 2,2 triệu lượt người tham gia khám, chữa bệnh (KCB) bằng thẻ BHYT, với tổng chi phí hơn 710 tỷ đồng và 09 tháng đầu năm 2022, đã có hơn 1,2 triệu lượt người KCB BHYT với chi phí hơn 480,6 tỷ đồng. Tính đến 30/9/2022, toàn tỉnh đã có hơn 1.032.715 người tham gia BHYT, đạt 92,8% kế hoạch; Tỷ lệ bao phủ BHYT chung toàn tỉnh đạt 89,3% dân số. Công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT hộ gia đình được triển khai thực hiện có hiệu quả. Người dân ngày càng ý thức hơn về việc chăm sóc sức khoẻ của mình, cũng như hiểu được tính nhân văn, nhân đạo của chính sách BHYT là “sức khoẻ cộng đồng gắn liền với bảo hiểm y tế toàn dân”. 

Nếu như trước đây, nguồn thu từ quỹ BHYT chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong nguồn thu của các cơ sở khám, chữa bệnh thì nay đã tăng lên nhanh chóng và chiếm tỷ lệ hơn 90% về nguồn thu của các cơ sở KCB địa bàn tỉnh. Ðiều này cho thấy người dân đã tin tưởng, an tâm hơn với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, KCB bằng thẻ BHYT. Tỷ lệ người dân tham gia BHYT và KCB bằng BHYT ngày càng cao, đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ tại các cơ sở y tế.

Ðể từng bước mở rộng độ bao phủ, hướng đến mục tiêu BHYT toàn dân, vai trò của các cấp uỷ Ðảng, chính quyền địa phương là hết sức quan trọng. Thực tế cho thấy, nơi nào được sự quan tâm của chính quyền địa phương thì nơi đó người dân tham gia BHYT đạt tỷ lệ cao. Ngoài các thành phần bắt buộc, sự tham gia tích cực của BHYT hộ gia đình là cần thiết, góp phần mở rộng độ bao phủ của BHYT. Kể từ khi Luật BHYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực, tỷ lệ người dân tham gia BHYT hộ gia đình ngày càng tăng. Các quy định liên quan đến KCB bằng thẻ BHYT cũng kịp thời mở rộng, luôn đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT đi khám, chữa bệnh. Người dân ngày càng an tâm hơn khi lựa chọn, sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ. Bà Trần Thị V.., người dân xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, cho biết: “Tham gia BHYT rất có lợi, đặc biệt là những người có thu nhập thấp như chúng tôi nếu không mua BHYT thì khi mắc bệnh không biết kiếm đâu ra tiền để chữa trị”.

Chính sách BHYT không chỉ giúp người bệnh được chăm sóc sức khoẻ, mà qua đó còn đảm bảo tốt công tác an sinh xã hội, góp phần xoá đói giảm nghèo. Thực tế cho thấy, thời gian qua, chính sách BHYT đã cứu giúp nhiều hộ gia đình, đặc biệt là những gia đình có người mắc bệnh nan y như: Suy thận, ung thư, bệnh mạch vành và một số bệnh tật với chi phí điều trị cao, tốn kém. Đơn cử như trường hợp bà D.T.H.T 33 tuổi, ở xã Hiệp Phước, huyện Bắc Bình, mã thẻ BHYT: GD 460601…45, điều trị suy thận với chi phí được quỹ BHYT chi trả hơn 302 triệu đồng; bà H.T.H.V 29 tuổi, ở xã Tân Lập, huyện Hàm Thuận Nam, mã thẻ BHYT: GD460602….49. Bệnh bạch cầu dạng tủy cấp, được quỹ BHYT chi trả hơn 672 triệu đồng; bà N.T.L, 78 tuổi, ở xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, mã thẻ BHYT: GD4606020497655. Bệnh thủng đường mật, được quỹ BHYT chi trả hơn 246 triệu đồng…

Ðể chính sách BHYT thực sự đi vào cuộc sống và luôn đảm bảo quyền lợi cho người tham gia, Bảo hiểm xã hội Bình Thuận tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. Công tác tuyên truyền được xem là yếu tố hết sức quan trọng để cho người dân thấy được những lợi ích của chính sách BHYT. Vì tính nhân văn của chính sách BHYT và những lợi ích mà chính sách BHYT mang lại cho người dân để từ đó người dân tích cực hưởng ứng, tham gia góp phần thực hiện tốt mục tiêu hướng đến BHYT toàn dân./.

Phương Danh